200 năm ngày sinh cụ Nguyễn Đình Chiểu (1822-2022): Một “patriot” trong mắt người phương Tây

01/07/2022 - 06:14

PNO - 17/96 bài tham luận được chọn in trong kỷ yếu tọa đàm “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay” là của các nhà nghiên cứu nước ngoài. Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu trong mắt học giả quốc tế là một “patriot” - nhà ái quốc.

“Lục Vân Tiên” trong mắt người Pháp

Trong từ điển Larousse (Pháp, thế kỷ XX) có mục viết về truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Theo phó giáo sư - tiến sĩ Pascal Bourdeaux, đây cũng chính là tác phẩm Việt Nam đầu tiên được các tác giả người Pháp biết đến vào cuối thế kỷ XIX.

“Năm 1864, bản dịch đầu tiên của G.Aubaret in trên tạp chí Á châu (Journal Asiatique), trong lời đề tựa của dịch giả đã ghi rõ: “Truyện thơ Lục Vân Tiên này phổ biến trong dân gian đến mức là ở Nam kỳ không một người đánh cá hay người lái đò nào không hát một vài câu thơ khi họ chèo thuyền” (theo học giả Hữu Đức). 

Cuối thế kỷ XIX, độc giả Pháp đã đọc được văn bản chuyển ngữ hai tác phẩm Lục Vân TiênVăn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Mặc dù phản đối chế độ thuộc địa, bày tỏ tinh thần yêu nước trong thi ca cũng như thái độ chống “Tây hóa” và không khuất phục nhà cầm quyền, cụ Đồ Chiểu trong mắt các học giả Pháp vẫn là một đại thi hào đáng kính. Ông từ chối lương hưu hỗ trợ của thực dân, không dùng sản phẩm của phương Tây, trung thành với những nguyên tắc đạo đức Nho gia và “không ngừng truyền bá chữ nghĩa, chữ nhân và phân biệt thiện - ác”.

Vì người Pháp chưa hiểu rõ, hoặc có tác giả người Pháp đã dựng sai về tiểu sử Nguyễn Đình Chiểu; năm 1886, Bajot tìm cách liên lạc gặp tác giả, nhưng cụ Đồ Chiểu đã quyết liệt cắt đứt mọi liên lạc của người đại diện chính quyền Pháp. Giáo sư Trần Nho Thìn nhận định: thời đại đã đặt ra cho nhà thơ vĩ đại một sự lựa chọn gay gắt giữa giá trị văn hóa, tư tưởng cho dân tộc, những giá trị truyền thống, luân lý và đạo đức thấm nhuần tư tưởng Nho gia. 

Các nhà khoa học, đại diện tổ chức quốc tế tại hội thảo
Các nhà khoa học, đại diện tổ chức quốc tế tại hội thảo

“Tác phẩm Lục Vân Tiên từ khi được phát hành tại Pháp, được trích dẫn như là một trong những đại diện của văn hóa Nam kỳ, vừa phổ truyền những giá trị Nho học, vừa như một tiếng nói đại diện cho văn hóa quần chúng vùng miền. Sự ủng hộ của ông đối với binh sĩ nổi lên bảo vệ chính nghĩa được biết đến và gây chú ý từ khi Janneau dịch một trong những bài văn tế nổi tiếng của ông; cũng như việc chống chiến tranh một cách gián tiếp mà ông đeo đuổi đến cuối đời cũng rất nổi tiếng” - phó giáo sư - tiến sĩ Pascal Bourdeaux phát biểu, tại hội thảo về danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu vừa được tổ chức tại Bến Tre. 

Giáo sư - tiến sĩ Wen-Fang Mao cung cấp một thông tin thú vị về bản truyện thơ Lục Vân Tiên có minh họa màu, từng được Eugene Gibert - một sĩ quan hải quân Pháp - mang về chính quốc tặng cho Viện Hàn lâm Minh văn và Văn chương (Academie des Inscription et Belles-Lettres-AIBL) vào năm 1897. 

Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu 

Đúng ngày kỷ niệm 200 ngày sinh cụ Đồ Chiểu (1/7/1822-1/7/2022), Nhà xuất bản Trẻ phát hành tác phẩm Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu. Sách bao gồm phần Lục Vân Tiên ca diễn (bản có hiệu đính, phụ bản chữ Nôm) và phần luận đề về Nguyễn Đình Chiểu của các tác giả Phan Văn Hùm, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Thuần Phong, Vũ Bằng và Bùi Giáng.

Ấn phẩm được Nhà xuất bản Trẻ in lại nguyên văn từ bản sách rất công phu Lục Vân Tiên - bản hiệu đính, phụ bản chữ Nôm (thuộc Tủ sách Văn học - Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, 1973). 

Bản dịch của Abel des Michels với phần minh họa của họa sĩ triều đình Huế. Từ năm 1863 đến nay, tại Pháp có nhiều bản dịch của nhiều tác giả về truyện thơ Lục Vân Tiên. Năm 2016, tiến sĩ Olivier - Giám đốc Viện Viễn Đông bác cổ - thực hiện chuyên đề sưu tập, giới thiệu tác phẩm Lục Vân Tiên bằng ba ngôn ngữ Việt - Anh - Pháp. 

Di sản thi ca của nhân loại

Các học giả đến từ Nhật, Mỹ, Bỉ, Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan… đã góp vào hội thảo những góc nhìn từ các nước. Tác phẩm của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu trở thành di sản thi ca của nhân loại. 

Tại Nga, tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu lần đầu tiên được giáo sư N.I Niculin giới thiệu qua bài viết Nhà thơ được yêu thích của miền Nam Việt Nam, đăng trên tạp chí Văn học nước ngoài, vào năm 1972.

Các học trò của giáo sư N.I Niculin sau đó tiếp tục phát triển nghiên cứu đến Ngư Tiều y thuật vấn đáp và Dương Từ - Hà Mậu. Gần 40 năm qua, các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu được giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU). 

Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu vừa được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phát hành
Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu vừa được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia phát hành

Tại Nhật, Lục Vân Tiên được chuyển ngữ vào năm 1985. Đến nay, Lục Vân Tiên cũng như các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu đã được chuyển ngữ ra nhiều thứ tiếng, đưa vào giảng dạy tại các trường đại học, trường quốc tế tại Nga, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Lòng quý trọng và bảo vệ sự sống, tư tưởng hiếu sinh, đạo nhà, những giá trị “nhân nghĩa, trí dũng, hiếu tín” và đạo đức, thủy chung; tinh thần Nho giáo cùng tư tưởng Phật giáo, Đạo giáo, tín ngưỡng dân gian… đều được tìm thấy trong tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu. Vừa tinh hoa vừa đại chúng, thi phẩm đạt đến những giá trị phổ quát của nhân loại và trở thành kiệt tác, di sản văn học vượt ra khỏi không gian văn hóa và thời đại văn hóa của nhà thơ. 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI