Các đảo quốc Thái Bình Dương muốn tòa án quốc tế xử các nước gây biến đổi khí hậu

18/07/2022 - 16:03

PNO - Hôm 18/7, nhóm đảo quốc Thái Bình Dương bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu đã kêu gọi Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ra phán quyết về nghĩa vụ pháp lý của các quốc gia trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu.

 

Khói bốc lên từ ống khói tại một xưởng luyện thép ở Úc
Khói bốc lên từ ống khói tại một xưởng luyện thép ở Úc. (Ảnh: AP)

Trong một tuyên bố được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh ở Fiji vào tuần trước, lãnh đạo nhóm đảo quốc Thái Bình Dương đã đưa ra lời kêu gọi chung cho tòa án có trụ sở tại La Hay. Yêu cầu tòa nêu rõ nghĩa vụ của các quốc gia trong việc “bảo vệ quyền của các thế hệ hiện tại và tương lai trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu”.

Các hòn đảo - nhiều vùng trũng và bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu - hy vọng động thái này sẽ đưa ra chế tài pháp lý cao hơn đối với các quốc gia phát thải carbon và thúc đẩy hành động.

Các nhà lãnh đạo cũng tuyên bố khu vực này đang trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu, gây ra bởi một mối đe dọa "hiện hữu".

Kế hoạch sẽ cần sự ủng hộ của đa số tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 để được đưa lên ICJ.

Sáng kiến ​​bắt đầu trong một lớp học tại Đại học Nam Thái Bình Dương vào năm 2019. Khoảng 27 sinh viên luật đã viết thư cho các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương yêu cầu họ tham gia chiến dịch - và Vanuatu (đảo quốc gồm quần đảo vùng Melanesia, tây nam Thái Bình Dương) đã trả lời cuộc gọi.

Sinh viên đại học Fijian Vishal Prasad, 26 tuổi, là một trong những người khởi xướng. Anh nói trong hội nghị thượng đỉnh Suva rằng ngay cả một “ý kiến ​​cố vấn” không ràng buộc từ Tòa án Công lý Quốc tế cũng sẽ có “tác động sâu rộng”.

Prasad hy vọng sự cân nhắc của tòa án sẽ đưa những quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất vào tâm điểm sự chú ý toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương chụp ảnh nhóm hôm 14/7 tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Diễn đàn Quốc đảo Thái Bình Dương ở Fiji. (Ảnh: AP)
Các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương chụp ảnh nhóm hôm 14/7 tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Diễn đàn đảo Quốc Thái Bình Dương ở Fiji. (Ảnh: AP)

Theo Prasad, đối với những người trẻ tuổi ở Thái Bình Dương, “mối đe dọa hiện hữu, thực tế” của biến đổi khí hậu “khá đáng sợ”. Mực nước biển dâng cao và các cơn bão mạnh hơn đang gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng trên Thái Bình Dương.

“Chúng tôi đang thấy các tác động hàng ngày. Chúng tôi chứng kiến ​​các cộng đồng buộc phải di dời vì nước dâng", anh chia sẻ.

Bộ trưởng Ngoại giao Tuvalu Simon Kofe nói rằng ông muốn thấy chiến dịch của Vanuatu được hỗ trợ vì nó “phù hợp với những nỗ lực của chúng tôi nhằm bảo vệ người dân đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu”.

Các đảo quốc nhỏ hơn cũng yêu cầu hai thành viên lớn tại Diễn đàn Đảo Thái Bình Dương là Úc và New Zealand làm nhiều hơn để chống biến đổi khí hậu. Úc là một trong những nước xuất khẩu than và khí đốt lớn nhất thế giới.

Tấn Vĩ (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI