Các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng từ bỏ chiến lược “zero-COVID” sẽ dẫn đến thảm họa

08/02/2022 - 13:02

PNO - Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, việc đưa các hoạt động đi lại về bình thường như trước đại dịch sẽ có nguy cơ làm cho các khu vực đang thực hiện chính sách “zero- COVID” đối mặt với 2 triệu ca tử vong một năm.

Các biện pháp hạn chế theo chiến lược “zero-COVID” của Trung Quốc đã được thực thi chặt chẽ hơn trong những tuần gần đây, khi nước này tổ chức Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh, nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh của biến thể Omicron.

Các nhà khoa học Trung Quốc và các chuyên gia y tế cộng đồng đã nhắc lại sự cần thiết của việc duy trì các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt này, vì cho rằng nguy cơ lây nhiễm hàng loạt là rất cao, và sẽ gây áp lực vượt quá sức chịu đựng lên hệ thống y tế của đất nước.

Một nhân viên lễ tân đeo khẩu trang và đeo khiên để bảo vệ chống lại bệnh coronavirus (COVID-19) kiểm tra một khách tại một khách sạn bên trong vòng khép kín tại Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 1 tháng 2 năm 2022. REUTERS / Thomas Peter
Một nhân viên lễ tân đeo khẩu trang để bảo vệ chống lại bệnh coronavirus (COVID-19) tại một khách sạn phục vụ Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 1/2/2022. REUTERS / Thomas Peter

Các nhà khoa học này đã sử dụng các nghiên cứu từ Chile và Anh để tính toán “hiệu quả cơ bản” của việc sử dụng các loại vắc xin hiện tại trong phòng chống dịch COVID-19: cụ thể là CoronaVac ở Chile; Pfizer và AstraZeneca ở Anh.

Theo đó, các nhà khoa học ước tính hiệu quả cơ bản của vắc xin đối với việc phòng ngừa nhiễm bệnh có triệu chứng là 68,3%, đối với việc tránh nguy cơ tử vong là 86%.

Dựa trên dữ liệu của Anh, ước tính hiệu quả tránh bị lây nhiễm chỉ là 30%. Hiệu quả tránh bị bệnh có triệu chứng và tử vong lại được dựa trên dữ liệu từ ​​một nghiên cứu về việc sử dụng vắc xin CoronaVac của Sinovac ở Chile.

Các nhà nghiên cứu của Trung Quốc ước tính rằng, ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu đạt mức 95%, thì việc nới lỏng các hạn chế đi lại về mức năm 2019, có thể làm cho tất cả các khu vực đang thực hiện các biện pháp “zero-COVID” hiện nay bùng phát ​​hơn 234 triệu ca nhiễm trong vòng một năm, bao gồm 64 triệu ca có triệu chứng và 2 triệu ca tử vong.

“Nhân loại nên tiếp tục phát triển vắc xin và khám phá những cách thức mới để cải thiện hiệu quả của vắc xin trong việc phòng tránh sự lây nhiễm, từ đó “xóa sổ” COVID-19 trên phạm vi toàn cầu”, các nhà khoa học Trung Quốc nhận định trong bản tin hàng tuần mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CCDC).

Họ cũng cho rằng, để COVID-19 trở thành một loại bệnh cúm thông thường sau khi khôi phục lại các hoạt động đi lại như trước đại dịch, hiệu quả tránh bị nhiễm căn bệnh này của vắc xin cần phải được tăng lên 40%, và hiệu quả tránh bị bệnh có triệu chứng cần phải tăng lên 90%.

“Chìa khóa để kiểm soát dịch COVID-19 nằm ở việc phát triển và sử dụng rộng rãi các loại vắc xin có hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa bị nhiễm”, các nhà khoa học cho biết thêm.

Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới vẫn đang kiên định với chính sách “nói không với COVID”, mặc dù đã có nhiều cảnh báo rằng cách làm này có thể ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng kinh tế. Một số quốc gia từng đi theo chiến lược này, như Singapore, Úc và New Zealand, gần đây đã chuyển sang chính sách “thích ứng và chung sống với COVID”.

Nhất Nguyên (theo Reuters)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI