Sân khấu TPHCM: Nhiều tài năng, ít "bà đỡ"

11/07/2025 - 17:43

PNO - Khi tập đoàn giải trí CJ ENM (Hàn Quốc) công bố chuyển thể bộ phim "Dancing Queen" thành nhạc kịch để đưa lên sân khấu Broadway và hướng tới khán giả toàn cầu, không ít người làm sân khấu tại TPHCM lại chợt "mơ" đến viễn cảnh được một "bà đỡ" chuyên nghiệp cùng đồng hành.

Sân khấu xã hội hoá TPHCM loay hoay giữa đam mê và bài toán sinh tồn

TPHCM hiện là địa phương có hoạt động sân khấu sôi nổi nhất cả nước, với hơn 10 sân khấu vẫn đều đặn sáng đèn, cùng đội ngũ nghệ sĩ đông đảo, giàu nhiệt huyết. Nhưng cho đến nay, tất cả các sân khấu xã hội hoá cuả TPHCM vẫn đang loay hoay tìm hướng đi bền vững. Công thức chung của các sân khấu là vừa làm nghệ thuật, vừa tự xoay xở kiếm doanh thu để duy trì hoạt động, vừa gồng mình vượt qua những khó khăn về mặt bằng biểu diễn, công tác tổ chức, truyền thông…

Thuỷ  Tinhh, đứa  con  thứ  101 khép  lại  hành  trình  7 năm  bề  bỉ  của  Buffalo
Nhạc kịch Thuỷ Tinh, đứa con thứ 101 khép lại hành trình 7 năm bền bỉ của Buffalo

Cách đây hơn 10 năm, nhóm nhạc kịch Buffalo xuất hiện và lập tức gây tiếng vang với những vở nhạc kịch được mua bản quyền từ sân khấu Broadway và Việt hóa, hoặc từ những kịch bản do chính ê kíp tự sáng tác, dàn dựng.

Với ê-kíp hoàn toàn trẻ: Nguyễn Khắc Duy, Hoàng Quân, Khả Như, Diễm Phương, Phạm Yến..., Buffalo như một làn gió mới của sân khấu TPHCM. Nhiều người làm nghề khi đó khẳng định đây là xu hướng tất yếu, là tương lai của kịch nói thành phố. Nhưng vì không thể mãi tự bươn chải xoay sở, nhóm dần kiệt sức và tan rã để lại nhiều tiếc nuối. Những người trẻ tiên phong, đầy sáng tạo, đã không trụ được vì thiếu một hệ sinh thái nuôi dưỡng sáng tạo bền vững.

Một ví dụ khác là Tiên Nga, vở nhạc kịch được sân khấu IDECAF dàn dựng công phu, lấy cảm hứng từ tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Vở diễn thành công, được khán giả đón nhận và từng gây tiếng vang lớn với thông điệp nhân văn, đậm chất văn hóa Việt.

TPHCM cũng đã có chính sách hỗ trợ cho vở diễn, nhưng so với chi phí tổ chức biểu diễn (chưa tính chi phí đầu tư), thì khoản hỗ trợ đó vẫn còn khá khiêm tốn. Chi phí tổ chức một vở nhạc kịch hoành tráng như Tiên Nga là rất lớn với nhiều khoản chi: diễn viên, dàn nhạc sống, chi phí thuê rạp… Đây chính là rào cản khiến các nhà đầu tư tư nhân luôn phải dè chừng khi cân nhắc đầu tư lâu dài cho sân khấu.

Cần một hệ sinh thái hỗ trợ sáng tạo

Trong guồng quay với cơm áo gạo tiền, sân khấu TPHCM hiện nay đang nặng xu hướng chạy theo số lượng hơn là chiều sâu. Các vở diễn mới liên tục ra mắt, nhưng hầu hết đều có “tuổi thọ” rất ngắn và không nhiều vở khiến người xem trăm trở, suy ngẫm. Thậm chí có không ít vở diễn khán giả cũng không nhớ nổi cái tên.

Nhjac kịch  Tiên  Nga, vở  nhạc  kịch  thuần  Việt  được  đánh  giá  là  đỉnh  cao  của  sân  khấu  TPHCM
Nhạc kịch Tiên Nga - vở nhạc kịch thuần Việt được đánh giá là tác phẩm đỉnh cao của sân khấu TPHCM

Trong bối cảnh thị trường biểu diễn cạnh tranh khốc liệt với các loại hình giải trí ngắn hạn, sân khấu vẫn đang phải tự gồng mình để duy trì. Dù hiệu quả xét về mặt xã hội, đây là một thiết chế văn hóa quan trọng, góp phần định hướng thẩm mỹ, gìn giữ bản sắc và nuôi dưỡng đời sống tinh thần công chúng. Bài toán đặt ra là: Làm sao để áp dụng cơ chế đặc thù về tài chính để có sự hỗ trợ bài bản cho các sân khấu xã hội hoá?

Để sân khấu có thể tồn tại và phát triển, cần nhìn nhận đúng vai trò của nghệ thuật biểu diễn trong sự phát triển của đô thị. Mô hình thành công như CJ ENM, đơn vị đầu tư cho sân khấu là mơ ước của tất cả những người làm sân khấu ở TPHCM. Và đây cũng là một phần trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa.

Trong rất nhiều toạ đàm, hội thảo, đề xuất kiến nghị liên quan đến sân khấu xã hội hoá, người làm nghề đã nhiều lần nhắc đến một cơ chế, chính sách tài chính phù hợp hỗ trợ cho các đơn vị xã hội hóa từ thuê rạp, miễn giảm thuế với hoạt động biểu diễn... Có các quỹ đầu tư với nguồn kinh phí thích hợp cho các dự án sân khấu chất lượng cao, hỗ trợ truyền thông để tiếp cận khán giả…. Về lâu dài, cần xây dựng một quỹ phát triển nghệ thuật độc lập, hướng đến các tiêu chí phát triển bền vững, đầu tư cho tài năng sáng tạo.

Đặc biệt, với các tác phẩm có nội dung văn hóa – lịch sử như Tiên Nga, cần có chính sách đặt hàng, tài trợ lâu dài để duy trì như những sản phẩm nghệ thuật tiêu biểu của thành phố.

Việc xây dựng điểm diễm cố định với tiện nghi, trang thiếu bị hiện đại hỗ trợ cho các đơn vị có tác phẩm tốt biểu diễn thường xuyên, có các chính sách hỗ trợ giá vé cho học sinh – sinh viên, kết nối sân khấu với chương trình giáo dục thẩm mỹ… cũng là những giải pháp cần được cân nhắc trong lộ trình phát triển văn hóa đô thị, khi TPHCM trở thành một siêu đô thị mang tầm quốc tế.

Hoa Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI