Bà chăm ông hay ông chăm bà?

25/03/2022 - 05:27

PNO - Bà vợ đang đi du lịch ở đảo thì nhận được điện thoại của chồng ở nhà: “Anh bị tai biến. Anh gọi cho thằng bạn rồi, đang chờ nó đến đưa vào bệnh viện”.

Giọng ông chồng lúc đó nghe đã có hơi “líu lưỡi”. Hồn vía lên mây, nhưng bà kịp trấn tĩnh và sắp xếp mọi thứ nhanh trong đầu.

May là ngày cuối cùng của chuyến du lịch, ngày mai bà bay về thành phố. Cảnh đẹp trong resort nghỉ dưỡng giờ đây thành vô nghĩa, lòng bà như lửa đốt, chỉ mong trời mau tối và mau sáng. Nghĩ đến ông chồng đang chiến đấu với bệnh tật trong bệnh viện, tự nhiên bà thấy xót xa và đâm hối hận. Phải chi bà không đi chuyến du lịch này, ở nhà với chồng thì mọi thứ sẽ thuận lợi hơn vì giờ đây ông chỉ có bạn bè bên cạnh, con cái lại ở xa. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Bà chợt thấy hối lỗi vì đã không ở bên ông lúc cần (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

Chỉ là một cơn tai biến nhẹ và đến bệnh viện cấp cứu kịp trong khung giờ vàng nên tối hôm đó bà nói chuyện qua điện thoại được với chồng. Ông cho biết sau khi được truyền thuốc, chân đã có thể đi được, tuy vẫn còn cảm giác nặng. 

Bà vợ thở phào. Đó là lời cảnh cáo đầu tiên cho ông biết, tai biến sẽ có thể đến bất cứ lúc nào, không hẹn trước, nếu ông cứ “cứng đầu ngoan cố” không chịu thay đổi thói quen uống rượu và ăn mặn gây ra chứng huyết áp cao mấy năm nay. Bà động viên chồng cố gắng chịu đựng, nội trong ngày mai bà sẽ có mặt tại bệnh viện, ông đã ở trong bệnh viện rồi thì cứ an tâm. 

Theo chương trình cũ thì khi trở lại TPHCM, bà sẽ ở lại chơi nhà vợ chồng con gái và cháu ngoại một tuần rồi mới về nhà. Mọi chuyện đã thay đổi, bà điện thoại cho con gái: “Bố đang bị tai biến, ngày mai mẹ ở lại sân bay chờ chuyến bay nối tiếp về nhà”. Giọng con gái  trong điện thoại nghe như bị sổ mũi: “May quá, con định gọi cho mẹ là về luôn, đừng ghé nhà con nữa vì con và cháu đang bị COVID-19. Chồng con phải chăm sóc hai mẹ con”. 

Lại thêm một lần nữa hồn vía bà lên mây. Bà hỏi dồn con gái: “Con bị lâu chưa, bây giờ thể trạng thế nào?”. Cô con gái trấn an mẹ: “Tối qua con thấy hơi ớn lạnh và sổ mũi, sáng nay con vừa test mới biết hai vạch. Mẹ an tâm, con chỉ cảm thấy hơi mỏi trong người và không sốt, chắc sẽ khỏe nhanh thôi. Bây giờ nhiều người bị lắm. Ở công ty con, nhân viên bị nhiễm COVID-19 gần hai phần ba”. 

Khi thật bình tĩnh trở lại, bà mẹ mới phân tích sự cố “hai trong một”, họa vô đơn chí này. Trong cái rủi có cái may là bà chưa về nhà con gái. Nếu bây giờ bà đang ở với con gái có thể bà sẽ bị lây bệnh, như vậy làm sao bà có thể về với chồng ngay được. Rồi bà nghĩ ngợi xa gần về ông chồng bướng bỉnh, luôn tự tin vào sức khỏe và không chịu nghe lời khuyên nhủ của bà. Bà nghĩ đến những ngày tháng từ khi mới yêu nhau trong trường đại học, bao nhiêu thăng trầm, khó khăn, đôi lúc tưởng không thể vượt qua để cùng nhau đi hết đoạn đường dài với một ông chồng hơi vô tâm, ỷ lại nhiều vào vợ. Một tay bà từ chuyện lớn đến chuyện bé. Hết con rồi đến cháu. Giờ đây thảnh thơi đôi chút để bà có thể “tung tăng” nơi này nơi nọ với bạn bè, thì ông bắt đầu đổ bệnh.  

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Cứ tưởng cuối đời sẽ được tự do tung tăng, ai ngờ bà lại rơi vào tình thế không thể xa chồng (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

 

“Con chăm cha không bằng bà chăm ông” - tự nhiên, bà cảm thấy cái gánh trao cho người phụ nữ bao đời nay sao nặng thế. Trông xa lại nghĩ gần, bà liên tưởng đến nhiều trường hợp bạn bè, cực nhọc làm lụng  thời trẻ, đến tuổi già lại phải chăm sóc ông chồng bị ốm đau mà chưa một ngày hưởng thụ. 
Bà biết, có nhiều ông chồng một thời oanh liệt đi đông đi tây, bà này cô nọ, gây đau khổ không ít cho vợ. Về già đổ bệnh, lại quay về “vợ cái con cột” nương náu cuối đời, trông nhờ vào sự chăm sóc của bà vợ vị tha. Người dưng thấy hoàn cảnh đáng thương còn xúc động, huống chi đây là chồng mình.

Làm phụ nữ sao mà khổ thế!

Người xưa đặt cái gánh lên vai người vợ phải chăng họ đã đúc kết đa số trường hợp vợ chăm chồng mà ít hơn chồng chăm vợ? Tuổi thọ đàn ông kém hơn phụ nữ hay người đàn ông một đời ngang tàng, bướng bỉnh, coi trời bằng vung, thờ ơ với việc chăm sóc sức khỏe? 

Bà biết, bản án “tai biến” như một lời tuyên cáo rằng từ đây về sau bà khó có thể rời chồng đi đâu. Những chuyến du lịch vốn đã ít nay càng quá xa vời. Ông bây giờ như em bé luôn cần cái nhìn quan sát của bà để phòng khi có chuyện gì nữa xảy ra. 

Tự nhiên bà đâm tủi phận và bật khóc ngon lành. Bạn bè xúm quanh an ủi, cùng là phụ nữ họ hiểu, tâm trạng nặng trĩu của bà là tổng hợp của nỗi lo, tình thương với chồng và cả điều ấm ức, một đời mỏi vai, tưởng là thảnh thơi, hóa ra không được. 

Ai nấy nhìn lại mình, mỗi người một số phận, làm sao biết được kết cục đời mình là bà chăm ông hay ông chăm bà? Việc gì đến sẽ đến, hạnh phúc là được sống trọn vẹn cho nhau ngày hôm nay, thôi thì bà tự an ủi vậy! 

Kim Duy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI