Phường Chợ Quán: Những ngõ chợ xôn xao bên rạch Bến Nghé

13/07/2025 - 12:11

PNO - Bên rạch Bến Nghé thuở xưa, có một chợ xổm họp dưới những hàng me, gần nhà thương Chợ Quán sau này. Lâu dần, cái tên Chợ Quán được đặt cho một vùng đất rộng lớn, nơi tấp nập người mua, kẻ bán.

Thời hoàng kim của “buôn có bạn, bán có phường”

Kẻ vào Chợ Quán, ra Bến Nghé/Người xuống Nhà Bè, lên Đồng Nai, 2 câu trong bài phú nổi tiếng về vùng đất Gia Định ngày xưa phần nào cho thấy cái tên Chợ Quán từng là một địa danh cực kỳ sầm uất, nhộn nhịp trong quá khứ. Đến nay, khi Chợ Quán được chọn để đặt tên cho một trong 3 phường mới của quận 5 trước đây, ký ức về một vùng đất đa dạng về ẩm thực, nổi tiếng với các công trình y tế, giáo dục... đã trở lại.

Phường Chợ Quán được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 phường gồm phường 1, phường 2 và phường 4 của quận 5 cũ, có tổng diện tích hơn 1,28km2 và quy mô dân số hơn 63.500 người. So với phường Chợ Lớn và phường An Đông cùng của quận 5 cũ, phường Chợ Quán nhỏ hơn và ít dân hơn. Tuy nhiên, cũng như 2 phường còn lại, tên gọi của phường mới mang nhiều ý nghĩa và trên địa bàn phường Chợ Quán hiện nay, không ít công trình, di tích, nét văn hóa cho thấy vùng đất này giàu bản sắc, lịch sử.

Một góc chợ quen thuộc ở vùng Nam Bộ ngày trước. Ảnh do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Một góc chợ quen thuộc ở vùng Nam bộ xưa - Ảnh do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cung cấp

Theo sách Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển, vùng Chợ Quán vốn được hình thành từ 3 làng cổ: Tân Kiểng, Nhơn Giang và Bình Yên. Lấy tên chung là Chợ Quán vì ngày đó, vùng có nhiều quán xá, chợ xổm “mọc” cạnh nhau. Có chợ họp cạnh lối vào nhà thương Chợ Quán, bên dưới những hàng me cổ thụ. Vì những đặc trưng về hàng quán nên Chợ Quán được chọn làm tên chung.

Cũng theo học giả Vương Hồng Sển, ở vùng Chợ Quán trước đây có làng Thợ Đúc, chuyên nghề lư đồng có tiếng, không kém làng lư đồng Chợ Gạo (Phú Lâm). Sở dĩ làng lư đồng nổi lên ở vùng Chợ Quán vì khoảng thập niên 1670, những người Huế từ làng Đúc di dân vào đây sinh sống, lập nghiệp. Họ mang theo nghề truyền thống của quê hương để làm kế sinh nhai và lâu dần, anh em, dòng họ cùng nhau làm nên một làng lư đồng nức tiếng vùng Chợ Quán.

Ảnh tư liệu về vùng Chợ Quán ngày trước. Ảnh: Đất Việt Trời Nam
Ảnh tư liệu về vùng Chợ Quán ngày trước - Ảnh: Đất Việt Trời Nam

Chưa kể thuở đó, từ Chợ Quán nối dần đến khu Chợ Lớn, nhiều làng nghề, xóm chuyên bán một loại thực phẩm nổi lên. Như Xóm Bột chuyên các loại bột mì, bột đậu; như Chợ Mai họp ban sáng, Chợ Hôm họp ban chiều kéo về tối... Nhờ thuận lợi về mặt giao thương, khu Chợ Quán bên rạch Bến Nghé trở thành điểm đến của nhiều thương nhân, lúc nào cũng xôn xao người mua, kẻ bán.

Để nhấn mạnh sự sầm uất, nhộn nhịp của vùng Chợ Quán, trong Sài Gòn năm xưa, ông Vương Hồng Sển nhắc lại 2 câu hát cổ nổi tiếng: “Mẹ đi Chợ Quán, Chợ Cầu/Mua cau Chợ Vải, mua trầu Chợ Dinh”.

Nơi giáo xứ cổ xưa nhất Sài Gòn - TPHCM

Chợ Quán không chỉ có những ngõ chợ xôn xao khuya sớm mà ở vùng đất này, có nhiều công trình cho thấy sự hiện đại của một đô thị, vùng đất giàu tín ngưỡng, coi trọng giáo dục...

Một số địa danh có thể kể đến như nhà đèn Chợ Quán, nhà thờ Chợ Quán, nhà thương Chợ Quán (tiền thân của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM hiện nay), các trường học với kiến trúc cổ kính như Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hay Trường đại học Sài Gòn (vốn là Trường trung học Pháp - Hoa)...

Trong đó, nhà thờ Chợ Quán là di tích ấn tượng, được xem là giáo xứ cổ xưa nhất Sài Gòn - TPHCM.

Nhà thờ Chợ Quán nhìn từ trên cao. Ảnh: Nhà thờ Chợ Quán
Nhà thờ Chợ Quán nhìn từ trên cao - Ảnh: Nhà thờ Chợ Quán

Ngược về những ngày đầu, học giả Trương Vĩnh Ký, một người được cho là sống ở vùng Chợ Quán có viết, khi người dân từ miền Trung vào Nam sinh sống, nhiều người trong số họ mang theo tín ngưỡng của mình. Để có nơi nguyện cầu, năm 1723, một ngôi nhà thờ đơn sơ được dựng lên ở vùng Chợ Quán.

Đến năm 1882, trước nhu cầu ngày càng lớn của người dân, một nhà thờ được xây mới với lối kiến trúc đặc trưng, hòa trộn giữa phong cách Romanesque cổ điển và Gothic. Ngày nay, đi ngang trục đường Trần Bình Trọng, nhìn sau hàng cây xanh, nhà thờ Chợ Quán hiện lên đẹp đẽ với màu sơn hồng dịu mắt, những đường nét ở phần mái hay tháp chuông rất uyển chuyển, sắc nét.

Năm 2023, nhà thờ Chợ Quán kỷ niệm 300 năm thành lập, là giáo đường cổ nhất TPHCM còn tồn tại đến ngày nay.

Bên trong không gian nhà thờ với lối kiến trúc đặc trưng. Ảnh: Nhà thờ Chợ Quán
Bên trong không gian nhà thờ với lối kiến trúc đặc trưng - Ảnh: Nhà thờ Chợ Quán

Nhắc đến Chợ Quán nói riêng hay quận 5 cũ nói chung, trong vùng hiểu biết của nhiều người hiện lên ngay lập tức câu nói “Ăn quận 5, nằm quận 3, xa hoa quận 1”. Điểm lại để thấy quận 5 là vùng đất nổi tiếng với ẩm thực phong phú, những món ăn kết hợp gia vị, nguyên liệu đặc trưng của người Hoa; cũng là vùng chợ quán xôn xao, nơi mà nhiều ngõ ngách đều có một thức bán đặc trưng, một ngành nghề riêng biệt.

Nhưng đằng sau đời sống nhộp nhịp ấy còn có một không gian thánh đường tĩnh lặng, nơi những dòng người nguyện cầu nối nhau, cầu an lành cho vạn vật. Và cũng ở đó, hệ thống giáo dục, y tế được quan tâm từ rất sớm cho thấy sự phát triển về mọi mặt của một vùng đất hiện đại, đặt trong sự phát triển chung của đô thị Sài Gòn - TPHCM từ xưa đến nay.

An Trịnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI