Bệnh động mạch ngoại biên là “sát thủ thầm lặng” ít được phát hiện ở phụ nữ

02/06/2023 - 22:39

PNO - Chứng hẹp động mạch ngoại biên (PAD) là nguyên nhân dẫn đến hơn 100.000 ca tử vong ở Úc trong vòng 4 thập niên vừa qua.

 

Nguyên nhân của bệnh hẹp động mạch ngoại biên là chất béo, cholesterol và các chất khác tích tụ trong thành động mạch ở các chi, hạn chế lượng máu lưu thông – Ảnh: Heart Research Institute of Australia
Nguyên nhân của bệnh hẹp động mạch ngoại biên là chất béo, cholesterol và các chất khác tích tụ trong thành động mạch ở các chi, hạn chế lượng máu lưu thông – Ảnh: Heart Research Institute of Australia

Có quan niệm phổ biến cho rằng bệnh động mạch ngoại biên (PAD) chủ yếu ảnh hưởng đến đàn ông, nhưng một nghiên cứu được công bố gần đây trên Tạp chí Tim mạch châu Âu cho thấy, tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh này không kém, thậm chí vượt qua cả nam giới, theo tin từ đài ABC vào ngày 2/6.

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm chuyên gia do bác sĩ Mary Kavurma, phó giáo sư tại Viện Nghiên cứu Tim mạch Úc làm trưởng nhóm, tổng hợp từ nhiều nguồn cơ sở dữ liệu y tế để đưa ra báo cáo rõ hơn về tác động của PAD tới phụ nữ.

Theo bà Kavurma, PAD là một “sát thủ thầm lặng”, bởi vì: “Mọi người đều biết được sự nguy hiểm của các cơn đau tim và đột quỵ, nhưng lại không nhận thức được các triệu chứng của PAD và những rủi ro của nó”.

Bác sĩ Kavurma cho biết: “Có tới 50% bệnh nhân PAD không có dấu hiệu hoặc triệu chứng điển hình, nên khó được chẩn đoán, phần lớn các trường hợp này là phụ nữ”. Nữ chuyên gia dẫn ra một bài báo từ năm 2019, cho thấy tỷ lệ mắc PAD cao hơn ở phụ nữ trên 25 tuổi ở các quốc gia có thu nhập cao.

Đài ABC chia sẻ chuyện của bà Danielle Slater, bệnh nhân 50 tuổi đến từ khu Ryde ở vùng ngoại ô phía bắc thành phố Sydney, bị giày vò trong suốt 3 năm vì các biến chứng của PAD, khiến bà buộc phải cắt bỏ chân phải từng chút một.

Nữ bệnh nhân cho biết, các triệu chứng của PAD xuất hiện khoảng một năm sau khi bà trải qua phẫu thuật ung thư tử cung. Bà Slater kể: “Đó là khi các cục máu đông bắt đầu chảy xuống chân tôi”.

Bà Slater phải nhập viện mỗi 2 đến 2 tháng rưỡi một lần: “Tôi đã trải qua không dưới 6 cuộc phẫu thuật trong khoảng thời gian 7 tháng. Cuộc phẫu thuật đầu tiên là dưới đầu gối, sau đó mọi việc cứ lặp lại, chân tôi bị cắt ngắn từng chút một”.

Mặc dù PAD đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bà Slater, nữ bệnh nhân vẫn cho rằng bản thân may mắn vì cục máu đông không nằm gần não hay tim, giúp bà tránh nguy cơ bị đột quỵ hoặc đau tim.

PAD là tình trạng tắc nghẽn hoặc thu hẹp các mạch máu mang máu từ tim đến các chi. Bệnh này không đe dọa tính mạng bệnh nhân ngay lập tức, nhưng họ phải chịu đựng nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ cao gấp 6 lần.

PAD phát triển khi các mảng bám, hình thành từ chất béo, cholesterol và các chất khác, tích tụ trong thành động mạch, thường là ở chân hoặc bàn chân. Những mảng bám này có thể cứng lại, làm hẹp động mạch và hạn chế lượng máu lưu thông, hoặc chúng có thể vỡ ra, dẫn đến các cục máu đông.

Theo số liệu từ nhóm làm việc của bà Kavurma, trung bình cứ mỗi 3 giờ, có một bệnh nhân ở Úc bị cắt cụt một tay hoặc chân vì PAD. Bệnh này ảnh hưởng đến khoảng 20% người Úc trưởng thành, dẫn đến hơn 100.000 ca tử vong ở châu lục này trong giai đoạn 1980 – 2019.

Theo bác sĩ Kavurma, một trong các lý do khiến PAD trở thành “sát thủ thầm lặng” của phụ nữ là vì họ thường không “lắng nghe cơ thể của mình” đúng cách và hiểu sai ý nghĩa của cơn đau chân. Nữ chuyên gia giải thích: “Họ bận chăm sóc lũ trẻ, họ bận chạy theo chó cưng, họ bận làm việc, họ lúc nào cũng đi lại”.

Các đồng nghiệp của bà Kavurma cho biết, PAD tác động đến cả các mạch máu rất nhỏ, có đường kính trung bình dưới 0,3 mm. Nữ chuyên gia cho biết: “PAD gần giống như rối loạn chức năng vi mạch vành ở phụ nữ”.

Các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Tim mạch Úc cho biết, họ đang cùng các bác sĩ phẫu thuật mạch máu từ Bệnh viện Đa khoa Concord và Bệnh viện Hoàng gia Prince Alfred thu thập các mẫu mô từ các bệnh nhân PAD đã phải trải qua phẫu thuật cắt cụt chi.

Trường An (theo ABC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI