Tai nạn tổn thương mắt gia tăng ở trẻ

05/03/2023 - 12:35

PNO - Bị tổn thương ở mắt có thể không nguy hiểm tính mạng nhưng sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động thường nhật, gây xáo trộn nghiêm trọng cuộc sống của trẻ. Khi bị tai nạn ở vùng mắt, không phải ca nào cũng may mắn hồi phục. Do đó, phụ huynh cần hết sức lưu ý trong sinh hoạt hằng ngày, có ý thức bảo vệ đôi mắt cho con.

Một trường hợp đang được khám mắt tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 - ẢNH: T. T.
Một trường hợp đang được khám mắt tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: T. T.

Liên tiếp nhiều trường hợp bị vỡ nhãn cầu 

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Đình Trung Chính - Đơn vị Mắt Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cảnh báo về các sự cố tai nạn gây vỡ nhãn cầu ở trẻ. Từ sau tết Nguyên đán tới nay, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận 3 trường hợp bị vỡ nhãn cầu. 

Gần đây nhất là trường hợp bé trai Đ.V.D. (14 tuổi, ngụ tại Bình Dương). Bé D. cùng bạn bè trong xóm đặt mua thuốc pháo trên mạng về chế pháo. Kết quả, trong lúc nhồi thuốc, pháo phát nổ khiến bé D. bị dập nát bàn tay và mắt trái. Ngay lập tức, bé được gia đình đưa tới bệnh viện địa phương. Xét thấy tình trạng của bệnh nhi quá nặng, các bác sĩ quyết định chuyển bé lên Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Tại thời điểm tiếp nhận, bé D. đau đớn, mất nhiều máu và la khóc. Gia đình bé cũng rất hoảng loạn. Dù bệnh viện đã hết lòng cứu chữa nhưng bàn tay của bé dập nát toàn bộ; phải cắt lọc, chừa lại từ mỏm cụt. Riêng mắt trái của bệnh nhi bị vỡ nhãn cầu. Bé được làm sạch vết thương, chích thuốc kháng sinh, nhỏ thuốc chống bội nhiễm, băng ép cầm máu.

Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã mời Bệnh viện Mắt TPHCM sang cùng hội chẩn, ra quyết định chuyển bé qua Bệnh viện Mắt TPHCM để phẫu thuật, cố gắng bảo tồn mắt trái. Ngày 21/2, bệnh nhi trở lại Bệnh viện Nhi Đồng 2 tái khám. Các bác sĩ ghi nhận mắt trái bé D. sau ca mổ đã bảo tồn được về cấu trúc giải phẫu (không cần múc bỏ mắt, đeo mắt giả).

Tuy nhiên, thị lực mắt này vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Để xác định thị lực có phục hồi được không, cần phải đánh giá sau vài lần tái khám nữa. Dù vậy, với tình trạng thương tổn nặng nề trên, giữ được cấu trúc giải phẫu của mắt đã là quá tốt. Nhờ vậy, sau này bé cũng tránh được mặc cảm về hình thể.

Bé N.Đ.T. (15 tuổi, ngụ tại Bình Phước) cũng được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 vì tai nạn nghịch pháo tự chế, pháo nổ vỡ nhãn cầu mắt trái. Sau đó, bệnh nhi đã được khâu lại giác mạc, củng mạc; theo dõi tổn thương võng mạc qua siêu âm… Ca này giữ được cấu trúc giải phẫu của mắt trái nhưng thị lực bị mất vĩnh viễn. 

Tai nạn học đường, giao thông

Ngoài tình huống vỡ nhãn cầu vì tai nạn pháo nổ, Bệnh viện Nhi Đồng 2 còn ghi nhận rất nhiều trường hợp bị tổn thương mắt do tai nạn giao thông. Những bệnh nhi này chủ yếu ở độ tuổi thanh thiếu niên, khi nhập viện thường bị đa chấn thương nặng nề.

Tai nạn gây tổn thương mắt ở trẻ nhỏ còn có thể xảy ra khi phụ huynh để con đưa mặt gần các loài chim nuôi làm cảnh như vẹt, sáo… - ẢNH: INTERNET
Tai nạn gây tổn thương mắt ở trẻ nhỏ còn có thể xảy ra khi phụ huynh để con đưa mặt gần các loài chim nuôi làm cảnh như vẹt, sáo… 

Cách đây chưa lâu, bé trai P.V.V. (14 tuổi, ngụ tại TPHCM) được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. V. chở bạn bằng xe đạp điện, chẳng may va quẹt với xe tải nên té xuống đường. Bạn của V. chỉ bị chấn thương phần mềm nhưng V. bị ngất, đầu va đập mạnh, dị vật quẹt trúng làm rách giác mạc mắt trái. Ngoài xử trí vết rách giác mạc, V. còn phải theo dõi chấn thương sọ não.

Ngoài ra, tai nạn vùng mắt ở trẻ nhỏ còn thường rơi vào lứa tuổi mầm non, tiểu học. Tình huống đau lòng xảy ra do các bé hiếu động, chọi đồ chơi, chọi bút trúng mắt bạn. Không chỉ vậy, tai nạn gây tổn thương mắt ở trẻ nhỏ còn có thể xảy ra khi phụ huynh để con đưa mặt gần các loài chim nuôi làm cảnh như vẹt, sáo…

Trẻ em thường tò mò, thích tìm hiểu thế giới xung quanh nhưng lại chưa có đầy đủ nhận thức và kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Một chút lơ đễnh của người lớn có thể dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thành Danh - Đơn vị Mắt Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cũng khuyến cáo phụ huynh về mức độ nguy hiểm khi trẻ bị vỡ nhãn cầu. Trẻ không chỉ bị mất thẩm mỹ, mặc cảm về ngoại hình mà thị lực cũng có thể vĩnh viễn không phục hồi.

Nhãn cầu là một khối tròn, bên trong có nhiều tổ chức cấu tạo. Vỡ nhãn cầu là tình trạng tổn thương gây mất sự toàn vẹn cấu trúc của nhãn cầu. Tùy vào mức độ tổn thương khi nhãn cầu vỡ sẽ gây ra các hệ lụy khác nhau. Vỡ nhãn cầu mức độ nhẹ, là các tổ chức bên trong không bị đẩy ra ngoài.

Lúc này, bác sĩ vẫn có thể bảo tồn được cấu trúc giải phẫu bằng cách khâu lại vết rách hoặc bơm dịch, bơm khí để giữ áp suất nhãn cầu. Nhãn cầu bị vỡ mức độ nặng nghĩa là các tổ chức bên trong bị đẩy ra ngoài. Ở tình trạng này, mắt của bệnh nhi rất khó bảo tồn và đương nhiên sẽ mất luôn thị lực. Khi một mắt bị tổn thương, mắt còn lại có nguy cơ bị ảnh hưởng thị lực. 

Theo bác sĩ Trung Chính, trẻ cần được đưa tới bệnh viện và xử trí vết thương sớm nhất khi có tổn thương ở vùng mắt. Thời gian vàng để can thiệp xử trí, tránh tối đa các biến chứng là trong vòng 24 giờ đầu. 
Tổn thương mắt thường được chia thành các dạng như: do dị vật, phỏng (nhiệt, hóa chất), bị đâm trúng gây rách và chảy máu…

Trước tiên, với các tổn thương có dị vật trong mắt, nếu dị vật nhỏ như bụi, sợi lông mi thì không nên dụi mắt mà hãy rửa bằng nước sạch. Nếu dị vật vẫn chưa trôi ra, phải nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện để bác sĩ gắp ra.

Khi mắt bị phỏng hóa chất, hãy rửa mắt bằng nước sạch rồi mới đến bệnh viện để mắt không bị tổn thương thêm. Cố gắng bình tĩnh trong trường hợp mắt trẻ bị rách, chảy máu. Lúc đó, hãy tìm gạc sạch băng ép lại rồi khẩn trương đưa bé tới cơ sở y tế gần nhất.

Tại sao phải trên 18 tuổi mới được mổ cận thị?

* Con trai tôi 15 tuổi, bị cận thị nặng. Việc đeo kính gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Mỗi lần trời mưa, chạy xe ngoài đường, kính bị nhòe nước vô cùng nguy hiểm. Chưa kể, cháu không thể tham gia các môn thể thao vận động mạnh do nguy cơ bị rớt kính, bể kính. Cháu xin tôi cho đi mổ mắt bằng tia laser để khỏi phải đeo kính nữa. Tuy nhiên, sau khi tham khảo nhiều bạn bè, tôi được khuyên hãy chờ cháu vào đại học, tức là không nên mổ khi cháu chưa đủ 18 tuổi. Tại sao lại như vậy? Nếu mổ cận thị trước 18 tuổi sẽ gặp nguy cơ gì? 

Nguyễn Đức Thành (TPHCM)

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Đình Trung Chính - Đơn vị Mắt Bệnh viện Nhi Đồng 2:
Không có chỉ định mổ cận thị cho trẻ dưới 18 tuổi. Lý do chỉ áp dụng mổ cận thị cho người trên 18 tuổi vì giai đoạn này trục nhãn cầu mới phát triển tới mức ổn định. Nếu mổ quá sớm, trục nhãn cầu của trẻ vẫn tiếp tục dài thêm, trẻ sẽ bị tái cận. Ngoài ra, không phải trường hợp nào sau 18 tuổi cũng thích hợp mổ cận thị. Các ca mổ cận thị được khuyến cáo nên trước 40 tuổi, bởi sau độ tuổi này, sự điều tiết của mắt kém đi, cuộc phẫu thuật sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn. 

Trước khi được chỉ định mổ cận thị, bệnh nhân cần trải qua thăm khám và kiểm tra về độ dày giác mạc, bệnh lý đi kèm… Nếu bệnh nhân có giác mạc mỏng thì cũng không mổ cận thị được. Chưa kể người bệnh bị bệnh liên quan tới rối loạn đông máu, rối loạn chuyển hóa chưa được kiểm soát tốt cũng sẽ gây nguy hiểm cho ca phẫu thuật. Bên cạnh đó, người được chỉ định mổ cận thị phải không mắc các bệnh cấp tính về mắt. Một số loại thuốc điều trị bệnh có thể gây ức chế, làm chậm quá trình lành thương sau ca mổ cũng cần được cân nhắc.

Thanh Huyền

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI