Các nước giàu "quên" góp tiền giải quyết vấn đề môi trường

30/08/2023 - 09:33

PNO - Một quỹ tài chính giúp giải quyết vấn đề môi trường trên phạm vi toàn cầu có nguy cơ không thể ra mắt vào cuối năm nay nếu các nước giàu "bỏ lơ" nghĩa vụ đóng góp tài chính của mình.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên hiệp quốc (COP15) tại Canada vào tháng 12/2022, hầu hết các quốc gia tham dự đều thống nhất rằng, cần có hành động mạnh mẽ để đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học đang diễn ra nghiêm trọng hiện nay.

COP15 tổ chức tại Canada tháng 12/2022 xác định ưu tiên tập trung cho các mục tiêu về đa dạng sinh học - Ảnh: Julian Haber/ REUTERS
COP15 tổ chức tại Canada tháng 12/2022 xác định ưu tiên tập trung cho các mục tiêu về đa dạng sinh học - Ảnh: Julian Haber/ REUTERS

Theo đó, với mục tiêu bảo vệ 30% diện tích của trái đất, chính phủ các nước giàu đã đồng ý thành lập một quỹ để tài trợ cho các nước đang phát triển khoản ngân sách 200 tỉ USD mỗi năm cho đến năm 2030 để các nước này thực hiện mục tiêu đề ra.

Sự đồng thuận này là kết quả của những nỗ lực đàm phán nhiều giờ tại Montreal, Quebec nơi diễn ra những cuộc đình công của dân chúng cùng với sự chia rẽ giữa các nước phát triển và đang phát triển về quan điểm, cách thức huy động và tài trợ nguồn lực tài chính.

Các chính phủ cuối cùng cũng đã đồng ý thành lập một quỹ tài chính dưới sự bảo trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) trực thuộc Liên hiệp quốc để hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học trên phạm vi toàn cầu.

Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) được thành lập năm 1991 trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Rio, để giúp giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách nhất hành tinh.

Kể từ đó, GEF đã tài trợ 20,2 tỉ USD và huy động 129,9 tỉ USD tài trợ bổ sung cho hơn 5200 dự án. GEF cũng đã trở thành đối tác quốc tế của 183 quốc gia, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân để giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu.

Tuy nhiên, quỹ này đang trong tình trạng “khủng hoảng thiếu vốn” bởi cho đến nay, mới chỉ có 2 quốc gia là Canada và Vương quốc Anh đã đóng góp tài chính cho quỹ với ngân sách lần lượt là 200 triệu đô la Canada và 10 triệu bảng Anh.

Theo quy định của GEF, quỹ này cần có thêm ít nhất 40 triệu USD trước khi chính thức ra mắt vào cuối năm nay, trong khi một số quốc gia giàu có, bao gồm Nhật Bản, Mỹ và các nước EU vẫn đang “im hơi lặng tiếng”, theo The Guardian.

Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học đang là chủ đề nóng trên phạm vi toàn cầu - Ảnh: marketeers
Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học đang là chủ đề nóng trên phạm vi toàn cầu - Ảnh: Marketeers

“Thật đáng khích lệ khi nhìn thấy những khoản đóng góp đã được Canada và Anh thực hiện. Chúng ta mong đợi các quốc gia khác cũng sẽ sớm có những cam kết và hành động tiếp theo, từ đó những dự án đầu tiên từ quỹ này có thể được giải ngân trước khi diễn ra COP16 vào năm 2024”, ông David Cooper - quyền Giám đốc về đa dạng sinh học của Liên hiệp quốc - phát biểu.

Còn ông Steven Guilbeault - Bộ trưởng môi trường Canada thì nhấn mạnh rằng, sự đóng góp về tài chính từ các nước phát triển dành cho quỹ là rất quan trọng để có thể đáp ứng mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học - vốn đang là vấn đề cấp bách trong thập kỷ này.

Nguyễn Thuận (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI