Các nữ y bác sĩ Trung Quốc tại tuyến đầu phải uống thuốc để tránh ngày “đèn đỏ”

07/03/2020 - 16:33

PNO - Cuộc chiến chống lại COVID-19 ở Trung Quốc gây ra sự phẫn nộ khi bỏ bê nhu cầu của các nữ nhân viên y tế ở tiền tuyến. Họ khó tiếp cận các sản phẩm vệ sinh, được cấp các thiết bị không phù hợp và bị cạo đầu.

Khi thế giới đánh dấu Ngày Quốc tế Phụ nữ, những người phụ nữ ở Trung Quốc đã tập hợp lại để lên án các biện pháp mà họ cho là phân biệt đối xử trong cuộc chiến ngăn chặn COVID-19 của chính phủ.

Jiang Jinjing, cư dân ở Thượng Hải trở nên lo lắng về cách nữ nhân viên y tế đối phó với kỳ kinh nguyệt, sau khi biết rằng họ phải tránh sử dụng nhà vệ sinh để bảo tồn bộ đồ bảo hộ.

Jiang đặt ra câu hỏi trên Weibo và đã nhận được hàng ngàn bình luận, bao gồm cả những lời kêu gọi nặc danh khẩn cấp từ phụ nữ ở Hồ Bắc.

Lực lượng nữ y bác sĩ chiếm số lượng khá lớn trong đội ngũ chiến đấu chống COVID-19 tại tiền tuyến.
Lực lượng nữ y bác sĩ chiếm số lượng khá lớn trong đội ngũ chiến đấu chống COVID-19 tại tiền tuyến

Jiang nói: "Nhiều nữ nhân viên y tế đã gửi tin nhắn, nói rằng "ngày đèn đỏ" thực sự gây ra nhiều rắc rối. Họ thậm chí không thể ăn hoặc uống cả ngày trong khi mặc bộ đồ cách ly, chứ đừng nói đến việc thay băng vệ sinh".

Đồng thời, Jiang cũng tìm cách thuyết phục nhiều cá nhân và công ty gửi hơn 600.000 băng vệ sinh và đồ lót cho nữ nhân viên y tế ở tiền tuyến.

Nhu cầu của phụ nữ bị xem là “không cần thiết”

Trung Quốc thiết lập nhiều tuyến đường vận chuyển nhanh để cung cấp nhu yếu phẩm khẩn cấp vào tỉnh Hồ Bắc - nhưng ban đầu các sản phẩm vệ sinh phụ nữ không được coi là cần thiết.

Theo Jiang, một số quan chức bệnh viện đã từ chối quyên góp của cô vì họ không "nhận thức đầy đủ về vấn đề này". Một y tá giấu tên ở thành phố Shiyan của Hồ Bắc nói với AFP: “Các nhà lãnh đạo đều là nam giới nên không thể hiểu”. Dù nam giới thường nắm chức vụ cao hơn, phụ nữ chiếm phần lớn lực lượng y tá và bác sĩ ở tuyến đầu, theo Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc.

Jiang cũng đã phải đối mặt với sự mỉa mai từ các nhà phê bình trực tuyến. Một bình luận viết: "Ngay cả mạng sống của con người cũng không thể được bảo vệ, tại sao lại quan tâm đến vấn đề ở đáy quần của bạn?".

Vết hằn trên mặt những nữ y bác sĩ cho thấy áp lực mà họ trải qua.
Vết hằn trên mặt những nữ y bác sĩ cho thấy áp lực mà họ trải qua

Điều khó nói

Hình ảnh về những phụ nữ chống lại virus đã gây ra một làn sóng chỉ trích hiếm hoi ở quốc gia mà việc thảo luận trực tuyến thường bị hạn chế.

Một bệnh viện đại học ở Thượng Hải, nơi ca ngợi các "nữ chiến binh" cho biết họ đã quyên góp 200 chai thuốc giúp hoãn "các chu kỳ đặc biệt" của những thành viên nữ.

Bệnh viện sau đó đã lên tiếng phân trần, nói rằng những người phụ nữ tự nguyện dùng thuốc, nhưng người dùng Weibo vẫn buộc tội các quan chức tước quyền kiểm soát cơ thể từ những nữ nhân viên y tế.

Người dùng mạng xã hội cho rằng các nhân viên y tế nữ không có quyền lựa chọn như việc cạo đầu hoặc ứng phó với chu kỳ kinh nguyệt.
Người dùng mạng xã hội cho rằng các nhân viên y tế nữ không có quyền lựa chọn như việc cạo đầu hoặc ứng phó với chu kỳ kinh nguyệt

Các video tuyên truyền về nữ nhân viên y tế cạo đầu - được cho là để cải thiện vệ sinh - cũng đã phản tác dụng. Nhiều người bày tỏ nghi ngờ rằng một số nữ y bác sĩ rõ ràng đang khóc, chưa sẵn sàng tham gia.

Một bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội từ đài truyền hình nhà nước CCTV, trong đó mô tả các nhân viên giấu tên tạo dáng trong những bộ đồ hazmat quá khổ là "dễ thương" đã thu hút sự bất mãn tương tự. Người dùng Weibo chỉ ra rằng họ có khả năng là nữ y tá được phát những bộ đồ không phù hợp.

Nhà hoạt động Feng Yuan - người đồng sáng lập một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Bắc Kinh tập trung vào quyền phụ nữ cho biết, sức mạnh của tranh luận trực tuyến cho thấy nhận thức của công chúng về bình đẳng giới đã tăng lên.

Ngọc Hạ (Theo CNA, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI