Bị ù, đau tai, điếc… do đeo tai nghe quá nhiều

06/03/2023 - 06:42

PNO - “Không biết vì sao tai bị ù, đau…” là câu nói của đa số người bệnh đến gặp bác sĩ khi có vấn đề về tai. Hầu hết cho biết không gặp chấn thương, không đi bơi… nhưng tai vẫn bị chảy dịch vàng, đau nhức, thính lực giảm, thậm chí có bệnh nhân gần như không còn nghe được gì.

Khi nguyên nhân đến trong... âm thầm!

Chị N.T.H. (27 tuổi, ở quận 5) hay bị nhức đầu, khó tập trung, mất ngủ. Chị ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống nhưng không khỏi. Gần đây, tai chị bị chảy dịch vàng, có mùi hôi nên đến Bệnh viện Đại học y dược TPHCM thăm khám. Khi được bác sĩ chẩn đoán chị bị nhiễm trùng tai, viêm tai giữa, giảm thính lực do đeo tai nghe quá nhiều, chị H. rất ngạc nhiên.

“Đúng là tôi thường đeo tai nghe bluetooth khi chạy xe, và mỗi tối trước khi ngủ vì sợ ảnh hưởng bạn thuê trọ cùng, nhưng tôi không biết thói quen này có tác hại như vậy”, chị H. nói. Theo chị H., chị có sở thích nghe radio, nghe nhạc để ngủ mỗi tối. Nếu giật mình thức giấc nửa đêm, chị sẽ tháo tai nghe ra ngoài, còn không sẽ đeo đến sáng. Chị cũng luôn đeo tai nghe mỗi khi đi xe máy phòng trường hợp có cuộc gọi đến. Bác sĩ cho biết đây cũng chính là nguyên nhân “âm thầm” làm tai chị bị tổn thương mà không hay biết. Trước mắt, chị H. được vệ sinh tai, uống thuốc, đánh giá thính lực.

Bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng đang khám nội soi tai cho người bệnh - ẢNH: LÂM NA
Bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng đang khám nội soi tai cho người bệnh - Ảnh: Lâm Na

Nửa tháng nay, anh H.N.T. (35 tuổi, ở quận Phú Nhuận) thường bị ngứa bên trong tai, khi vệ sinh tai, anh thấy dịch ráy tai lỏng thay vì khô như trước, hay bị ù tai, đau tai nhất là lúc đi ngang công trình, hay nói chuyện với nhiều người cùng lúc. 

Anh T. chia sẻ: “Do công việc ban ngày quá bận rộn nên tôi không có thời gian học tiếng Anh. Vì vậy, mỗi tối tôi thường tập nghe tiếng Anh qua tai nghe, bật âm lượng lớn để tập trung hơn. Cũng có khi sáng tôi bị đau tai khoảng 20-30 phút, nhưng tôi nghĩ do tôi ngủ quên nên tai nghe cấn vào tai thôi chứ không biết thính lực của mình có vấn đề. Cho tới khi nhiều đồng nghiệp của tôi phải lặp đi lặp lại nội dung cuộc trò chuyện với tôi. Rồi khu vực tôi ở đang có người xây nhà, mỗi khi thợ đổ bê tông, cắt sắt… tai tôi đau nhức, nên người thân khuyên tôi đến Bệnh viện Tai Mũi Họng khám”.

Anh T. được bác sĩ chẩn đoán viêm tai giữa nặng, gần như mất thính lực do tiếp xúc quá nhiều với tiếng ồn trong thời gian dài. Bác sĩ chỉ định anh rửa tai tại bệnh viện mỗi tuần 1 buổi, rửa liên tục trong 3 tuần. Đồng thời, uống thuốc và nhỏ thuốc vào tai để điều trị. Sau khi hồi phục, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ thính lực rồi mới quyết định anh có phải dùng máy trợ thính hay không. 

Nhiều thanh thiếu niên bị tổn thương thính lực

Thạc sĩ, bác sĩ Văn Thị Hải Hà - Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết khi một người tiếp nhận âm thanh theo cách bình thường thì ban đầu sóng âm sẽ truyền vào vành tai, sau đó truyền vào trong tai, đi qua ống tai, vào màng nhĩ. Lúc này, các xương ở tai giữa được kích thích, đưa âm thanh vào ốc tai và truyền đến não để người nghe tiếp nhận. Trong ốc tai của mỗi người có những tế bào lông phụ trách âm thanh. Mỗi tế bào phụ trách cho một tần số âm thanh khác nhau sẽ đảm bảo người nghe chính xác. 

Còn qua tai nghe, âm thanh sẽ được truyền thẳng qua ống tai, dẫn đến sự gia tăng áp lực bên trong tai. Theo thống kê, nếu một người đeo tai nghe với tần suất âm thanh trên 80dB, khoảng 40 giờ mỗi tuần sẽ ảnh hưởng sức nghe, còn tần suất âm thanh 100dB thì chỉ cần vài phút trong một tuần tai đã bị ảnh hưởng. Nếu nghe với mức âm thanh lớn gần như tuyệt đối, có thể dẫn đến thủng màng nhĩ. 

Trên thực tế, theo thói quen, khi một người mang tai nghe công nghệ, nếu môi trường bên ngoài lớn hơn trong tai nghe, người dùng có xu hướng kéo âm thanh tai nghe lớn hơn để nghe cho rõ. Ban đầu người bệnh không biết tai mình đang dần tổn thương, cho đến khi có vấn đề nghe lúc giao tiếp, sinh hoạt mới đi khám thì gần như không thể phục hồi thính lực, bởi những tế bào lông đã bị tổn thương. Đặc biệt, người nghe sử dụng loại tai nghe có núm tai thì độ ẩm trong tai có thể bị thay đổi, dẫn đến đau tai, viêm tai, nhiễm trùng.

Còn theo bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Thanh Hồng - Trưởng khoa Tai - Tai thần kinh Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM - thời gian qua, bệnh nhân bị tổn thương thính lực do tai nghe công nghệ ở độ tuổi thanh thiếu niên đang có dấu hiệu tăng. Hầu hết các bạn trẻ đeo tai nghe gần như cả ngày với âm lượng lớn.

Ngoài những bệnh nhân phải cấp cứu vì bị điếc đột ngột, khi vào nơi có cường độ âm thanh quá lớn, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp người bệnh tiếp xúc với âm thanh lớn, gây giảm thính lực từ từ. Trung bình từ 6 tháng đến 1 năm, người bệnh mới biết mình có vấn đề về thính lực. Khoảng 40% người sử dụng tai nghe thường xuyên bị ảnh hưởng thính giác, trong đó, không ít trường hợp khi bác sĩ đo thính lực, phát hiện bệnh nhân đã bị điếc. “Đáng tiếc, đa số người bệnh bị điếc không hồi phục, không đáp ứng với bất kỳ điều trị nào, phải sử dụng máy trợ thính suốt đời”, bác sĩ Hồng nói. 

Tuân thủ quy tắc 60-60 khi đeo tai nghe

Bác sĩ Dương Thanh Hồng khuyến cáo, khi sử dụng tai nghe công nghệ cần phải tuân thủ quy tắc 60-60. Tức là âm lượng không quá 60%, thời gian không quá 60 phút/lần nghe. Nếu bắt buộc phải sử dụng tai nghe công nghệ thường xuyên, chúng ta nên lựa chọn loại tai nghe trùm qua đầu để hạn chế âm thanh vô thẳng vào màng nhĩ mà sẽ lan qua đường xương vành tai.

Bác sĩ Văn Thị Hải Hà lưu ý: Bạn cũng có thể kiểm tra tần suất âm thanh bằng cách hỏi người xung quanh có nghe được âm thanh trong tai nghe của mình không và giảm âm lượng xuống cho đến khi người bên cạnh không còn nghe được nội dung đó nữa.

Nếu một người có thói quen đeo tai nghe, có triệu chứng như nhức đầu, ù tai, dịch ráy tay lỏng, nhiều, tai đau, nghe không rõ… nên đến các bệnh viện có chuyên khoa tai để được thăm khám.

 Phạm An - Lâm Na

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI