Muốn trẻ yêu sách, hãy đồng hành cùng con

15/07/2025 - 12:17

PNO - Ở nhiều quốc gia phát triển, hệ thống thư viện công cộng không chỉ là nơi lưu giữ tri thức mà còn là không gian sống, là nơi những thói quen tốt được hình thành từ rất sớm.

Một trong những điều dễ thấy ở đó là hình ảnh cha mẹ cùng con đọc sách. Họ cùng con lật từng trang, giải thích từng từ, lắng nghe những câu hỏi tưởng chừng bất tận của trẻ và trả lời bằng tất cả sự kiên nhẫn.

Tôi từng đứng nhìn rất lâu một người cha ngồi đọc sách cùng cô con gái chừng 3-4 tuổi ở phòng đọc thiếu nhi Thư viện bang Victoria (Úc). Cô bé chưa biết chữ nhưng luôn chăm chú vào từng trang sách. Mỗi khi gặp một từ mới, người cha dừng lại, kiên nhẫn giải thích bằng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu phù hợp với độ tuổi của con.

Cha đọc sách cùng con gái ở Thư viện bang Victoria (Melbourne - Úc) - ẢNH: TV
Cha đọc sách cùng con gái ở Thư viện bang Victoria (Melbourne - Úc) - ẢNH: T.V

Người cha ấy không phải trường hợp cá biệt. Chỉ trong một buổi chiều, tôi bắt gặp trên 20 gia đình đưa con vào thư viện. Có những gia đình cả cha lẫn mẹ, có gia đình chỉ cha hoặc mẹ. Trẻ thì đủ các độ tuổi, trong đó nhiều bé chỉ khoảng 2-3 tuổi. Cha mẹ không dắt con vào thư viện để đi dạo mà cùng trẻ đọc sách hoặc đọc sách cho con nghe. Đó là một hành trình đi cùng con, gieo mầm cho tình yêu tri thức bằng sự hiện diện thực sự của cha mẹ trong thế giới của con.

Người lớn thường trách thế hệ trẻ ngày nay lười đọc sách, chỉ mê điện thoại, thiếu khả năng tập trung. Nhưng có khi nào người lớn tự hỏi mình đã làm gì để trẻ có cơ hội yêu sách? Có bao nhiêu cha mẹ ngồi xuống đọc sách cùng con một cách nghiêm túc, đều đặn? Có bao nhiêu cha mẹ đưa con đến thư viện như một hoạt động sinh hoạt cuối tuần chứ không phải một sự kiện hiếm hoi? Rất nhiều người mua sách cho con như mua một món đồ chơi hay phụ kiện giáo dục, rồi để mặc trẻ tự loay hoay với chồng sách mới.

Một đứa trẻ không thể có thói quen đọc nếu lớn lên trong môi trường sách vở không hiện diện và người lớn quanh trẻ chưa bao giờ cho thấy rằng đọc sách là một niềm vui. Một đứa trẻ sẽ không thể hình thành thói quen đọc nếu hiếm khi nhìn thấy những người xung quanh đọc sách. Nếu cha mẹ luôn dán mắt vào điện thoại, việc khuyên con yêu sách là một sự mâu thuẫn. Thiếu đi sự đồng hành, trẻ sẽ chỉ thấy đọc sách là sự ép buộc.

Tình yêu với sách không thể đến từ lời khuyên. Nó đến từ hình ảnh cha mẹ cầm sách đọc mỗi ngày; từ việc cha mẹ sẵn sàng buông điện thoại, ngồi xuống cùng con, nghe con hỏi những điều ngây ngô và trả lời bằng sự kiên nhẫn.

Ở một xã hội có văn hóa đọc, sách là một phần đời sống thường nhật, giống như bữa ăn, giấc ngủ hay một buổi dạo chơi. Người ta không cần lý do để đọc sách, cũng không cần lên kế hoạch để đến thư viện. Việc đó diễn ra tự nhiên và là một phần tất yếu của đời sống. Cha mẹ có thể đưa con đến thư viện, cùng con ngồi giữa công viên đọc sách hay nhẹ nhàng giải thích cho con những từ khó. Họ không cố dạy con yêu sách. Họ sống với thói quen, nếp sống đó mỗi ngày và trẻ tự nhiên học theo.

Đọc sách cùng con không phải là việc lớn lao. Chỉ cần 15 phút mỗi ngày, một cuốn truyện đơn giản, một cuộc trò chuyện về những điều con đọc được từ sách - kiên trì, đều đặn là cách chúng ta trao cho con nền tảng bền vững về thói quen đọc sách.

Không có con đường tắt để xây dựng văn hóa đọc nhưng có một điểm bắt đầu rất rõ ràng: người lớn phải thực sự yêu sách và dẫn con đi cùng trên con đường đó. Muốn trẻ yêu sách, chỉ cần sự đồng hành kiên trì của cha mẹ mỗi ngày.

Hoa Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI