Bài học sống sót từ chú bé thoát khỏi xe bus và chú bé cả tuần lạc trong rừng

09/08/2019 - 16:00

PNO - Cậu bé 9 tuổi biết tìm cách mở cửa thoát khỏi xe và tìm đường về nhà. Cậu bé 7 tuổi biết thức ăn nước uống và tồn tại dưới thời tiết 10 độ ở nơi hoang dã. Con bạn thì sao?

Vụ việc bé trai 6 tuổi bị bỏ quên rồi tử vong trên xe đưa đón trường Gateway khiến nhiều phụ huynh giật mình lo cho đứa con bé bỏng. Cha mẹ chia nhau chở con, nhờ xe ôm công nghệ, bác xe ôm quen đầu xóm, cô giúp việc, ông bà nội ngoại già yếu, hay tiếp tục giao con cho xe đưa đón của nhà trường trong lo lắng?

Mời bạn góp ý kiến cho diễn đàn: 'Ai đưa con bạn đi học?' về địa chỉ: giadinh@baophunu.org.vn ; bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của tòa soạn. Cảm ơn bạn theo dõi diễn đàn. 

Theo tôi, tuỳ vào hoàn cảnh của từng gia đình, việc đưa đón trẻ có thể do ông bà, anh chị, hay chính ba mẹ đảm nhiệm. Có nhà thuê người đưa đón rồi trả lương hàng tháng. Nhiều bà mẹ thậm chí bỏ việc, chọn cách ở nhà để tự mình đưa đón con cho yên tâm.

Nhưng thực tế, mỗi khi xảy ra bất trắc thì cách ứng phó của chính đứa trẻ mới là điều quyết định việc đảm bảo an toàn cho chúng, bởi không phải lúc nào người lớn cũng kề cạnh trẻ mọi lúc mọi nơi để che chở bảo vệ. Bởi vậy vấn đề đáng quan tâm ở đây chính là dạy kỹ năng sống cho con mới quan trọng thay vì băn khoăn chọn cách đưa đón nào cho tối ưu.

Bai hoc song sot tu chu be thoat khoi xe bus va chu be ca tuan lac trong rung
Cậu bé Phạm Hoàng Sơn tự tìm đường về nhà khi bị bỏ quên trên xe buýt đưa đón của trường. Ảnh từ Facebook

Mạng xã hội đang lan truyền câu chuyện của chị Nguyễn Thị Ngọc Ngà (Hà Nội) kể về hành trình tìm đường trở về nhà kéo dài 9 tiếng của cậu con trai Phạm Hoàng Sơn đang học lớp 4 khi bị bỏ quên trên xe buýt của nhà trường vào năm 2018.  

Cậu bé đã biết cách mở cửa thoát khỏi xe và tìm đường về nhà. Cậu mạnh dạn hỏi đường, nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh để được giúp đỡ suốt 9 tiếng cuốc bộ, đi xe ôm, xin nước uống, tìm xe bus...

Theo chia sẻ của chị Ngà, chị chú trọng việc rèn luyện kỹ năng sống cho con. Chị rèn luyện thể lực và tinh thần cho con hàng ngày bằng cách bắt con chạy bộ nhiều cây số. Khi mới 8 tuổi, Hoàng Sơn đã tự mình chinh phục ngọn núi ở độ cao 3.500m, rèn cho biết chịu đói chịu khát.

Bai hoc song sot tu chu be thoat khoi xe bus va chu be ca tuan lac trong rung
Mới 8 tuổi, Hoàng Sơn đã sở hữu tấm bằng công nhận chinh phục độ cao 3500m.

Nhờ thế, Sơn rất bình tĩnh để xử lý tình huống do ngủ quên mà bị bỏ lại trên xe buýt.  Khi thoát khỏi xe, cậu không hoang mang mà bình tĩnh suy luận để tìm lối về. Hành trình 9 tiếng của cậu bé giữa Hà Nội rộng lớn đã mở ra nhiều bài học dạy con cho các phụ huynh khác.

Chị Ngà khẳng định, chính các kỹ năng mềm như thoát hiểm, giao tiếp, sinh tồn, phán đoán… cùng sự rèn luyện về thể lực, sức chịu đựng và tư duy tốt chính là chìa khoá giúp con chị thoát khỏi tình huống rắc rối.

Bai hoc song sot tu chu be thoat khoi xe bus va chu be ca tuan lac trong rung
Bé Yamato sống sót kỳ diệu sau gần 1 tuần bị bỏ lại trong khu rừng có gấu hoang dã sinh sống ở Nhật Bản. Ảnh từ Internet

Chắc hẳn chúng ta chưa quên chuyện cậu bé Yamato 7 tuổi người Nhật sống sót sau một tuần bị ba mẹ bỏ lại trong một khu rừng có gấu hoang dã sinh sống ở Hokkaido,  miền Bắc Nhật Bản hồi tháng 5/2018.

Khi đó, Yamato chỉ mặc trên người một chiếc quần bò và áo phông. Cậu bé được tìm thấy khoẻ mạnh và không hề hoảng loạn ở một doanh trại quân đội bị bỏ hoang cách chỗ bị bỏ lại 5,5 km.

Bé Yamato sống sót sau gần một tuần giữa rừng sâu bằng cách uống nước cầm cự từ vòi trong doanh trại và chui vào ngủ giữa hai tấm nệm để giữ ấm trong thời tiết lạnh giá 10 độ C. Sự sống sót của Yamato được xem là kỳ diệu và phần nhiều nhờ vào kỹ năng sống và khả năng xử lý tình huống của cậu bé chỉ mới 7 tuổi.

Những câu chuyện trên cho thấy, kỹ năng sống chính là thứ sẽ cứu con trẻ lúc nguy khốn. Không ai khác, cha mẹ chính là người thầy quan trọng nhất để dạy trẻ những kỹ năng sống, bằng chính kiến thức, kinh nghiệm và hành động của mình.

Không nên phó thác việc rèn luyện kỹ năng sống cho nhà trường. Bởi ở trường, thầy cô chủ yếu dạy kiến thức theo phân phối chương trình quy định, nếu có tiết học về kỹ năng, hầu hết cũng chỉ mang tính lý thuyết.

Bai hoc song sot tu chu be thoat khoi xe bus va chu be ca tuan lac trong rung
Cậu bé thoát khỏi xe bus nhốt kín năm 2018 và mẹ

Việc dạy kỹ năng sống cho con không đòi hỏi sự cầu kỳ bài bản, mà xuất phát từ những tình huống phát sinh trong đời sống hàng ngày. Ba mẹ có thể dạy con các bằng cách thường xuyên chuyện trò, hỏi han về những chuyện xảy ra ở trường, lớp và định hướng cách giải quyết.

Cùng con đọc sách hoặc xem cái clip về những tình huống bất trắc rồi định hướng cho con suy đoán, xử lý để hình thành phản xạ. Một cách đơn giản hơn là mua sách về kĩ năng sống cho con đọc, hoặc cho con tham gia các câu lạc bộ đội nhóm, thamgia hướng đạo sinh. Rất tự nhiên con sẽ học và hành để biết mình phải xử lý tình huống như thế nào.

Theo một số nghiên cứu, độ tuổi quan trọng và đặt nền móng cho việc hình thành kỹ năng sống cho con là từ 0 đến 6 tuổi. Bởi vậy, đừng đợi con lớn mới dạy dỗ, hãy bắt đầu dạy con những kỹ năng sống cơ bản từ những năm tháng đầu đời.

                                                                                           Bảo Yên (Quảng Bình)

Con nhỏ dưới 6 tuổi cần học gì trước nhất?

Với con nhỏ dưới 6 tuổi, bạn nên chấp nhận rằng, không nên giao con rồi và tin tưởng tuyệt đối, dù đó là ông bà, anh chị em ruột, giáo viên… 

Bài toán đầu đời chính là dạy con thuộc số điện thoại ba, mẹ.

Bài văn đầu đời dạy con là tình thương yêu của ba, mẹ.

Bài địa lý đầu đời cho con là chỉ đường cho con biết về nhà mình, thuộc số nhà, địa chỉ.

Bài lịch sử đầu đời dạy con là chính ngày tháng năm sinh của con, ba mẹ và anh chị.

Bài thể dục đầu đời là đưa con đi học bơi.

Bài vật lý đầu đời là biết ổ điện nguy hiểm, biết bấm còi xe, chạy ra khỏi nhà, lớp… khi thấy cháy.

Bài hoá học đầu đời là mọi thứ nước, phẩm màu, bánh kẹo bán trước cổng trường là dùng hoá chất của Tàu độc hại, con không được dùng, ai cho cũng không ăn, uống.

Bài học giới tính đầu đời là con chỉ hôn, thơm, ôm ba mẹ và chỉ cho ba, mẹ hôn, thơm, ôm con còn không cho bất kỳ ai ôm, hôn, thơm kể cả người thân xung quanh.

Bài học giáo dục công dân đầu đời là kể với ba, mẹ tất cả những chuyện trên lớp học khi về nhà.

Nguồn: Facebook

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI