Thị trường mỹ thuật toàn cầu “chuyển mùa”

12/07/2025 - 15:10

PNO - Sau thời kỳ phục hồi hậu đại dịch, thị trường mỹ thuật toàn cầu đang bước vào giai đoạn có nhiều thay đổi.

Báo cáo The Art Market 2025 do Art Basel phối hợp với tập đoàn tài chính UBS - ngân hàng đầu tư đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính của Thụy Sĩ - công bố mới đây cho thấy: tổng giá trị giao dịch nghệ thuật toàn cầu trong năm 2024 đạt 57,5 tỉ USD, giảm 12% so với năm 2022 và tiếp tục xu hướng giảm 2 năm liên tiếp.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là số lượng tác phẩm được mua bán lại tăng 3%, cho thấy thị trường đang có sự dịch chuyển từ các giao dịch giá trị lớn sang phân khúc trung và thấp.

Một tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ trong phiên đấu giá của tập đoàn Christie’s tháng 3/2025 - Nguồn ảnh: Christie’s Images Ltd. 2025
Một tác phẩm của họa sĩ Mai Trung Thứ trong phiên đấu giá của tập đoàn Christie’s tháng 3/2025 - Nguồn ảnh: Christie’s Images Ltd. 2025

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu nhiều sức ép từ lạm phát, lãi suất cao, căng thẳng địa chính trị và những bất ổn khu vực, tâm lý người mua và người bán đều trở nên dè dặt. Các giao dịch giá trị lớn bị thu hẹp rõ rệt. Cụ thể, số tác phẩm có giá trên 10 triệu USD được giao dịch giảm tới 39%. Ngược lại, tác phẩm có giá dưới 5.000 USD lại tăng lần lượt 13% và 7%, chủ yếu nhờ sự phát triển của giao dịch trực tuyến và lực đẩy từ nhóm sưu tầm trẻ.

Theo Art Basel, cục diện của thị trường mỹ thuật đang thay đổi khi hành vi tiêu dùng thay đổi và rủi ro đầu tư gia tăng. Các nhà sưu tầm đang ưu tiên chọn tác phẩm của những nghệ sĩ có giá trị bền vững thay vì chạy theo trào lưu ngắn hạn. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là thời điểm tốt để sở hữu tác phẩm chất lượng với mức giá hợp lý hơn.
Giới phân tích nhận định việc giá tác phẩm giảm không hẳn là tín hiệu xấu. Ngược lại, đây có thể là cơ hội để tiếp cận tác phẩm của những nghệ sĩ tên tuổi. Sau giai đoạn tăng trưởng, thị trường đang bước vào giai đoạn mới. Các nhà sưu tầm thận trọng hơn, hướng tới giá trị lâu dài thay vì kỳ vọng lợi nhuận nhanh.

Ở phạm vi toàn cầu, xu hướng phân hóa đang diễn ra rõ rệt. Hồng Kông (Trung Quốc) đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành trung tâm mỹ thuật lớn của châu Á với doanh số tăng gần gấp 5 lần nhờ hiệu ứng từ hội chợ nghệ thuật Art Basel Hong Kong. Trong khi đó, London (Anh) tỏ ra kém sắc do tác động kéo dài của việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) và sự sụt giảm nhu cầu từ giới đầu tư.

Ông Paul Donovan - đại diện UBS Wealth Management (quản lý tài sản toàn cầu) - cho rằng: thị trường mỹ thuật đang bước vào giai đoạn chuyển giao, phản ánh sự thay đổi trong bức tranh kinh tế thế giới. “Mặc dù giá bán đang điều chỉnh nhưng số lượng giao dịch vẫn ở mức cao nhờ sự tham gia ngày càng nhiều của nhóm nhà sưu tầm mới” - ông nhận định.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị đây là thời điểm thích hợp để quan sát, đánh giá lại chu kỳ vừa qua và chuẩn bị cho làn sóng mới. Với những người mới bước vào thị trường, việc trang bị kiến thức về nghệ sĩ, triển lãm, kỹ năng thẩm định và xu hướng tiêu dùng đang trở thành yếu tố quyết định.

Minh Phát

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI