Ca sĩ Dương Huệ: Xinh đẹp và hát hay vẫn... chưa là gì cả

25/06/2022 - 18:29

PNO - Tôi muốn kể về Dương Huệ không phải với gương mặt nghệ sĩ, mà với mạch khao khát của một người phụ nữ rất đời - cũng từng hoang mang, mờ mịt, từng vướng víu giữa những cản ngăn thường tình.

 

Từ nhỏ, Dương Huệ chơi piano và bộc lộ năng khiếu ca hát, nhưng cô không nghĩ mình sẽ trở thành ca sĩ...
Dương Huệ chơi piano từ nhỏ và sớm bộc lộ năng khiếu ca hát, nhưng cô không nghĩ mình sẽ trở thành ca sĩ...

Những ngày cấp tập hoàn thiện album Ngàn năm vẫn đợi, Dương Huệ bật mí: "Album vol 5 này Huệ chỉ hát nhạc trữ tình, không hát bolero". Tôi liền nêu giả thuyết, có phải tuổi 30 đã khiến Huệ “ngoan” hơn sau một thời gian dài “cãi” gia đình, “cãi” bầu sô để hát bolero. Huệ nói: "Huệ hát nhạc trữ tình không phải vì lời khuyên của mọi người. Huệ hát vì thôi thúc bên trong ở thời điểm này, cũng như Huệ từng hát bolero suốt nhiều năm trước…".

“Xinh đẹp và hát hay"

“Thôi thúc bên trong" chính là điều mà người phụ nữ này vẫn hằng nhắc đến ở từng, bằng cách này hay cách khác. 

Dương Huệ bây giờ đã được biết đến là "nàng thơ Hà Thành", "nàng thơ bolero". Cô từng ra mắt 5 album chỉ trong vòng 3 năm, trong đó có 4 album bolero. Nhiều người nhận thấy sự chuyên tâm và cật lực của Huệ với âm nhạc. Nhưng ít ai biết, những tâm huyết, tỉ mẩn và cuống cuồng đó đã “bung” ra sau một thời gian dài bị trì hoãn giữa những can ngăn.

Huệ hát hay và mê nhạc bolero từ nhỏ. Nhưng khi ấy, những người thương yêu cô đều khuyên can: "Nghề hát bạc lắm. Nổi tiếng mấy cũng chỉ được một thời thôi, rồi lại phải loay hoay kiếm sống".

Vì sợ nỗi chóng vánh của nghề hát, ba mẹ hướng cho Huệ học khối A. Cô thi vào Sư phạm nghệ thuật Trung ương, dự định sẽ trở thành một cô giáo dạy nhạc.

"Tôi đã đính kèm sở thích của mình vào định hướng của ba mẹ: làm giáo viên cho có cái nghề trọn đời, nhưng công việc vẫn liên quan đến ca hát" - Dương Huệ lý giải.

Khi ấy, Huệ không biết ước mơ. Cô thi đậu đại học, rồi ra trường lại xin vào dạy ở các trung tâm năng khiếu địa phương. Nghề dạy học khá suôn sẻ, nhiều học trò theo cô giáo Dương Huệ học từ trung tâm này sang trung tâm khác. Cuộc sống tưởng chừng đã quá ổn thỏa với một người phụ nữ: làm nghề giáo, mọi cột mốc cuộc đời đều tuần tự đạt được. “Nhưng tôi vẫn cảm thấy mình đang sống rất mờ nhạt” - Huệ nói.

Huệ nhớ, suốt tuổi thơ cho đến khi trở thành một người phụ nữ trưởng thành, có hai niềm vui đã đi theo cô qua mọi môi trường sống, đó là "xinh đẹp" và "hát hay". 

Lúc còn nhỏ, khi Dương Huệ còn hay phụ mẹ trông coi tiệm tạp hóa, cô đã nghe nhiều chàng trai thú nhận rằng họ đã đến tiệm mua một cục pin, một cái kẹo, chỉ để… được ngắm Huệ. Lớn lên, cô cũng hay phụ tiệm cơm của gia đình sau giờ làm. Ở những nơi đông người như thế, Dương Huệ luôn được nhắc rằng cô rất xinh. Giai đoạn đó, Huệ đã bắt đầu đi hát ở những chương trình của huyện. Ai cũng công nhận rằng cô có một giọng hát nổi bật. 

Xinh đẹp, hát hay, có một công việc ổn định, và thường sống trong khen ngợi của mọi người… Dương Huệ của thời cách đây 6-7 năm là một hình ảnh rất quen thuộc với số đông nữ giới cùng thế hệ. Và những chi tiết rời rạc cô kể với tôi suốt buổi trò chuyện, cuối cùng, cũng được đúc kết bằng một nỗi băn khoăn: "Lúc đó, mình vẫn thấy day dứt khi nghĩ về tương lai. Mình được khen là xinh đẹp, có tài và có công việc ổn định, nhưng mình đã làm được điều gì với cuộc đời mình? Hình như là chưa, mình chưa làm được gì cả. Thời điểm đó, mình làm gì cũng bị ngăn cản. Đi hát thì được khuyên rằng nghề hát rất bạc. Hát bolero thì bị cho rằng dòng nhạc ấy lạc thời… Thậm chí, mình đã có lúc tin rằng mình bất tài, không làm được gì cả…".

Dương Huệ lặng lẽ mang theo dòng nhạc yêu thích trong mọi chương trình mà cô góp mặt.
Dương Huệ mang theo dòng nhạc yêu thích trong mọi chương trình mà cô góp mặt

Thời đó, trong tất cả những chương trình ca nhạc, cô gái mê bolero chỉ được mời hát nhạc cách mạng hoặc nhạc quê hương. Mỗi lần cô đề xuất nhạc bolero, các bầu sô đều gạt đi vì "không phù hợp với chương trình". Vậy là cô… tự xoay xở để thỏa mãn sở thích.

Với mỗi chương trình, Huệ đề xuất được hát kèm một bài bolero. Dần dà, người ta cũng nhận ra Dương Huệ thích hát bolero. Có lần, sau một chương trình ca nhạc khá thành công, một bầu sô đã gọi cô ra khuyên nhủ: “Nếu em muốn đi hát thì hãy bỏ ý tưởng theo đuổi nhạc bolero. Nhạc đó hát không ai nghe, hát phòng trà người ta cũng không chuộng, mà cũng không có sân khấu nào, chương trình nào phù hợp…”.

Chỉ cần mình muốn làm, và làm nghiêm túc...

Nghe Huệ kể về thời thanh xuân, tôi chột dạ nghĩ đến mô-típ sống của thế hệ 9X đời đầu. Đó là thế hệ đã bước đầu tiếp cận những làn sóng số, đã có linh cảm về khát vọng cá nhân, nhưng chân vẫn bước trong những nền nếp truyền thống của xã hội. 

Tôi từng biết những người sớm rõ con đường của mình, sớm gạt đi những định kiến xã hội và mãnh liệt đeo đuổi đam mê. Dương Huệ không nằm trong nhóm đó. Huệ nói: lúc ấy mình chỉ biết điều mình thích, và lờ mờ biết mình muốn làm gì, nhưng ý muốn cũng không được rõ nét vì mình đã "tự kiểm duyệt" bằng những quy chuẩn xã hội…

Nhưng Huệ rất khác ở chỗ, ngay khi nhận thức chưa thực rõ ràng, cô vẫn hồn nhiên làm điều mình thích. Cô đi hát ở mọi sân khấu. Và hát kèm bolero trong mọi chương trình. Trong những năm tháng sống với "quy chuẩn xã hội", cô vẫn “đèo bòng” đam mê. Sự sống mang tên Dương Huệ vẫn đi xuyên phần đời lặng lẽ đó. 

Để đến năm 2018, làn sóng bolero trở lại mạnh mẽ. Huệ ghi danh thi Solo cùng bolero. Rồi năm 2019, cô lại dự thi Ban nhạc quyền năng. Từ những sân khấu này, một Dương Huệ lặng lẽ theo bolero như kẻ lạc thời đã gặp được những người cùng khát vọng.

Huệ rưng rưng: “Lúc ấy, tôi nhận ra những điều người ta can ngăn tôi đều sai. Nghề hát chỉ được một thời thì sao lại có những ca sĩ làm nghề trọn đời? Bolero được cho là “hát không ai nghe” mà sao cũng có lúc nó sống dậy với những sân khấu hàng ngàn khán giả?”.

Khi ấy, Dương Huệ đã 27 tuổi, đã qua giai đoạn vàng thường thấy trong sự nghiệp của các nữ ca sĩ. Huệ thấy mình đã muộn màng. Nhưng, muộn màng không phải là điều có thể trở thành rào cản với Dương Huệ. Cô cuống cuồng làm nhạc. Cái tên Dương Huệ bắt đầu xuất hiện trên báo chí, và nhiều lần được nhắc đến bởi giọng ca gạo cội của dòng nhạc bolero…

Đến giờ, Dương Huệ sở hữu 5 album - không hề “muộn màng” so với tuổi 30, và đặc biệt là so với những tháng năm còn ít ỏi của tuổi nghề… 

Dương Huệ nói rằng mọi người đã sai khi nói về bolero. Nhưng rồi chính cô cũng sai. Dương Huệ từng tự tuyên bố với bản thân rằng cả đời cô sẽ chỉ hát bolero, nhưng đến ngưỡng 30 tuổi, cô đột ngột chuyển hướng, ra mắt album vol 5 với 10 bài hát trữ tình, "không hát nhạc bolero". 

Ra album thứ 5 sau 3 năm chuyên tâm làm nhạc, Dương Huệ chuyển từ bolero sang dòng nhạc trữ tình vì không có nhiều thời gian để chần chừ...
Ra album thứ 5 sau 3 năm chuyên tâm làm nhạc, Dương Huệ chuyển từ bolero sang dòng nhạc trữ tình, cũng từ một "thôi thúc bên trong"... 

"Nhiều người khuyên rằng tôi đang tạo được dấu ấn với bolero thì nên chuyên tâm, nhưng tôi tin rằng chỉ cần đó là điều tôi thực sự muốn làm và nghiêm túc làm, thì đó chắc chắn sẽ không thể là điều vô ích" - Huệ nói. Và cô làm thật, với album Ngàn năm vẫn đợi vừa ra mắt.

Khi cuộc trò chuyện dịch chuyển qua tất cả những cột mốc quá khứ, chúng tôi dừng lại thật lâu với hiện tại. Ở đó, Dương thư thả hơn trong mạch ưu tư, nhưng lại hừng hực những dự định cụ thể. “Những trải nghiệm đã qua cho tôi thấy rằng điều mình mơ ước sẽ luôn đúng nếu mình thực hiện nó một cách nghiêm túc. Không thể so sánh khao khát của một người phụ nữ với những giá trị thông thường của xã hội như là tiền bạc, tương lai, sự ổn định. Ngược lại, khi người phụ nữ được sống với khao khát của họ, họ mới đủ sức sống để tạo ra những giá trị - vượt lên trên cả những nhu cầu thông thường của đời sống…” - Dương Huệ chia sẻ.

Chúng ta đã có nhiều chân dung thành công vì sớm theo đuổi một lý tưởng sống nào đó. Nhưng trong thực tế đời sống, phổ biến hơn cả vẫn là những người trẻ hoang mang giữa quá nhiều áp lực đời sống và định kiến xã hội. Chính vì thế, tôi muốn kể về Dương Huệ không phải với gương mặt nghệ sĩ, mà với mạch khao khát của một người phụ nữ rất đời - cũng từng hoang mang, mờ mịt, từng vướng víu giữa những cản ngăn thường tình. Và khi bắt được tiếng nói bên trong, một Dương Huệ ưu tư đã trở thành một Dương Huệ của hành động.

Đặc biệt ngay cả trong những năm tháng mịt mờ, Dương Huệ vẫn giữ một niềm khao khát dại khờ, bên lề mọi quy đổi thực dụng của xã hội. Chính vì thế, thành công của Dương Huệ lúc này đã minh chứng cho sự minh triết của niềm khát khao…

Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI