Lâu nay, có rất nhiều cuộc thi và giải thưởng dành cho văn chương với biên độ đề tài rộng mở, cho người cầm bút được tự do sáng tạo. Bên cạnh đó cũng có một số cuộc thi viết có định hướng về đề tài: viết về lực lượng vũ trang nhân dân, chiến tranh cách mạng; viết về tam nông (nông nghiệp - nông dân - nông thôn); biển đảo; dân tộc thiểu số; cuộc sống của người trẻ và vận động sáng tác cho thiếu nhi… Các nhân vật điển hình/người tốt việc tốt có thể được nhìn thấy ở nhiều sáng tác thuộc thể loại cận văn học (tự truyện, hồi ký, nhật ký, bút ký…) nhưng rất hiếm khi xuất hiện ở các tác phẩm văn chương.
Nhìn từ các tác phẩm được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TPHCM trong 10 năm trở lại đây, có thể thấy những giá trị nổi bật: Từ Dụ thái hậu (tiểu thuyết lịch sử, Trần Thùy Mai), Gánh gánh… gồng gồng… (hồi ký, Xuân Phượng)…; các tiểu thuyết: Một ví dụ xoàng (Nguyễn Bình Phương), Bửu Sơn Kỳ Hương (Lý Lan), Trong cơn lốc xoáy (Trầm Hương), Buổi chiều đi qua cánh đồng (Cao Chiến), Sóng (tiểu thuyết du ký, Trương Anh Quốc)… Trong số đó, có tác phẩm viết từ cuộc đời nhân vật có thật nhưng để gọi là tấm gương điển hình tiên tiến thì chưa phải.
Một trong những tác phẩm đoạt giải gần đây để lại ấn tượng đẹp về hình tượng nhân vật - một chứng nhân lịch sử là Khói biên phương của nhà văn trẻ Lê Quang Trạng (An Giang). Tác phẩm được Bộ Quốc phòng trao giải B - giải thưởng Văn học nghệ thuật và báo chí về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2020-2025. Nhân vật trong tác phẩm là ông từ giữ miếu - giữ ký ức chiến tranh cho cả thế hệ sau.
Nhà văn Lê Quang Trạng viết từ những câu chuyện được nghe đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Trí kể về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Với nhiều cây bút trẻ khác, đề tài được thể hiện trong tác phẩm thường là những trăn trở, suy tư về cuộc sống hôm nay; những đổi thay/vấn đề/hiện thực của thời đại mới… hơn là khai thác gương điển hình tiên tiến.
Các giải thưởng văn chương không phản chiếu hết bức tranh văn học Việt mỗi năm, chưa kể nhiều tác phẩm được tôn vinh nhưng sau đó lại không có được sức lan tỏa. Nhìn từ các sách bán chạy thời gian qua, có thể thấy nhiều tựa sách được yêu thích phần lớn là tác phẩm phi hư cấu: thư từ - nhật ký chiến trường, tự truyện của các tác giả có sức ảnh hưởng, tản văn, sách phát triển bản thân/chữa lành…
Những giá trị vượt thời gian
Nhân vật điển hình thường được hiểu là dạng nhân vật tiêu biểu, có tính đại diện và khái quát cao về kiểu nhân vật, tính cách/số phận hay tầng lớp/giai cấp trong xã hội. Những nhân vật điển hình trong văn học Việt Nam hiện đại từng có Chí Phèo (trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao), chị Dậu (Tắt đèn, Ngô Tất Tố), Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng, Nguyễn Minh Châu), người thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn (Lặng lẽ Sapa, Nguyễn Thành Long)…
Trong dòng văn học hậu chiến, các nhà văn thế hệ tiếp sau cũng đã khai thác rất thành công các nhân vật mang tính biểu tượng: Giang Minh Sài (Thời xa vắng, Lê Lựu), Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng, Chu Lai), Vạn (Bến không chồng, Dương Hướng), Mây (Người ở bến sông Châu, Sương Nguyệt Minh)… Văn học chảy theo mạch đập thời đại, phát triển và đổi thay trước những hiện thực mới. Người cầm bút tự do khai thác, vỡ hoang những cánh đồng văn chương.
Qua từng giai đoạn đều xuất hiện những trào lưu, khuynh hướng sáng tác mới. Các tác phẩm văn xuôi và thơ vẫn không ngừng ra đời nhưng hơn 2 thập niên qua đã nổi lên những “hiện tượng” ở các thể loại khác: du ký, tự truyện, tản văn, văn học
Nhân vật điển hình lâu nay chừng như đã trở về lặng im hoặc bị lép vế đâu đó trong những tác phẩm văn chương ít lan tỏa. Trong thời đại mới, luôn có rất nhiều tấm gương tiêu biểu, những con người thầm lặng tử tế. Họ có thể là bất kỳ ai trong xã hội nhưng để khai thác những điển hình tiên tiến trong văn học cũng là một thử thách lớn cho người cầm bút hôm nay. Viết không khéo dễ thành “tuyên truyền”, viết không hay sẽ gây nhàm chán. Ngay cả khi tác phẩm có giải thưởng hoặc được đánh giá cao vẫn chưa chắc có cơ hội được lan tỏa trong xã hội. Tất cả đều có thể là rào cản khiến các nhà văn, nhất là những người viết trẻ, ngần ngại bước vào.
Thế nhưng, người cầm bút không thể bỏ qua một vùng đất ngập tràn ánh sáng của những giá trị nhân văn, với những vẻ đẹp tươi sáng của con người và cuộc sống. Chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính thời điểm này là rất cần thiết, vừa là yêu cầu/đặt hàng cho giới văn nghệ sĩ vừa là sự định hướng, kỳ vọng vào lực lượng sáng tác văn học - nghệ thuật hôm nay.
K-culture lan tỏa toàn cầu nhưng vẫn thiếu nền tảng bền vững, khi nghệ sĩ đối mặt thu nhập bấp bênh và ngành công nghiệp chưa sánh kịp Hollywood hay Trung Quốc.