Khám phá quần thể vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới

13/07/2025 - 08:00

PNO - Ngày 12/7/2024, tại kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO diễn ra ở Paris (Pháp), Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây là di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam.

Việc ghi danh này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa nổi bật của Việt Nam, góp phần đưa tinh hoa văn hóa - tôn giáo - lịch sử Việt Nam vươn ra thế giới.

Cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm, tinh thần Phật giáo Việt

Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trải dài qua 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP Hải Phòng gồm 6 khu di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt, với hàng trăm điểm di tích và danh thắng. Đây là quần thể di tích liên tỉnh thành duy nhất tại Việt Nam được xây dựng hồ sơ đề cử theo chuẩn Di sản thế giới.

Hồ sơ do tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Bắc Giang và Hải Dương (cũ) hoàn thiện công phu với hơn 2.000 trang tài liệu, hàng trăm bản đồ, ảnh tư liệu, bản vẽ khảo cổ, kiến trúc và kế hoạch bảo tồn. Hồ sơ được Hội đồng Di tích và di chỉ quốc tế (ICOMOS) đánh giá cao sau đợt thẩm định thực địa vào tháng 8/2024.

Thiền vện Trúc lâm Yên Tử là nơi vua Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu hành. Công trình cũ đã bị phá huỷ theo thời gian, chỉ còn lại một ít dấu tích. Công trình mới được xây dựng lại từ năm 2002 Ảnh : TTXVN
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, nơi vua Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu hành. Công trình cũ đã bị phá hủy theo thời gian, chỉ còn lại một ít dấu tích. Công trình mới được xây dựng lại từ năm 2002 - Ảnh: TTXVN

Trung tâm của quần thể là Yên Tử, nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Vị vua anh minh đã từ bỏ ngai vàng để tu hành, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền mang bản sắc Việt, đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh dân tộc.

Yên Tử hiện còn bảo tồn 11 ngôi chùa, hàng trăm am, tháp, tượng đá và bia ký mang đậm dấu ấn kiến trúc các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn. Cùng với đó, khu di tích nhà Trần tại Đông Triều và di tích Bạch Đằng ở Quảng Ninh lưu dấu những chiến công oanh liệt của quân dân nhà Trần, đặc biệt là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.

Hoạ tiết cổ thời Trần thế kỉ XIV ở khu danh thắng Côn SƠn- Kiếp Bạc (Hải Phòng)..Ảnh: TTXVN
Họa tiết cổ thời Trần thế kỷ XIV ở khu danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Phòng) - Ảnh: TTXVN

Trung tâm văn hóa - tâm linh lớn của đất nước

Tại Bắc Ninh, chùa Vĩnh Nghiêm là nơi lưu giữ 3.050 mộc bản kinh Phật, được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ năm 2012. Đây là kho tư liệu tôn giáo - văn hóa vô giá, thể hiện sự phát triển của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần và tư tưởng giáo dục Phật pháp tại Việt Nam.

Chuà Vĩnh Nghiêm có từ thời Lý, sau đó được Phật hoàng Trần Nhân Tông tu bổ, xây dựng lại vào thế kỷ thứ VIII - Ảnh: TTXVN
Chùa Vĩnh Nghiêm có từ thời Lý, sau đó được Phật hoàng Trần Nhân Tông tu bổ, xây dựng lại vào thế kỷ thứ VIII - Ảnh: TTXVN

Gần đó, chùa Bổ Đà nổi bật với lối kiến trúc nội công ngoại quốc (trong hình chữ công, bên ngoài hình chữ khẩu), lối kiến trúc điển hình của Phật giáo và truyền thống Á Đông và không gian tu hành biệt lập, thanh tịnh. Di tích đang lưu giữ Bảo vật quốc gia là bộ mộc bản kinh Phật khắc trên gỗ thị quý hiếm, có niên đại từ thế kỷ XVIII.

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là nơi ghi dấu nhiều danh nhân kiệt xuất như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… Với hệ thống chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, các lễ hội mùa xuân và mùa thu, cùng hàng loạt hiện vật, văn bia cổ, đây là một trong những trung tâm văn hóa - tín ngưỡng truyền thống quan trọng nhất của miền Bắc.

Đề thờ Nguyễn Trãi trong khu di tích dang thắng Côn Sơn. Ảnh: TTXVN
Đền thờ Nguyễn Trãi trong khu di tích danh thắng Côn Sơn - Ảnh: TTXVN

Ngoài giá trị vật thể, quần thể còn sở hữu kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú như: lễ hội truyền thống, nghi lễ Phật giáo, hệ thống thư tịch cổ, nghệ thuật điêu khắc, thư pháp… tạo nên một không gian văn hóa đa tầng, giàu bản sắc.

Việc UNESCO công nhận Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới không chỉ nâng cao vị thế văn hóa Việt trên trường quốc tế mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững về du lịch, giáo dục và nghiên cứu.

Đây là minh chứng cho nỗ lực liên kết vùng, cho thấy việc xây dựng một hồ sơ di sản liên tỉnh, đa chiều và có chiều sâu khoa học là hoàn toàn khả thi nếu có sự vào cuộc đồng bộ từ trung ương đến địa phương.

Hoàng Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI