Phường Cầu Ông Lãnh: Lưu dấu xưa trong những cái tên

12/07/2025 - 05:59

PNO - Trong 4 phường mới được sắp xếp lại từ quận 1 (TPHCM cũ), so với các phường Sài Gòn, Bến Thành và Tân Định thì phường Cầu Ông Lãnh có diện tích nhỏ nhất nhưng lại có dân số đông nhất khi hợp nhất các khu dân cư lâu đời và đông đúc gắn liền sự phát triển của đô thị Sài Gòn xưa và TPHCM hiện nay.

Cầu Ông Lãnh còn đó, cầu Muối, cầu Kho nơi đâu?

Được hợp nhất từ các phường Cầu Kho, Cô Giang, Nguyễn Cư Trinh và phần còn lại của phường Cầu Ông Lãnh (sau khi sắp xếp vào phường Bến Thành), đây là vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời. Trong đó, có những cái tên nổi tiếng phản ánh nguồn gốc một đô thị sông nước với hệ thống kênh rạch chằng chịt khắp nơi, điển hình là Cầu Ông Lãnh, Cầu Muối và Cầu Kho.

Cầu Ông Lãnh
Cầu Ông Lãnh xưa được người Pháp xây dựng vào năm 1930 - Ảnh tư liệu

Với những cư dân lớn tuổi đã sống cả cuộc đời nơi đây thì cầu Ông Lãnh luôn trong tầm mắt. Nhưng tuyệt nhiên chưa từng nhìn thấy cầu Kho hay cầu Muối, cũng mông lung về vị trí, thậm chí còn nghi ngờ: liệu 2 cây cầu này có thực sự tồn tại?

Theo sách biên khảo Đất Gia Định - Bến Nghé xưa và người Sài Gòn của Sơn Nam, Cầu Kho là tên cây cầu bắc qua con rạch ăn vào kho Giản Thảo, còn gọi là kho Cẩm Đệm do chúa Nguyễn đặt ra từ năm 1741 (1 trong 9 kho ở rải rác vùng Đồng Nai - Cửu Long). Kho Giản Thảo của Bến Nghé có vai trò quan trọng, đến năm 1788 mở rộng để chứa lúa thâu từ 4 trấn của đất Gia Định. Lần hồi, từ tên người dân gọi cây cầu, Cầu Kho trở thành tên 1 vùng đất - rộng lớn hơn nhiều so với khi trở thành 1 phường của “quận Nhì” (thuộc đô thành Sài Gòn trước năm 1975) hoặc “quận 1” (TPHCM cũ) sau này.

Cũng theo Sơn Nam, Cầu Kho là: “khu vực bản lề dành riêng cho người Việt, giữa chợ Sài Gòn gợi không khí Tây phương và Chợ Lớn mang hơi hướng khu phố người Hoa”. Cho nên, ở góc độ nào đó, phường Cầu Ông Lãnh hiện nay, phần nào khôi phục khu vực Cầu Kho thuở xưa.

Cầu Ông Lãnh hiện nay nối phường Cầu Ông Lãnh và phường
Cầu Ông Lãnh hiện nay được hoàn thành vào năm 2003 - Ảnh: Ngọc Tuyết

Trên vùng đất này, người ta cũng gọi cây cầu gỗ ngang 1 con rạch nhỏ là “cầu Ông Lãnh” vì do ông Lãnh binh ở gần đó bắc qua (theo Trương Vĩnh Ký thì đó chính là Lãnh binh Thăng, một người anh hùng kháng Pháp). Đến năm 1874, người Pháp xây dựng 1 ngôi chợ bên kênh Bến Nghé, phía Đông cầu Ông Lãnh. Người dân cũng gọi chợ này là chợ Cầu Ông Lãnh, dần phát triển thành chợ đầu mối trái cây, thủy hải sản, đồ khô lớn nhất Sài Gòn.

Cách đó không xa có 1 cây cầu và 1 ngôi chợ cũng vang danh không kém là Cầu Muối. Theo các ghi chép, Cầu Muối là tên gọi khu vực các ghe muối từ Phan Thiết, Bạc Liêu vận chuyển lên các kho để xuất sang Cao Miên từ thời Nguyễn. Để tiện việc vận chuyển, người ta đào 1 con mương lớn từ rạch Bến Nghé dẫn vào khu vực các kho và bắc 1 cây cầu ván cho các phu bốc vác muối lên bờ.

Sau khi đánh chiếm Sài Gòn, người Pháp đặt lò giết mổ gia súc tại khu vực các kho muối bỏ hoang và tiến hành lấp mương, rạch xung quanh thành đường (dân gian gọi là đường Lò Heo, sau này là đường Nguyễn Thái Học). Năm 1947, chính quyền di dời lò mổ đi nơi khác, 1 ngôi chợ mới được lập nên, gọi là chợ Cầu Muối.

Đường Nguyễn Thái Học
Đường Nguyễn Thái Học là trục đường chính kết nối từ quận 1 sang quận 4 cũ qua cầu Ông Lãnh - Ảnh: Ngọc Tuyết

Như vậy, cầu Muối và cầu Kho từng hiện diện nhưng đã biến mất từ rất lâu khi người Pháp lấp nhiều kênh rạch cho công cuộc đô thị hóa. Hiện nay, chỉ còn cầu Ông Lãnh nối 2 bờ kênh Bến Nghé. Tuy nhiên, đây cũng không phải cầu Ông Lãnh nguyên bản. Qua các lần dời vị trí và xây mới, đến nay, cầu Ông Lãnh vẫn giữ vững sứ mệnh lịch sử kết nối giao thông liên vùng với diện mạo hiện đại và bề thế.

Không còn là “đất dữ”

Chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối chỉ cách nhau vài trăm mét, hợp thành khu chợ đầu mối hàng nông sản, thực phẩm lớn nhất một thời. Việc kinh doanh chợ càng phát triển kéo theo các hoạt động, dịch vụ phục vụ nhu cầu trong chợ. Ngoài sạp hàng buôn bán của tiểu thương thì quán xá ăn uống cũng mọc lên, người bán hàng rong kéo đến, dân tứ xứ tập trung về xin việc (bốc vác, giao hàng, trông hàng, làm thuê, dọn vệ sinh…).

Từ đây, các tay giang hồ cộm cán cũng tụ về “làm ăn” (bảo kê, cho vay nặng lãi, lập sòng bạc, trấn lột…). Một thời gian dài, “du đãng chợ Cầu Muối” với những cái tên, như: Đại Cathay, Minh “Cầu Muối”, Lâm “chín ngón”, Châu Phát Lai Em… làm người Sài Gòn rất bất an khi nghe danh.

Sau năm 1975, Công an TPHCM tổ chức nhiều đợt truy quét các băng đảng giang hồ, khôi phục an ninh trật tự các nơi. Cùng với đó, TPHCM chủ trương di dời các chợ đầu mối ra ngoại thành, chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối trong diện giải tỏa.

Năm 2003, cùng với cầu Ông Lãnh mới được khánh thành thì chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối được di dời về 2 chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức và Hóc Môn (sau có thêm chợ đầu mối Bình Điền), kết thúc sứ mệnh lịch sử là đầu mối giao thương trong khu vực sau hơn 100 năm.

Chợ Cầu Muối không còn nhưng
Đến nay, bảng hiệu cổng chợ Cầu Muối vẫn còn, nhắc nhớ về 1 phần lịch sử của vùng đất - Ảnh: Ngọc Tuyết

Một vùng “đất dữ” nữa là khu Mả Lạng (bao quanh bởi các đường Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh, Trần Đình Xu, Nguyễn Trãi), vang danh “điểm đen” ma túy một thời. Năm 2002, Bộ Công an phối hợp Công an TPHCM và địa phương tổ chức chiến dịch triệt phá “điểm đen” này. Sau chiến dịch là tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát khu vực, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Nạn ma túy không còn hoành hành, nhiều năm qua, khu Mả Lạng đã không còn là “nỗi ám ảnh”.

Bất chấp từng bị phủ bóng tối nhưng từ những “đất dữ” như chợ Cầu Muối hay khu Mả Lạng ngày nào vẫn lan tỏa tình người ấm áp khi cưu mang những mảnh đời nghèo. Trong đó, lứa sinh viên ở ký túc xá Trần Hưng Đạo hoặc thuê trọ tại các khu vực lân cận trước năm 2003, chắc chắn nhớ những món rau củ, thực phẩm mua được với giá rất rẻ tại chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối. Tuy chỉ là “hàng dạt” từ hàng bán sỉ của chợ đầu mối nhưng vẫn đảm bảo độ tươi ngon và nhất là “rẻ” cho “tệp khách hàng” thu nhập thấp, chủ yếu là sinh viên nghèo ở các tỉnh lên.

Là vùng đất với nhiều trầm tích lịch sử, phường Cầu Ông Lãnh có lợi thế lớn trong việc phát huy giá trị lịch sử - văn hóa tiếp tục phát triển trong chặng đường mới của đất nước.

Dấu xưa còn lưu

Trong dòng chảy thời gian bất tận, diện mạo phường Cầu Ông Lãnh hiện tại còn lưu rất ít dấu vết xưa. Trong đó, đình Nhơn Hòa hay còn gọi là đình Cầu Muối vẫn là nét cổ kính hiếm hoi giữa địa bàn hiện đại bậc nhất TPHCM.

Đình Nhơn Hòa lọt thỏm giữa khu dân cư
Đình Nhơn Hòa lọt thỏm giữa khu dân cư khu vực chợ Cầu Muối xưa - Ảnh: Ngọc Tuyết

Đây cũng là nơi phát xuất của gia tộc Huỳnh Long với hơn 70 năm theo đuổi nghệ thuật dân tộc. Cùng với gia tộc Minh Tơ, gia tộc Huỳnh Long với những người khai phá là ông bà Bảy Huỳnh - Ngọc Hương cùng những người con tài năng mà nổi bật là nghệ sĩ - soạn giả Bạch Mai đã góp công lớn hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương tuồng cổ.

Dưới mái đình Nhơn Hòa, cả gia tộc đã cùng gầy dựng gánh hát bội Chánh Thành rồi gánh Thanh Bình - Kim Mai (tên thật của nghệ sĩ Bạch Mai) chuyên hát cải lương Hồ Quảng và trở thành đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long sau ngày đất nước thống nhất.

Người nghệ sĩ đã chủ động chuyển mình theo thời cuộc, mạnh mẽ đổi thay và thích ứng để làm nên thương hiệu Huỳnh Long với những vở diễn ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng: Xử án Phi Giao, Mạnh Lệ Quân, Giang sơn mỹ nhân, Mặt trời đêm thế kỷ, Anh hùng bán than...

Nối tiếp con đường của mẹ Bạch Mai, nghệ sĩ Bình Tinh đã vượt qua rất nhiều khó khăn để đưa cái tên Huỳnh Long trở lại. Hàng năm, Bình Tinh đều đảm trách phụng cúng đình Nhơn Hòa trong dịp lễ kỳ yên. Cô xem đây là trách nhiệm cũng như thể hiện tấm lòng biết ơn đối với nơi mình đã sinh ra và là khởi điểm cho gia tộc Huỳnh Long với 4 đời “ăn cơm Tổ”.

Tuy không gian phải chia sẻ với quán cà phê bên dưới nhưng đây vẫn là nơi đặt bàn thờ Tổ và được Hội Sân khấu TPHCM tổ chức lễ giỗ Tổ và kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam hàng năm.
Nhà Truyền thống Sân khấu là nơi đặt bàn thờ Tổ và được Hội Sân khấu TPHCM tổ chức lễ giỗ Tổ và kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam hàng năm - Ảnh: Ngọc Tuyết

Đặc biệt, tại địa chỉ 133 Cô Bắc, Nhà Truyền thống Sân khấu vẫn hiện hữu. Mỗi dịp 12/8 Âm lịch, hàng trăm nghệ sĩ, người làm sân khấu và cả công chúng yêu sân khấu lại đến thắp hương, dâng lễ cúng Tổ trở thành nét đẹp văn hóa vẫn được lưu giữ trong nhịp sống hiện đại.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI