Áp lực 'mẹ tốt' có thể giết chết một phụ nữ

06/11/2019 - 13:31

PNO - Khi lướt mạng, các bà mẹ bỉm sữa bị vây kín bởi hình ảnh những người cũng làm mẹ nhưng vẫn thon thả, quần là áo lượt, được chồng yêu chiều tặng quà đắt tiền, cùng cả gia đình du lịch ở những nơi xa xỉ…

Trong một cuộc phỏng vấn với ITV News, Công nương Anh Meghan Markle đã suýt rơi nước mắt khi nói về sự chỉ trích mà báo giới dành cho mình trong việc làm mẹ và nuôi con. Cô cho biết: “Phụ nữ khi mang thai thực sự dễ bị tổn thương. Khi đứa trẻ ra đời, với tư cách một người mẹ mới, họ lại càng gặp khó khăn hơn nữa”.

Là một người nổi tiếng, Meghan Markle thường xuyên bị giới truyền thông theo dõi bằng cái nhìn xét nét. Sau khi sinh con, cô càng bị bủa vây bởi những cặp mắt theo dõi khắt khe hơn. Chẳng hạn, cách bế con của Công nương Anh cũng khiến cô nhận về vô số chỉ trích.

Ap luc 'me tot' co the giet chet mot phu nu
Meghan Markle bị chỉ trích nặng nề vì cách bế con của mình

Cũng như Meghan Markle, rất nhiều bà mẹ trên khắp thế giới đang phải chịu những áp lực ngày càng lớn đến từ “bộ tiêu chuẩn” để trở thành một người mẹ tốt.

Ngày nay, trong quá trình mang thai, các bà mẹ không được uống cà phê. Nếu có ý định gọi một ly cà phê, tất cả mọi người xung quanh sẽ chĩa mũi dùi về phía bạn và nói rằng món đồ uống này có hại ra sao cho đứa trẻ trong bụng (mặc dù hầu hết các bác sĩ đều đồng ý rằng uống một tách cà phê mỗi ngày là tốt cho thai phụ).

Khi bạn mang thai, ngay cả những người lạ cũng đột nhiên có tư cách phán xét bạn, với niềm tin rằng họ có hiểu biết để đưa ra lời hướng dẫn y như vai trò của một bác sĩ. Có lẽ, không ít người mẹ từng bị bảo rằng họ không được phép làm cái này, cái kia, không được tập yoga, hoặc nhận được những ánh mắt săm soi mỗi khi ăn bất cứ thứ gì.

Hầu hết mọi người, tất nhiên không phải bác sĩ. Tuy nhiên, họ dường như cảm thấy rằng mình hoàn toàn có quyền phán xét. Đến nỗi, nếu một phụ nữ mang thai phản đối các “lời khuyên”, họ sẵn sàng tuyên bố rằng cô không quan tâm đến đứa con của mình.

Ap luc 'me tot' co the giet chet mot phu nu
Ảnh minh họa

Trong quá trình sinh con, áp lực từ người ngoài đối với người mẹ vẫn không hề giảm bớt. Có vô số lời chỉ trích dành cho họ. Chọn sinh mổ thay vì sinh thường? Quả là một người mẹ tồi. Không cho con bú sữa mẹ mà dùng sữa ngoài? Làm mẹ mà không thương con. Tập cho con thói quen ngủ theo quy luật? Mẹ gì mà ác quá!

Chị Ngân, nhân viên truyền thông tại Hà Nội cho biết: “Quãng thời gian 3 tháng sau khi sinh con với tôi không khác nào địa ngục. Tôi bị mẹ chồng bắt phải kiêng mọi thứ trên đời, chỉ ăn cơm trắng với rau ngót với thịt rang nghệ, bị ép ăn thật nhiều chân giò mới có sữa cho con. Cảm giác như không ai quan tâm đến mình, ngay cả chồng lẫn mẹ chồng vì chẳng có ai hỏi tôi xem ăn như thế có ngon miệng không, mà chỉ chăm chăm xem tôi có sữa cho con bú chưa, con tăng được mấy lạng”.

Phụ nữ ngày nay dần khẳng định được vị thế và đạt những thành tựu lớn trong sự nghiệp và xã hội. Nhưng nghĩa vụ làm mẹ thì ngược lại, đang ngày một trở nên nặng nề hơn. So với những bà nội trợ thời xưa, các bà mẹ ngày nay dành thời gian tương đương để chăm sóc con cái trong khi vẫn đi làm đủ, thậm chí hơn tám tiếng mỗi ngày.

Nhưng việc nuôi con thời nay phức tạp hơn hẳn. Trước đây, bọn trẻ có thể được phép tự do ra ngoài chơi với các bạn hàng xóm. Còn năm 2019, nếu bà mẹ dám “cả gan” để con ra ngoài một mình, thì có khả năng cô sẽ bị đám đông mắng nhiếc vì tội bất cẩn. Một bà mẹ dám đăng ảnh con lên trang Facebook của mình có thể sẽ phải đọc bình luận dạy đời từ một người hoàn toàn xa lạ, chẳng hạn như: “Đăng ảnh con lên mạng cẩn thận bọn ấu dâm nghe!”.

Ap luc 'me tot' co the giet chet mot phu nu
Áp lực làm mẹ tốt khiến nhiều phụ nữ rơi vào stress. Ảnh minh hoạ

Nhưng ngược lại, nếu giám sát con trẻ quá chặt chẽ hoặc thuê người để phụ giúp việc chăm sóc con cái, thì bạn cũng chỉ là một người mẹ tồi mà thôi. Chị My, làm nghề kinh doanh tại Hà Nội cho biết: “Khi tôi có ý định thuê một người giúp việc vì một mình chăm hai đứa con sinh đôi không xuể, thì liền bị họ hàng nhà chồng nói xa nói gần là lười biếng, có mỗi việc ăn với chăm con cũng không làm xong”.

Khi chồng đi làm, việc chăm sóc con gần như là trách nhiệm riêng của hầu hết phụ nữ. Một bình luận trên Facebook chỉ ra rằng, nếu muốn đàn ông cùng tham gia chăm sóc con, thì phụ nữ nên biết cách thay bóng đèn, sửa ống nước... Trong khi thực tế, một người mẹ phải đảm đương quá nhiều việc cùng một lúc: từ đầu bếp, chuyên gia dinh dưỡng, y tá, giáo viên... Bạn phải giám sát một đứa trẻ sơ sinh 24/7, cùng lúc đó vẫn phải giữ nhà cửa gọn gàng, để khi chồng về sẵn cơm ngon canh ngọt, quần áo thơm tho.

Sự so sánh vẫn chưa dừng lại ở đây. Khi lướt mạng xã hội, báo chí, các bà mẹ bỉm sữa bị vây kín bởi hình ảnh những người cũng làm mẹ nhưng vẫn xinh đẹp, thon thả, quần là áo lượt, được chồng yêu chiều tặng quà đắt tiền, cùng cả gia đình đi du lịch ở những nơi xa xỉ… Nhìn lại mình, đầu tóc rối bời, quần áo xộc xệch, thân hình “phì nhiêu”, họ không khỏi tủi thân.

Tỷ lệ trầm cảm sau sinh, thậm chí là những cái chết do trầm cảm sau sinh đang tăng vọt với hàng loạt vụ việc báo động. Khi bị cô lập 100% thời gian với một đứa trẻ quá nhỏ bé mong manh, cùng sự thay đổi nội tiết tố, phải chịu hàng loạt áp lực từ xã hội, tinh thần của người mẹ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thay vì được đồng cảm và hỗ trợ, các bà mẹ thường xuyên phải đối mặt với sự chỉ trích và phán xét nặng nề.

Hãy biết thông cảm hơn cho các bà mẹ. Đi thăm người mới sinh con, hãy chỉ hỏi thăm và động viên, hoặc nếu được thì giúp đỡ, thay vì bĩu môi chê bai hoặc đưa ra lời khuyên từ vài bài viết chẳng ai kiểm chứng mà bạn đọc được đâu đó trên mạng. Một người sống trong nhung lụa như Công nương Anh Meghan Markle cũng phải bật khóc vì cảm thấy khó khăn khi làm mẹ, vậy đối với những bà mẹ bình thường khác, áp lực của họ sẽ còn lớn đến thế nào?

Lan Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI