“Bêu tên” người ăn mặc hở hang nơi công cộng là vi phạm luật

06/02/2017 - 06:27

PNO - Theo luật sư, chế tài bêu tên người ăn mặc hở hang tại nơi công cộng đang được lấy ý kiến rộng rãi là không khả thi và xâm phạm quyền tự do của công dân.

Mới đây, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cho hay đơn vị đã có thông báo trên cổng thông tin của Sở về việc xin ý kiến tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, tham quan, học tập trên địa bàn về dự thảo “Quy tắc ứng xử nơi công cộng ở Hà Nội”. Dự thảo có 3 chương, 14 điều.

Cụ thể, Chương II về quy tắc ứng xử chung quy định những điều không nên làm như: Không nói tục, chửi bậy, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác; không mặc trang phục hở hang nơi công cộng...

Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại quy tắc sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; trường hợp vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định.

Bộ dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội nhằm điều chỉnh các hành vi xã hội là cần thiết và nên làm để mọi công dân có ý thức hơn

“Beu ten” nguoi an mac ho hang noi cong cong la vi pham luat
Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Tuy nhiên, khi xây dựng quy tắc cũng cần phải nghiên cứu Luật ban hành văn bản pháp luật nếu nội dung có quy định về thẩm quyền xử lý, xử phạt hành chính.

Nội dung "Dự thảo quy tắc ứng xử nơi công cộng", về mặt hình thức dự thảo đã không tuân thủ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2016.

Tuy nhiên, dự thảo không viện dẫn căn cứ, cụ thể hoá quy định nào của Hiến pháp, pháp luật, nghị định, thông tư, quyết định... trong hệ thống pháp luật hiện hành là không đúng luật ban hành văn bản. Đặc biệt lại có điều khoản "chế tài" nếu đối tượng điều chỉnh vi phạm quy chế.

Về nội dung quy chế quy định điều chỉnh nhiều hành vi "Nên làm" và "Không nên làm" từ văn hoá, tôn giáo cho đến giao thông... 

Cụ thể tại khoản 2 điều 13: "Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Quy tắc ứng xử này, tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp vi phạm pháp luật sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định".

Nếu quy định như bộ quy tắc này thì ai là người có thẩm quyền xử lý, xử phạt... trong khi hình thức bộ quy tắc không căn cứ vào quy định quy phạm pháo luật nào. Việc xây dựng các bộ quy tắc ứng xử văn hoá là rất tốt. Tuy nhiên, khi xây dựng cần tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật khác xem có trùng lặp về nội dung, thẩm quyền hay không để quy tắc thực sự đi vào cuộc sống.

Do đó chưa bàn nhiều tới nội dung của dự thảo, chỉ xem qua về hình thức thì dự thảo đã không đủ căn cứ điều chỉnh hành vi văn hoá công cộng để bộ quy tắc có hiệu lực thực thi.

Chuyện ăn mặc là một phạm trù nhận thức. Có thể đẹp với mình nhưng không đẹp với người khác, tuỳ nhận thức của mỗi người. Việc ăn mặt thế nào là quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định tại khoản 2 điều 15 Hiến pháp 2015.

Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác khi cách ăn mặc của họ không vi phạm pháp luật. Nhiệm vụ của ngành văn hoá là tuyên truyền sâu rộng để hạn chế việc “học theo” những thói hư tật xấu. Từ đó nâng cao nhận thức của công dân để họ hiểu được hành vi nào không phù hợp, hành vi nào phù với ứng xử chung nơi công cộng.

Đặc biệt, việc "bêu tên" trên phương tiện truyền thông đại chúng là xâm phạm quyền con người được hiến pháp bảo vệ.

Tại các điều 14, và khoản 2 Điều 16 Hiến pháp 2015 ghi rõ: "Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội"

Luật sư Nguyễn Văn Quynh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI