Bi kịch đau lòng của 61 triệu trẻ em bị bố mẹ bỏ rơi tại Trung Quốc

07/09/2016 - 11:30

PNO - Khoảng 61 triệu trẻ em Trung Quốc bị bố mẹ bỏ mặc tại nông thôn để lên thành phố kiếm việc làm.

Em Li YiKui, năm nay 13 tuổi, là một trong số hàng triệu đứa trẻ bị bố mẹ bỏ mặc ở quê nhà để đi làm ăn xa xứ.

YiKui đã không gặp bố trong suốt 4 năm ròng còn mẹ thì chỉ về thăm duy nhất một lần mỗi năm để tiết kiệm chi phí. Khi được hỏi có nhớ bố mẹ không, em cúi đầu im lặng, hai tay bưng lấy khuôn mặt đầm đìa nước mắt! May mắn thay, Yikui hiểu được sự hy sinh của cha mẹ.

YiKui ở ký túc xá trong trường suốt các ngày trong tuần. Thứ 7 và chủ nhật, em mất 2 tiếng đi bộ vượt núi để về nhà ông bà. Giống như nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi khác, YiKui được ông bà nuôi dưỡng.

Bi kich dau long cua 61 trieu tre em bi bo me bo roi tai Trung Quoc
YiKui hiện đang sống với ông bà nhưng em sẽ sớm rời làng lên thành phố để tìm cơ hội đổi đời

Bà của Yikui nói với giọng trầm buồn:“Sẽ tốt hơn nếu thằng bé được bố mẹ chăm sóc”.

YiKui cho hay, một ngày nào đó em cũng sẽ giống bố mẹ, rời làng lên thành phố, tìm kiếm các cơ hội để có tương lai tốt đẹp hơn.

Một trường hợp khác cũng bị bố mẹ bỏ rơi là hai chị em Tao Lan, 14 tuổi và Tao Jinkun, 11 tuổi, sinh sống tại tỉnh Quý Châu. Căn nhà nhỏ hai em ở mỏng manh tới mức gió vẫn có thể luồn qua khoảng trống giữa các tấm gỗ.

Hàng ngày, Lan giúp em trai làm bài tập về nhà, trồng rau và nấu cơm. Hai chị em thay phiên nhau rửa bát. Cha mẹ của hai em sống và làm việc cách nhà hơn 1.600 km. Họ chỉ về thăm hai em một lần trong năm.

Bi kich dau long cua 61 trieu tre em bi bo me bo roi tai Trung Quoc
Những đứa trẻ bị cha mẹ để lại ở nông thôn Trung Quốc đang phải trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống

Hồi tháng 6/2015, từng có một vụ việc rất đau lòng xảy ra. Đó là vụ việc 4 anh em ruột từ 5 tới 13 tuổi cũng tại tỉnh Quý Châu tự tử bằng cách uống thuốc sâu vì bị cha mẹ bỏ rơi. Người dân làng đã tìm thấy một bức thư tuyệt mệnh gần thi thể của cậu con cả. Bức thư có đoạn:"Cảm ơn bố mẹ đã đối xử tốt với chúng con. Con đã lên kế hoạch này từ lâu và bây giờ là lúc chúng con phải ra đi". 

Theo ông Xiao Wenying, người họ hàng xa của 4 em nhỏ, một tháng trước khi tự vẫn, các em đã bỏ học. Những đứa trẻ tội nghiệp nhiều lần gọi vào số điện thoại của bố nhưng không thể liên lạc. "Các cháu không thiếu thực phẩm và quần áo, nhưng thiếu tình yêu thương và sự chăm sóc của cha mẹ", ông Xiao nhấn mạnh. 

Tất cả bi kịch trên là hệ quả ngoài ý muốn của việc đô thị hóa và di cư hàng loạt cùng với cuộc cách mạng công nghiệp ở Trung Quốc.

Vài năm trước đây, nhà xã hội học người Mỹ Ching-Kun Yang đã chỉ ra rằng, sự phát triển mất cân bằng của các thành phố lớn cản trở công cuộc hiện đại hóa chung của Trung Quốc. Các thành phố lớn ở Trung Quốc gần như trở thành nơi trưng bày các thương hiệu thời trang của đối tác đến từ các quốc gia tư bản, trong khi các vùng nông thôn vẫn còn “nguyên thủy”.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng còn một số quy định khá nghiêm ngặt. Theo hệ thống hộ khẩu của Trung Quốc, dù làm việc ở bất cứ nơi nào, người lao động và con cái họ chỉ có thể hưởng quyền phúc lợi, gồm chăm sóc y tế và giáo dục, tại quê nhà.

Tình trạng người lao động nông thôn di cư tới các thành phố lớn để làm việc với mong muốn thoát khỏi cảnh đói nghèo đã vô tình gây tổn hại lớn tới đời sống tinh thần của những đứa trẻ vô tội. Nhiều người bất chấp tất cả đề cho con cái mình có được tương lai tươi sáng hơn.

Tại Trung Quốc, có hàng chục triệu trẻ em bị cha mẹ bỏ lại ở quê nhà để đi làm ăn xa xứ, hình thành nên một thế hệ gọi là "những đứa trẻ bị bỏ lại".Một nghiên cứu cho thấy, 70% những đứa trẻ này mắc các chứng trầm cảm, lo âu hoặc tổn thương về cảm xúc. Một phần ba thì sớm sa ngã, phạm tội ở tuổi vì thành niên, số còn lại thì phải đi điều trị tâm thần.

Thanh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI