Chi Bảo thành lập Bảo tàng Gốm thời dựng nước

15/07/2025 - 06:36

PNO - Chi Bảo sử dụng 400 cổ vật trong tổng số hơn 1.000 cổ vật gốm đang sở hữu để trưng bày tại Bảo tàng Gốm thời dựng nước do anh thành lập.

Chi Bảo giới thiệu về bảo tàng vào tối 14/7
Chi Bảo giới thiệu về bảo tàng vào tối 14/7

Tối 14/7, diễn viên Chi Bảo chính thức giới thiệu Bảo tàng Gốm thời dựng nước (TPHCM) do anh sáng lập. Bảo tàng sưu tầm, bảo quản hơn 400 hiện vật gốm cổ thuộc các nền văn hóa tiền Đông Sơn như: văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun...; các văn hóa đồng đại như văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa sơ sử lưu vực sông Đồng Nai, thời kỳ phong kiến Việt Nam.

Trong đó, chõ gốm văn hóa Đông Sơn được công nhận là bảo vật quốc gia (đợt 13) vào tháng 12/2024. Chõ làm bằng đất nung, được nung ở nhiệt độ cao, khoảng 800 - 900°C. Chi Bảo tiết lộ hiện sở hữu hơn 1.000 cổ vật gốm.

Chi Bảo và bảo vật quốc gia chõ gốm Đông Sơn trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM
Chi Bảo và bảo vật quốc gia chõ gốm Đông Sơn trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM

Chi Bảo làm việc với nhiều chuyên gia thẩm định cổ vật gốm

Chi Bảo sưu tầm cổ vật gốm nhiều năm qua. Anh cho hay cổ vật gốm không nhiều; thậm chí có nơi được đặt ở góc kẹt nào đó vì ít được quan tâm. Chi Bảo yêu thích vẻ đẹp vẻ đẹp mộc mạc, duyên dáng của đồ gốm Việt Nam. Anh mong thông qua đây có thể giới thiệu đến người trẻ lịch sử văn hoá của dân tộc; nhiều người sẽ quan tâm hơn đến cổ vật gốm.

“Ngày hôm sau mình không biết mình sẽ có gì, tìm thấy gì. Nhưng khi biết mình sưu tầm sẽ có nhiều người tìm đến mình. Khi mang về được một món gốm nào đó tôi rất mừng; nhất là đại diện cho một nền văn hoá nào đó”- Chi Bảo nói về sự thú vị của việc sưu tập cổ vật gốm.

Cổ vật gốm thuộc văn hoá Phùng Nguyên
Cổ vật gốm thuộc văn hoá Phùng Nguyên

Anh thích nhất đồ gốm của nền văn hoá Phùng Nguyên vì tính thẩm mỹ, sự độc đáo nên dành hẳn một căn phòng trưng bày. Hiện hội đồng thẩm định cổ vật tại bảo tàng gồm có 5 chuyên gia trong ngành khảo cổ. “Đồ vật mà bản thân tôi yêu quý là một chuyện. Nhưng nếu trưng bày mà không phải đồ thật chắc còn buồn hơn”- Chi Bảo chia sẻ.

Chi Bảo tham khảo mô hình nhiều bảo tàng lớn để thiết kế trưng bày bảo tàng này; nhưng chỉ mô phỏng được một phần. Bởi nhiều nơi riêng chiếc tủ chứa hiện vật đã có giá hàng trăm ngàn USD, với cơ chế tự động hoá. Anh cho biết sau này sẽ tính toán thêm phương án để cải thiện.

Không gian trưng bày được Chi Bảo tham khảo nhiều nơi. Ánh sáng cũng được chuyên gia hàng đầu thực hiện.
Không gian trưng bày được Chi Bảo tham khảo nhiều nơi. Ánh sáng cũng được chuyên gia hàng đầu thực hiện

Chi Bảo mong phát triển không gian bảo tàng trong tương lai

Trong thời gian tới, Bảo tàng Gốm thời dựng nước sẽ tổ chức các chương trình trải nghiệm cho học sinh, sinh viên; hợp tác với các trường đại học, bảo tàng trong và ngoài nước để phát triển tài liệu nghiên cứu.

Khi đi nước ngoài, anh thấy nhiều nơi dành những vị trí đẹp, diện tích rộng cho bảo tàng. Anh ấn tượng khi tham quan các bảo tàng của Qatar, Pháp, Singapore… Theo anh, ngoài tham quan còn nhiều hoạt động khác có thể diễn ra tại bảo tàng: hội thảo, thư viện, thậm chí ngồi thưởng thức một ly cà phê trong các không gian này rất thú vị.

Cổ vật gốm thuộc văn hoá Sa Huỳnh tại bảo tàng
Cổ vật gốm thuộc văn hoá Sa Huỳnh tại bảo tàng

Nhiều người trẻ thích đi bảo tàng để tìm hiểu văn hoá, có thêm trải nghiệm sống. Anh hy vọng trong tương lai sẽ có sự hợp tác giữa tư nhân và nhà nước để cùng chung tay xây dựng những không gian như thế. Theo Chi Bảo, cổ vật ở Việt Nam không thiếu, vị trí đẹp cũng nhiều… nên có nhiều tiềm năng.

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI