Phường Đức Nhuận: Nơi ôm trọn những địa điểm “bình yên”

15/07/2025 - 18:18

PNO - Có lẽ ít phường nào quy tụ nhiều di tích nhà thờ, chùa, nghĩa từ, lăng mộ có ý nghĩa về mặt lịch sử, kiến trúc như phường Đức Nhuận. Có thể nói nơi này dường như ôm trọn những địa điểm “bình yên” của thành phố.

Phường Đức Nhuận được thành lập dựa trên việc sáp nhập phường 4, 5, 9 của quận Phú Nhuận cũ. Tên gọi Đức Nhuận lấy cảm hứng từ câu nói nổi danh lưu truyền của người dân vùng đất này khi xưa: "Phú Nhuận ốc, Đức Nhuận thân" nghĩa là giàu có làm đẹp nhà cửa, đức độ làm đẹp con người.

Phường Đức Nhuận sáp nhập từ phường 4,5,9 (Ảnh: Ấn phẩm Kể chuyện những nẻo đường Phú Nhuận)
Phường Đức Nhuận sáp nhập từ phường 4,5,9 (Ảnh: Ấn phẩm Kể chuyện những nẻo đường Phú Nhuận)

Phường có nhiều di tích được công nhận là di tích lịch sử, di tích kiến trúc cấp thành phố. Nổi tiếng nhất là Lăng Đức Long Vân Hầu Võ Tánh (lăng Võ Tánh, số 19 Hồ Văn Huê).

Đường đi vào lăng Võ Tánh nằm trên đường Hồ Văn Huê- Ảnh:H.Nhu
Đường đi vào lăng Võ Tánh nằm trên đường Hồ Văn Huê - Ảnh: H.Nhu

Theo lời thỉnh cầu của dân vùng Gia Định xưa, năm 1082 vua Gia Long ra sắc chỉ lập miếu thờ và lăng mộ Võ Tánh tại thôn Phú Nhuận để dân chúng xa gần tiện việc đi lại cúng lễ. Trong quyển Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển có viết "Thi hài Võ Tánh bị cháy hết, về sau vua Gia Long sai lập mộ tưởng nhớ ông ở Phú Nhuận, chôn hình nhân bằng sáp".

Trong lăng Võ Tánh có khu đền thờ ông -Ảnh:H.Nhu
Trong lăng Võ Tánh có khu đền thờ Võ Tánh được xây theo kiến trúc đình làng Nam Bộ - Ảnh:H.Nhu

Lăng mang đặc trưng kiến trúc mộ cổ vùng Nam Bộ đầu thế kỷ XIX. Trong đền thờ còn lưu giữ hoành phi, câu đối, bao lam có giá trị. Lăng có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ hết sức to lớn, mà nổi bật hơn cả là giá trị kiến trúc nghệ thuật.

Lăng Võ Tánh là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố - Ảnh:H.Nhu
Lăng Võ Tánh là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố - Ảnh:H.Nhu

Lăng được UBND TPHCM công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào ngày 30/12/2019.

Phần lăng mộ Võ Tánh -Ảnh: H.Nhu
Phần lăng mộ Võ Tánh -Ảnh: H.Nhu

Trên phường Đức Nhuận còn có 2 địa chỉ đỏ được thành phố tôn vinh di tích lịch sử cấp thành, là chùa Quán Thế Âm và chùa Pháp Hoa. Chùa Quán Thế Âm (90 Thích Quảng Đức) xây năm 1920 lúc đầu rất nhỏ, vách gỗ lợp ngói, nằm trên khu đất lầy cạnh con đường mòn nay là đường Thích Quảng Đức.

Tương truyền chùa do một nhóm lính hải quân thời Pháp xây cất để tạ ơn Phật bà Quan Âm đã phù hộ họ trong một cuộc chìm tàu.

Chùa Quán Thế Âm từng là 1 địa chỉ “đỏ” - Ảnh: H.Nhu
Chùa Quán Thế Âm từng là 1 địa chỉ “đỏ” - Ảnh: H.Nhu

Chùa Quán Thế Âm là ngôi chùa cuối cùng mà hòa thượng Thích Quảng Đức làm trụ trì trước khi tự thiêu. Để tưởng niệm công đức của hòa thượng Thích Quảng Đức, chùa đã cho xây dựng Phòng lưu niệm Bồ Tát Quảng Đức trưng bày các di vật lúc sinh thời Ngài đã từng sử dụng, và đặt bia tiểu sử về sự nghiệp vì đạo vì đời của Ngài.

Sau vụ tự thiêu của nhà sư Thích Quảng Đức năm 1963, chùa trở thành cơ sở quan trọng của nhiều tổ chức như Ban Văn Báo L.19 (thuộc Ban Tuyên huấn khu ủy Sài Gòn - Gia Định) và lực lượng học sinh, sinh viên, thanh niên Phật giáo đấu tranh tại Phú Nhuận, nhất là thời gian cao điểm năm 1971 - 1973.

Bên trong khuôn viên chùa Quán Thế Âm- Ảnh: H.Nhu
Bên trong khuôn viên chùa Quán Thế Âm- Ảnh: H.Nhu

Bên dưới tổ đường của chùa có hầm bí mật diện tích khoảng 44m2. Năm 1966, căn hầm này là nơi in ấn, phát hành công khai tạp chí An Lạc do Đại đức Thích Thông Bửu làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Khoảng năm 1971 - 1972, hầm được sử dụng làm cơ sở in ấn truyền đơn của các tổ chức học sinh sinh viên, in 1000 ảnh Bác Hồ chuyển phát trong nội thành, đưa ra chiến khu Minh Đạm và các chiến khu khác. Đặc biệt in và phát hành quyển Vấn đề tù chính trị góp tiếng nói mạnh mẽ, có tác động cải thiện chế độ cực hình của các chiến sĩ bị giam cầm ở Côn Đảo.

Tấm bảng trước chùa Quán Thế Âm- Ảnh: H.Nhu
Tấm bảng trước chùa Quán Thế Âm- Ảnh: H.Nhu

Chùa Pháp Hoa (120/4 Thích Quảng Đức) do 2 nhà sư Quang Minh và Thích Đạo Thanh từ Quảng Nam vào tạo lập năm 1928. Ban đầu chỉ là một am nhỏ đặt hiệu là Thảo Am Pháp Hoa, được nhà sư yêu nước Thích Đạo Thanh dùng làm nơi trú chân, lui tới của các chư tăng, chí sĩ yêu nước, bậc sĩ phu từ miền Nam Trung Bộ vào và từ miền Tây Nam Bộ lên trong những năm 1930 - 1940.

Chùa Pháp Hoa nằm trên con đường nhỏ xanh mướt bóng cây - Ảnh: H.Nhu
Chùa Pháp Hoa nằm trên con đường nhỏ xanh mướt bóng cây - Ảnh: H.Nhu

Năm 1932, am được mở rộng để phục vụ cho hoạt động của những nhà cách mạng, nhà yêu nước như nhà sư Thiện Chiếu trong suốt những năm diễn ra cuộc Chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam. Đến năm 1935 cuộc trùng tu, mở rộng hoàn thành, am Pháp Hoa đổi thành chùa Pháp Hoa.

Năm 1945, hòa thượng Thích Đạo Thanh đã xây căn hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ. Năm 1963 hầm được tu sửa kiên cố hơn. Hầm thông với giếng nước để khi có địch đến kiểm tra thì chiến sĩ, du kích thoát sang giếng ẩn náu.

Thời chống Pháp, chùa là nơi ẩn náu của nhiều chiến sĩ, trong đó có các cán bộ cấp cao như Trần Văn Giàu, Nguyễn Thọ Chân, Phan Triêm, Nguyễn Bình.

Con đường cạnh đường rầy xe lửa dẫn vào chùa Pháp Hoa - Ảnh: H.Nhu
Con đường cạnh đường rầy xe lửa dẫn vào chùa Pháp Hoa - Ảnh: H.Nhu

Thời chống Mỹ, chùa là cơ sở hoạt động dân vận, trí vận, và là một chi nhánh của lực lượng Biệt động thành. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chùa là một trong những địa điểm vận động người dân may cờ, dẫn đường, giúp đỡ bộ đội vào giải phóng thành phố.

Ngày 23/5/2017 chùa được UBND TPHCM công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố.

Ngoài yếu tố lịch sử, chùa còn có một số hiện vật quý được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận như bộ thạch kinh Diệu Pháp Liên Hoa, bộ kinh Di giáo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên tại Việt Nam, bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa bằng thư pháp.

Đường Hồ Văn Huê thuộc phường Đức Nhuận được mệnh danh là con đường áo cưới. Ảnh:H.Nhu
Đường Hồ Văn Huê thuộc phường Đức Nhuận được mệnh danh là con đường áo cưới. Ảnh:H.Nhu

Tại phường Đức Nhuận còn có một số địa chỉ "đỏ" khác như nhà số 10/1 Nguyễn Văn Đậu của ông Trần Văn Trinh là một trong những cơ sở tập huấn chính trị do đồng chí Trần Văn Giàu (Bí thư Xứ ủy) chủ trì.

Thành phần dự là những sinh viên, tri thức thời đó như Huỳnh Tấn Phát, Hà Huy Giáp, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiễng, Lưu Hữu Phước, về sau là những cán bộ nòng cốt của TP.

Đường Hoàng Minh Giám chạy qua công viên Gia Định -Ảnh:H.Nhu
Đường Hoàng Minh Giám chạy qua công viên Gia Định -Ảnh:H.Nhu

Nhà số 9 của bà Thái Thị Để trên đường Nguyễn Văn Đậu từ năm 1955 là cơ sở của Ban binh vận X (thuộc Xứ ủy) thường là nơi lui tới của đồng chí Xứ ủy viên Hoàng Minh Đạo.

Nhà số 720B đường Nguyễn Kiệm của gia đình bà Dương Thị Sử từ năm 1966 là cơ sở ém quân vũ khí của Biệt động thành, chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân. Nhà có hầm chứa vũ khí rất lớn.

Bảng hiệu ghi chữ Phước Kiến nghĩa từ - Ảnh: H.Nhu
Bảng hiệu ghi chữ Phước Kiến nghĩa từ - Ảnh: H.Nhu

Trên đường Hoàng Minh Giám, gần công viên Gia Định có một công trình thuộc danh mục kiểm kê di tích của TP giai đoạn 2021-2025 là Phước Kiến Nghĩa Từ (5A Hoàng Minh Giám).

Công trình được xây dựng từ những năm 1980 với lối kiến trúc mang đặc trưng Trung Hoa. Tuy nhiên, tại các đầu cột được trang trí theo phong cách phương Tây. Đối tượng thờ cúng chính gồm Phúc Đức Chính Thần và Phật.

Phước Kiến Nghĩa Từ đang nằm trong danh mục kiểm kê di tích - Ảnh: H.Nhu
Phước Kiến Nghĩa Từ đang nằm trong danh mục kiểm kê di tích - Ảnh: H.Nhu

Từ ngoài nhìn vào, công trình nổi bật với mái ngói và mặt tiền sơn màu đỏ cam. Phước Kiến Nghĩa Từ do Ban quản trị Phước Kiến Nghĩa Từ gồm các thành viên của 4 hội quán thuộc nhóm ngôn ngữ Phước Kiến quản lý.

Người Hoa Phú Nhuận có lịch sử hơn 200 năm. Xưa kia, họ thường tập trung sinh sống quanh khu chợ Phú Nhuận, chủ yếu kinh doanh tạp hóa và Đông y. Người Hoa tại đây có đầy đủ năm bang gồm Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hẹ và Hải Nam.

Nhìn bên ngoài không nhiều người biết đến công trình Phước Kiến nghĩa từ này.Ảnh: H.Nhu
Nhìn bên ngoài không nhiều người biết đến công trình Phước Kiến Nghĩa Từ này - Ảnh: H.Nhu

Thường người Hoa đi đến đâu lập nghiệp thường xây miếu thờ đến đó. Sau này, công viên Gia Định được chẻ đôi để mở rộng đường, thì công trình Phước Kiến Nghĩa Từ mới lộ ra nằm ngay mặt tiền. Ngay cả nhiều người dân gần đó cũng không biết có sự tồn tại của ngôi miếu lâu đời này.

Cômg trình có lối vào nằm ở bên hông nhìn ra đường Hoàng Minh Giám- Ảnh: H.Nhu
Công trình có lối vào nằm ở bên hông nhìn ra đường Hoàng Minh Giám - Ảnh: H.Nhu

Trải qua nhiều thăng trầm, người Hoa ở Phú Nhuận hiện nay không còn nhiều như xưa. Tuy nhiên, vẫn có thể thấy dấu vết của người Hoa dọc theo các con phố như Phan Đình Phùng, Nguyễn Trọng Tuyển, Nguyễn Đình Chính.

H.Nhu (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI