Anh bất ngờ ‘tháo ngòi nổ’ vấn đề công dân EU sau Brexit

23/06/2017 - 07:17

PNO - Thủ tướng Anh Theresa May hôm 22/6 bất ngờ đưa ra đề nghị mang tính nhượng bộ khi London và EU bắt đầu đàm phán về tương lai của Anh, đó là công dân EU được phép ở lại Anh sau Brexit.

Thủ tướng Anh nói với các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels rằng mọi công dân EU cư trú hợp pháp tại Vương quốc Anh sẽ có quyền giống như công dân Anh sau Brexit, “không ai bị đẩy đến đường cùng”.

Theo bà May, những người đã sống ở Anh 5 năm sẽ được dành cho quy chế “định cư tại Anh" và được bình đẳng với công dân Anh về y tế, giáo dục, phúc lợi và chế độ hưu trí.

Đề nghị của London khiến châu Âu bất ngờ, vì đảm bảo quyền cho công dân EU vốn được coi là ưu tiên hàng đầu đối với phái đoàn EU đàm phán Brexit với Anh.

Anh bat ngo ‘thao ngoi no’ van de cong dan EU sau Brexit
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk và Thủ tướng Anh Theresa May hội đàm song phương tại hội nghị thượng đỉnh Brussels - Ảnh: AFP

Trước khi bà May tuyên bố quan điểm “bao dung” của London, EU đã đề nghị các công dân EU ở Anh và khoảng 1,2 triệu người Anh sống ở các nước EU cần tiếp tục hưởng các quyền tương tự, và do Toà án Tư pháp châu Âu (ECJ) thực thi.

Ước tính khoảng 3,2 triệu công dân EU sống ở Anh và họ rất lo lắng về tương lai của mình, thậm chí có người còn sợ bị trục xuất khỏi Anh.

Bà May đã trấn an 27 đối tác EU của Anh rằng London "không muốn bất cứ ai ở đây phải rời đi, cũng không muốn các gia đình bị chia ly".

Các nhà lãnh đạo EU phản ứng thận trọng trước đề nghị của Thủ tướng Anh.

Thủ tướng Đức Angela Merkel mô tả đó là một "khởi đầu tốt", nhưng bà cho biết nhiều vấn đề khác xung quanh việc Anh rời khỏi EU vẫn phải được giải quyết.

Anh bat ngo ‘thao ngoi no’ van de cong dan EU sau Brexit
Bà May đã trấn an 27 đối tác EU của Anh rằng London "không muốn bất cứ ai ở đây phải rời đi, cũng không muốn các gia đình bị chia ly" - Ảnh: Sky News

Cuộc bầu cử ở Anh mới đây đã khiến bà May suy yếu nghiêm trọng, khi phải đứng đầu một chính phủ thiểu số, điều này đã gây ra một sự “không chắc chắn” về toàn bộ quá trình Brexit.

Ngoài ra, còn có hai vấn đề gai góc khác cần được giải quyết sớm thông qua đàm phán Brexit: Dự luật ly hôn của Anh và  biên giới của Bắc Ireland.

Việt Hưng (Theo CNN, BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI