Cắn răng chịu nhục

17/07/2013 - 17:21

PNO - PN - Uất ức, tủi nhục vì bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần, trong cơn cùng quẫn, nhiều phụ nữ đã nghĩ đến cái chết như một cách giải thoát khỏi người chồng tệ bạc. Nhưng con cái, sự yếu đuối và cả lòng vị tha lại...

Can rang chiu nhuc

Chị N.T.N., ấp Dân Thắng, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn bị chồng đánh đa chấn thương ngày 10/5/2011

* Chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh (xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên): Muốn chết cho xong

Chứng đau cột sống từ nhỏ khiến lưng chồng tôi ngày càng cong gù, ốm yếu nên hơn 15 năm chồng vợ, có bốn đứa con, kinh tế gia đình đều do một tay tôi gánh vác. Tôi không ngại khổ, làm đủ thứ việc từ chăn vịt, đan thêu, gánh lúa thuê đến theo công trình xây dựng, miễn có tiền lo miếng ăn cho con và thuốc thang cho chồng. 10 năm trước, trong một lần đi phụ hồ, tôi “say nắng” một người làm chung đã có vợ. Chúng tôi có vài lần viết thư cho nhau, nhưng biết đã sai nên chúng tôi không liên lạc nữa, đành chia tay, trở về với gia đình riêng.

Một lần, vì bất cẩn, tôi chưa kịp “phi tang” lá thư thì bị chồng phát hiện. Anh nói rằng sẽ không để tôi yên. Theo đó, anh đếm tổng số người thân, bà con, bạn bè cả hai quen biết, sau đó bắt các con ngồi chép lại lá thư, gửi cho mỗi người một bản, lý do: để họ hiểu vì sao tôi có tiền nuôi sống được cả nhà. Việc làm của anh khiến tôi rất sốc, xấu hổ. Gia đình hai bên họp bàn, cùng với sự cầu khẩn tha thứ của tôi, anh hứa sẽ “cho qua”. Anh không cho tôi đi làm xa nữa khiến kinh tế gia đình vốn khó khăn càng thêm túng quẫn. Vợ chồng thường cãi nhau nên dù “cho qua”, anh chưa bao giờ để tôi yên. Cuộc sống thiếu thốn thì anh cũng chậc lưỡi, nói với các con: “Mẹ bây mà còn ngoại tình thì cha con mình đâu đến nỗi khổ!”. Anh cười khẩy trước lời biện bạch của tôi, để rồi, gần như đêm nào sau đó, anh cũng bắt tôi “quan hệ”, phục tùng. Xót xa, khổ sở với cách chồng vừa “làm tình” vừa hành hạ, chửi rủa, song tôi vẫn không thấy đau đớn, nhục nhã bằng mỗi khi xong việc, anh chìa lá thư ra trước mắt, hỏi tôi: “Có bằng người này không?”. Mệt mỏi, sự chịu đựng quá ngưỡng, tôi bỏ về nhà mẹ.

Ở quê tôi, cho đến nay, chuyện vợ chồng ly hôn vẫn còn là điều ghê gớm, nhục nhã đối với người đàn bà, nên tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ly hôn. Về sống với gia đình, được mọi người khuyên can “cố gắng chịu đựng, thời gian sẽ qua”, tôi vẫn tính đường bỏ xứ đi xa. Thế nhưng, tôi chưa kịp đi thì anh đổ bệnh, các con khóc lóc níu chân xin tôi trở về chăm sóc ba. Con trai lớn còn gây sức ép: “Nếu mẹ không về, con sẽ tự vẫn”. Cuối cùng, tôi “đầu hàng” các con. Vậy mà sau khi hết bệnh, chồng tôi lại dùng lá thư đày đọa tôi. Tôi đã nghĩ đến cái chết cho xong chuyện.

* Chị V.T.H. (kinh doanh nhỏ, Q.Tân Bình, TP.HCM): Làm sao thắng nổi đàn ông!

Từ khi lấy nhau, tôi đã là trụ cột kinh tế gia đình. Chồng tôi làm thợ hồ, thu nhập không cao, thấy tôi làm ra tiền, anh bắt đầu bỏ bê công việc, đi về thất thường. Hai năm trở lại đây, anh thường xuyên quát tháo, đánh đập tôi vô cớ. Cũng trong thời gian đó, tôi phát hiện anh có quan hệ với người phụ nữ khác. Vì muốn giữ hạnh phúc gia đình nên tôi cố gắng nín nhịn, nhưng anh ngày càng quá quắt. Có hôm đang đêm khuya khoắt, đi chơi về, anh lôi mẹ con tôi dậy để gây sự. Sợ ảnh hưởng đến hàng xóm, tôi không hé miệng nói lại nửa lời. Nhưng chuyện vẫn không yên, không chỉ chì chiết tôi, anh còn đem ba mẹ tôi ra mạt sát. Không nhịn được, tôi vừa mở miệng nói lại một câu, anh liền sấn tới, đánh đập tôi không thương tiếc.

Những lần như thế ngày một nhiều. Những ngày sau đó, mỗi khi ra ngoài anh đều khóa cửa, nhốt tôi trong nhà. Anh giao cho tôi nhiệm vụ phải ở yên trong nhà để… dưỡng thương. Những ngày bị giam cầm cùng vết thương cả thể xác lẫn tinh thần, tôi quyết tâm ly hôn để tự giải thoát. Tôi âm thầm nộp đơn ly hôn, khi tòa án mời lên làm việc, anh mới quay về cầu xin tôi, rồi gọi về nhà cầu cứu. Ba mẹ anh đều già yếu, nghe tin, nhà chồng cử chị chồng tôi vào thành phố để hòa giải. Nể mặt nhà chồng, lại nghĩ, vợ chồng hết tình thì còn nghĩa, nghĩa vợ chồng không còn thì cũng còn nghĩa dâu con, nên tôi đồng ý rút đơn. Nhưng sau này tôi mới nhận ra, anh níu kéo tôi cũng chỉ vì muốn níu giữ một chỗ dựa kinh tế, chuyện đánh đập vẫn tái diễn.

Biết anh vi phạm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nhiều khi uất quá tôi cũng muốn đi thưa, nhưng lại nghĩ thôi thì đành cắn răng chịu vậy!

* Nguyễn Thị Thu Thủy (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai): Ai cứu mẹ con tôi?

Từ hồi bé xíu, tôi đã luôn chứng kiến cảnh ba tôi chửi mắng, hành hạ mẹ tôi. Ông đi làm về là nhậu nhẹt, sau đó kiếm chuyện… Lúc nào ông cũng có cớ để đánh đập mẹ. Những lúc như vậy, chị em tôi chỉ biết ôm nhau khóc; nhưng cũng chẳng làm ông chùn tay.

Cách đây 5 năm, ba về hưu, ra chạy xe ôm. Thế là ông nhậu nhẹt thường xuyên hơn, đánh đập mẹ tôi nhiều hơn. Tôi học hành sa sút. Cô chủ nhiệm phải đến tận nhà gặp ba mẹ tôi nói chuyện. Sau đó, ba bớt đánh mẹ, nhưng lại ngày càng khó tính. Ông chửi mắng, tra tấn mẹ về mặt tinh thần nhiều hơn trước. Đau lòng hơn khi ngoại tôi bán đất, cho mẹ tiền sửa nhà, ba suốt ngày đòi mẹ phải đem cầm cố giấy tờ, hay phải bán nhà cho ông lấy vốn hùn hạp làm ăn. Mẹ không chịu, vậy là ông lấy dây thắt lưng quất mẹ tả tơi.

Hồi nhỏ, chúng tôi rất sợ ba, nhưng bây giờ chúng tôi coi thường ông ấy, thay mẹ viết đơn khiếu kiện ba lên công an huyện, công an xã. Nhưng ở vùng quê Xuân Lộc, Đồng Nai này, việc cầu cứu chính quyền mới khó khăn làm sao. Khi công an vào tới làng tôi thì ba mẹ đã hết giận nhau, hoặc ba tôi hết xỉn. Vậy là họ bỏ về. Năm 2011, khi mẹ bị ba đánh gãy xương sườn, chúng tôi kêu cứu, công an vào bắt ba tôi, sau đó ra quyết định xử phạt ông một triệu đồng. Giờ mà nghe chúng tôi rục rịch kêu đi tố cáo, mẹ lại bảo: “Hai đứa bây im đi, kẻo không tốn tiền, ổng đánh tiếp”. Tôi biết, có nhiều phụ nữ trong làng bị chồng đánh, cũng chỉ vì xót tiền khi chồng bị phạt nên không dám tố cáo.

 Tuyết Dân - Minh Trâm (ghi)

Bài 3: Khó can thiệp chuyện riêng tư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI