Ba không cứu được con rồi!

25/04/2014 - 19:35

PNO - PN - Chiều 24/4, một ngày sau cái chết của Nguyễn Hoàng B. Ng. (18 tuổi), anh Nguyễn Huy Vũ, cha của Ng. ngồi rũ rượi bên linh cữu con, đau đớn nhìn di ảnh, hỏi mãi một câu: “Sao con bỏ đi, hả con?”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tối 23/4, thấy con nói đi chơi với bạn để chia tay lớp 12 đến hai ngày vẫn chưa về, điện thoại không được, anh Vũ đã xin nghỉ làm đi tìm con. Dò la qua bạn bè, anh tìm được con gái tại một khách sạn ở Q.Gò Vấp trong tình trạng hơi say rượu.

Trên đường chở con về đến đoạn cầu Bình Phước, thấy Ng. cựa quậy, sợ con té nên anh Vũ dừng xe lại. Hai cha con lớn tiếng cãi nhau, do nóng giận anh Vũ đã tát vào mặt con một cái. Ng. leo lên lan can cầu nhảy xuống sông nhưng anh Vũ kịp kéo con lại. Lúc này, một người dân đi qua thấy sự việc đã đến can thiệp.

Trong lúc anh Vũ lấy giấy tờ tùy thân để chứng minh mình là cha của Ng., thì bất ngờ em leo qua lan can cầu, gieo mình xuống sông. Anh Vũ liền lao theo con. Dưới sông, anh đã nắm được tay bé Ng., dùng sức đẩy lên, nhưng do anh đuối sức nên bé Ng. vuột khỏi tay cha. “Tôi đau đớn nhìn con mình chìm ngay trước mắt. Đến khi được người bơi ra kéo vào tôi vẫn không tin đó là sự thật. Ng. trầm tính nhưng không bi quan. Trước đó, con bé không hề có biểu hiện chán chường. Nếu Ng. không uống bia, tôi nghĩ con bé không dại dột như vậy. Có lẽ nó nghĩ tôi sẽ cứu được nó, vì không bao giờ tôi để con xảy ra chuyện gì. Nhưng, nó đã chết ngay trước mắt tôi…”.

Ba khong cuu duoc con roi!

Anh Vũ trước linh cữu của con gái - Ảnh: P.T.

Trưa 24/4, khi chúng tôi có mặt tại căn nhà nhỏ của bà nội em Ng. (đường Nguyễn Xí, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), khu xóm lao động nghèo trĩu nặng không khí tang thương. Vừa đến đầu ngõ, một người hàng xóm nói: "Bé Sóc (tên ở nhà của Ng.), con thằng Vũ chết rồi. Con bé ngày thường rất ngoan, ngờ đâu...". Bà Nhung, bà nội của Ng., nghẹn ngào: “Bé Sóc là tất cả gia tài của nhà này. Mất hết rồi, cháu tôi chết rồi!”.

Hàng xóm đều biết Ng. là cô bé ngoan, được ba và bà nội cưng chiều hết mực. Bố mẹ Ng. ly hôn khi Ng. mới ba tuổi. Ban đầu, Ng. sống cùng mẹ ở quê ngoại Tây Ninh, nhưng đến tuổi học THCS, Ng. chuyển lên TP.HCM ở cùng cha cho tiện việc học. Do anh Vũ làm tài xế xe rờ-móc ở khu vực Suối Tiên nên hai cha con thuê phòng trọ ở đó. Hàng ngày, em tự đi học ở Q.Gò Vấp rồi về nhà nội chơi đến tối mới quay về phòng trọ ngủ. Thỉnh thoảng em mới được gặp mẹ vào mùa hè hoặc qua điện thoại.

Nghe tin dữ, thầy cô giáo cùng bạn học của Ng. tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Gò Vấp không khỏi bàng hoàng. “Ng. ngoan lắm, nhìn Ng. có vẻ cá tính nhưng sống tình cảm, ở trường ai cũng quý. Nghe Ng. mất, chúng tôi không tin được, con bé vẫn lạc quan và học rất khá…”, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A3 của Ng. xót xa. Một bạn học cùng lớp của Ng. cho biết, trước đó Ng. vẫn bình thường, đi dự tiệc rồi cùng bạn hát karaoke để chia tay nhau chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Trang Facebook cá nhân của Ng. cũng không có biểu hiện gì bất thường.

Anh Vũ nói: “Vì thấy con thiếu tình cảm của mẹ từ nhỏ, sợ con thiệt thòi nên tôi hết lòng yêu thương con, bù đắp bằng mọi thứ, con muốn gì tôi cũng sắm cho. Tôi không để con thiếu thốn hay thua kém bạn bè. Mỗi lần chạy xe ở xa tôi liên tục gọi về hỏi han con. Vì sợ con vất vả, tôi không cho cháu nấu nướng tại nhà mà toàn ăn cơm tiệm. Thời gian gần đây, con bé có vài lần đi chơi với bạn rồi không về, tôi phải đi kiếm. Tôi la rầy, mẹ tôi cản, nói nó đang tuổi lớn nên nổi loạn. Lần đi thứ tư này, Ng. đi luôn rồi…”, anh Vũ nấc lên từng đợt.

“Trước ngày đó, con bé vẫn đi học bình thường, vẫn gọi điện thoại, nhắn tin trò chuyện với tôi như thường ngày. Con bé chưa từng có biểu hiện chán chường. Nhận được tin con tự tử, tôi không tin vào tai mình. Đến khi nhìn thấy xác con được vớt lên…”, chị Trần Thị X., mẹ Ng., nghẹn ngào. Trước đây, anh Vũ có ý định đi bước nữa, nhưng vì Ng. không được vui, nên anh ở vậy nuôi con.

Đến lúc này, anh Vũ vẫn chưa thể hiểu được vì sao con mình lại chọn cái chết, bởi anh đã cho con đầy đủ vật chất, tình yêu thương của một người cha. Tiếc thay, tất cả sự bù đắp đó không đủ để thay thế tình thương của một gia đình trọn vẹn cho đứa trẻ, không thể thay thế sự thấu hiểu mà một đứa con cần ở cha mẹ. Kết cục bi thương của gia đình anh Vũ là lời kêu cứu về sự thiếu thốn chỗ dựa tinh thần của những đứa trẻ có hoàn cảnh giống Ng.

 Nhóm PV

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI