Bắt cóc cô dâu: hủ tục kỳ dị đang tiếp tục hại đời nhiều phụ nữ trẻ

29/05/2023 - 06:33

PNO - “Ala Kachuu”, hay “bắt cóc cô dâu”, là truyền thống cổ xưa vẫn được duy trì đến tận ngày nay ở Kyrgyzstan nói riêng và khu vực Trung Á nói chung. Một cô gái bị bắt đi, mang đến nơi xa lạ để tham gia một cuộc hôn nhân sắp đặt. Bất kể nhiều nỗ lực ngăn chặn, ước tính 1 trên 3 phụ nữ Kyrgyzstan hiện vẫn là nạn nhân của hủ tục này.

Đó là một buổi sáng bận rộn như mọi ngày ở một ngôi làng Kyrgyzstan. Dân làng đi lại, trò chuyện rôm rả trên con đường đất. Vây quanh họ là những ngôi nhà bằng đá mộc mạc, cổ điển theo phong cách Trung Á. Giữa nhịp sống bận rộn, âm thanh cười nói huyên náo, Aruzat – một cô gái trẻ đang lấy nước từ giếng đặt giữa làng, chuẩn bị mang về cho gia đình. Chăm chú làm việc, cô không nhận ra một nhóm gồm 5 người đàn ông và 1 phụ nữ, đều ở tuổi đôi mươi, đang lặng lẽ tiếp cận mình. Người phụ nữ đi đầu là cô bạn Aruzat quen biết từ trước. Người này chủ động tiến tới bắt chuyện như để dời sự chú ý của cô.

Bỗng nhiên, 5 người đàn ông kia bất ngờ lao tới tóm chặt Aruzat lúc này vẫn chưa kịp phản ứng. Họ nhanh chóng lôi cô vào một chiếc xe đậu gần đó. Người bạn gái thân thiết của cô thậm chí còn hỗ trợ nhóm bắt cóc đẩy Aruzat vào xe. Khi cô không ngừng la thét giãy giụa, các thôn dân xung quanh lại tỏ ra bình thản, như thể đã quen với cảnh tượng này.

Khi tự do bị tước đoạt trắng trợn

Trong xe, nhóm nam giới không làm tổn thương hay xâm hại Aruzat. Họ chỉ giữ chặt cô – người đang tiếp tục gào khóc, vùng vẫy trong vô vọng, đến khi chiếc xe dừng lại ở một ngôi làng khác.

Thời điểm bị kéo xuống xe, vì đã cố gắng giãy giụa quá lâu, Aruzat gần như kiệt sức. Cô bị đẩy vào “yurt” – một dạng lều trại truyền thống của người Kyrgyzstan. Một nhóm thôn dân lớn tuổi, đều là phụ nữ, tiến vào lều. Họ sửa sang quần áo giúp cô, mang nước cho cô uống và nhỏ giọng an ủi Aruzat. Sau đó dân làng mang kẹo đến. Thật nhiều món ngọt như để “chúc phúc” cho cô.

Aruzat bấy giờ bắt đầu hiểu điều gì đang xảy ra với mình. Dẫu đã nhận ra vấn đề, nhưng cũng như rất nhiều phụ nữ từng lâm vào hoàn cảnh tương tự, cô hoàn toàn không thể phản kháng. Chỉ trong một buổi sáng, cô gái trẻ vốn đang có cuộc đời vui tươi tự do, bị bắt cóc, giam cầm ở nơi xa lạ để kết hôn với một người đàn ông không hề biết mặt.

Bắt cóc cô dâu làm dấy lên quan ngại về nạn bạo lực và xâm hại phụ nữ, đã châm ngòi cho hàng loạt sự kiện đấu tranh biểu tình những năm gần đây. (Ảnh: AFP)
Bắt cóc cô dâu làm dấy lên quan ngại về nạn bạo lực và xâm hại phụ nữ, đã châm ngòi cho hàng loạt sự kiện đấu tranh biểu tình những năm gần đây. (Ảnh: AFP)

Trên thế giới, có nhiều hình thái hủ tục bị lên án liên quan đến hôn nhân cưỡng ép. Tuy nhiên gây chỉ trích hàng đầu phải kể đến tục bắt cóc cô dâu. Hủ tục này khá phổ biến ở vùng nam Sahara (châu Phi), quanh dãy Kavkaz (biên giới lục địa Á-Âu) và các nước Trung Á. Ở nông thôn Kyrgyzstan, nơi hơn 60% dân số sinh sống, ước tính cứ 3 phụ nữ có 1 người bị bắt cóc và ép buộc kết hôn.  

Chính thức bị xem là bất hợp pháp từ năm 1994, nhưng đến nay “Ala Kachuu” vẫn khá phổ biến trong khu vực nông thôn. Kyrgyzstan – quốc gia Trung Á với 6,8 triệu người, là một trong những “điểm nóng” của tục bắt cóc cô dâu.  

Biểu tình phản đối việc duy trì hủ tục bắt cóc cô dâu diễn ra vào tháng 8.2021 ở Bishkek, thủ đô Kyrgyzstan, sau khi một phụ nữ trẻ bị bắt cóc và giết hại trước đó ít lâu. (Ảnh: AFP)
Biểu tình phản đối việc duy trì hủ tục bắt cóc cô dâu diễn ra vào tháng 8.2021 ở Bishkek, thủ đô Kyrgyzstan, sau khi một phụ nữ trẻ bị bắt cóc và giết hại trước đó ít lâu. (Ảnh: AFP)

Một vụ bắt cóc thường được tiến hành ở nơi đông người. Một nhóm nam giới sẽ chọn ra cô dâu cho một người trong số họ. Trong không ít trường hợp, người chủ trương bắt cóc thường chỉ biết mơ hồ về xuất thân, gia cảnh người vợ anh ta nhắm tới. Sau đó nhóm người sẽ lôi kéo nạn nhân vào xe, mang đến ngôi làng của chú rể. Tại đây, các cô gái trẻ bị thuyết phục thuận theo cuộc hôn nhân sắp đặt. Đôi khi họ may mắn được gia đình phát hiện và giải cứu. Tuy nhiên phần lớn phụ nữ thường vì thấy hổ thẹn mà chấp nhận số phận. Một số thậm chí bị đánh đập, xâm hại bởi người chồng, nhằm buộc họ kết hôn cùng mình.

Đấu tranh để tránh khỏi “vết xe đổ”  

Nhiều người Kyrgyzstan cao tuổi vẫn cho rằng bắt cóc cô dâu là “một truyền thống vô hại”, ghi nhận từ một cuộc điều tra xã hội học của giáo sư Erin Hofmann (Đại học bang Utah, Hoa Kỳ). “Đây là tục lệ rất cổ xưa”, một phụ nữ lớn tuổi cho biết. “Tôi kết hôn theo cách này nhưng đến nay vẫn sống hạnh phúc. Chồng tôi chưa từng bạo hành tôi”.

Thế hệ trẻ Kyrgyzstan, tuy nhiên, đang có sự bài xích rõ rệt với “Ala Kachuu”. Giáo sư Hofmann chia sẻ: “Nhiều người trong độ tuổi thanh niên và trung niên tin rằng hủ tục này nên bị ’chôn vùi’ theo lịch sử. Không ít người lo ngại, tội phạm có thể lợi dụng tục bắt cóc cô dâu để thực hiện hành vi bắt cóc thật”.

Tuy không phải toàn bộ, một số trường hợp bắt cóc, cưỡng ép hôn nhân từng dẫn tới hậu quả chết người. Từ năm 2018 đã có ít nhất hai án mạng gây rúng động dư luận địa phương. Hai phụ nữ trẻ bị những kẻ trong nhóm bắt cóc giết hại sau khi họ cự tuyệt kết hôn. Vụ án kéo theo hàng loạt cuộc biểu tình trên toàn quốc, vài trong số này ở quy mô lớn chưa từng có.

Các tổ chức đấu tranh vì quyền phụ nữ tranh cãi, hủ tục ẩn chứa đầy hiểm họa như bắt cóc cô dâu đang làm mở đi “lằn ranh” thật – giả. Nhiều chuyên gia nhân quyền tin rằng, một phụ nữ không thể thật sự thoải mái thuận theo hành vi như bắt cóc. Kể cả khi quen biết chú rể từ trước, rất khó đảm bảo việc cưỡng chế bắt giữ không xâm phạm quyền lợi, mong muốn của người trong cuộc.

Khi chính phủ chưa có động thái kiên quyết xóa bỏ hủ tục như “Ala Kachuu”, phụ nữ Kyrgyzstan phải chủ động bảo vệ mình với sự giúp sức của các tổ chức xã hội và nhà hoạt động nhân quyền. (Ảnh: YNetNews)
Khi chính phủ chưa có động thái kiên quyết xóa bỏ hủ tục như “Ala Kachuu”, phụ nữ Kyrgyzstan phải chủ động bảo vệ mình với sự giúp sức của các tổ chức xã hội và nhà hoạt động nhân quyền. (Ảnh: YNetNews)

Liên hiệp quốc đã nhận định mọi hành vi cưỡng ép hôn nhân đều bị xem là vi phạm nhân quyền. “Ngày càng nhiều nghiên cứu xã hội học chỉ ra, ‘Ala Kachuu’ thực tế không phải ‘một truyền thống vô hại’ ở Kyrgyzstan”, Hofmann nhấn mạnh. “Một minh chứng là, con đầu lòng của những người mẹ là nạn nhân của tục bắt cóc cô dâu có cân nặng kém hơn hẳn so với những đứa trẻ thông thường. Nguyên nhân, nhiều khả năng, vì chấn thương tâm lý người mẹ phải chịu sau trải nghiệm bị bắt giữ đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai nhi”.

Theo nữ giáo sư, tỉ lệ phụ nữ trẻ Kyrgyzstan di cư sang nơi khác hay ra nước ngoài làm việc tăng nhanh hiện nay rất có thể do hủ tục này góp phần thúc đẩy, bên cạnh các yếu tố phổ biến khác như để phát triển sinh kế, học tập giáo dục.     

Như Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI