1001 kiểu đùa “sát thương” và những ám ảnh tâm lý mang tên học trò

05/05/2022 - 14:56

PNO - Mới đây, chị Kim Hải(*), ngụ Q.Bình Tân, TPHCM, cùng con gái Kim Anh (học lớp Tám) tìm đến Báo Phụ Nữ TPHCM để trình bày việc con chị đang tổn thương tâm lý vì bị bạn đùa nghịch quá lố.

 

Không biết đùa, đáng chết!

Ánh mắt còn lộ vẻ hãi hùng, Kim Anh kể: “Vào giờ ra chơi, con đi vệ sinh, đến khi trở ra không mở cửa được. Các bạn ra trước đã chặn cửa lại nhốt mình con trong đó. Con đập cửa gào lên nhưng các bạn chỉ cười, lát sau mới chịu mở cửa cho con ra”. 

Trò nghịch quái ác trở thành đề tài cười cợt của các bạn cùng lớp. Vào giờ nghỉ trưa bán trú, Kim Anh tỏ thái độ cho nhóm bạn biết: “Tui không biết đùa. Đừng đùa với tui như vậy nữa”. Rồi em cúi mọp đầu, lấy tay phải đánh vào cánh tay trái của mình, hét lên: “Mày không biết đùa. Tại sao mày không biết đùa? Kim Anh ơi, mày đáng chết!”.

Vẻ phẫn nộ, mất kiểm soát của Kim Anh làm các bạn hoảng hồn, xanh mặt. Một bạn hỏi: “Ủa, sao bạn tức giận dữ vậy? Sao lúc mở cửa nhà vệ sinh, tụi tui thấy bạn cười? Ủa vậy là bạn… cười sảng hả?”.  

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tối về, Kim Anh khóc kể cho mẹ. Chị Kim Hải gọi điện thoại cho một bạn đầu têu trò nghịch đó. Bạn nói chỉ nghĩ đơn giản là giỡn cho vui và xin lỗi. Bạn hứa sẽ không tái phạm và sẽ nói lại với các bạn khác đừng giỡn vậy nữa. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh hằn sâu khiến sáng hôm sau Kim Anh không dám đến trường. “Con sợ lắm. Con sợ các bạn tiếp tục làm như vậy. Trước đây con cũng nói là con không thích các bạn cù lét con, nhưng các bạn vẫn làm. Nếu người xa lạ sỉ nhục hay làm gì cũng không ảnh hưởng con lắm, còn đây là bạn con…” - Kim Anh nghẹn giọng, bỏ lửng câu nói.

Học trò vốn tinh nghịch: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Nhưng ở tuổi vô tư, hồn nhiên, các em chưa thực sự đo lường được hậu quả trên nạn nhân và có nguy cơ hủy hoại tình bạn đáng quý. Sự vô tình đùa nghịch để có một trận cười, các em không biết đã giẫm đạp lên cảm xúc của bạn mình.

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

Những sáng kiến… lửa

Hậu quả không chỉ đè nặng lên nạn nhân mà kẻ “đùa dai, nghịch dại” cũng ân hận không tự giải tỏa được. 

Anh Hoàng Long (Q.12, TPHCM) chia sẻ, con trai anh (hiện học lớp Mười) từng áy náy vì lỡ tặng bạn một món quà sinh nhật đặc biệt cách đây bốn tháng. Cô bạn thân chung xóm háo hức mở từng lớp giấy hộp quà, hứa hẹn một món quà hấp dẫn. Nhưng… ôi thôi! Hộp giấy trong cùng vừa bật nắp, một chú thằn lằn con phóng ra làm cả đám đứng tim. Lũ con trai cười ha hả, thích thú; một vài bạn gái nhăn mặt: “Giỡn kiểu kỳ vậy, hông vui rồi à!”. 

Thật ra con trai anh có thủ món quà khác - một con thỏ bông màu hồng xinh xắn theo đúng ý thích của cô bạn, nhưng sau cú lừa vừa rồi, cô bạn đã không nhận món quà chính thức này, cũng không chơi chung nữa. Hai nhà vốn thân thích, anh Hoàng Long tìm mọi cách hàn gắn tình bạn của hai bạn nhỏ nhưng cả hai cháu cùng khó chịu, cáu gắt khi phụ huynh nhắc đến tên của đứa kia. 

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

Đáng lo ngại là từ cú đùa lố đà ấy, con trai anh Hoàng Long từ cởi mở, hoạt bát, hướng ngoại sang trầm lặng, khép kín, ít bộc lộ. Đặc biệt con chỉ chăm chăm vào việc học, ít giao tiếp bạn bè. Người bố không biết gọi tên cảm xúc tiêu cực của con là gì, chỉ biết mốc nảy sinh từ gói quà “sáng kiến... lửa” ấy.

Đã 30 năm mà ký ức về trò nghịch “quỷ” thời cấp III chưa xóa nhòa trong tâm trí chị Thu Khánh (Bình Dương). Hôm ấy, cô giáo dạy văn đến lớp trễ. Với vẻ hối hả, tất bật, cô đặt chiếc cặp táp lên bàn giáo viên rồi tất tả lên văn phòng. Lát sau trở xuống lớp, cô bật khóc khi thấy học trò đã dán lên cặp của cô dòng chữ “Đại hạ giá”. Cô quay xuống lớp, hỏi: “Đại hạ giá giáo án của cô hay đại hạ giá nhân phẩm của cô?”. Cô chạy lên văn phòng, bưng mặt khóc. Cả lớp nhốn nháo.

Một cảm giác xốn xang, hối hận thể hiện qua đôi mắt đỏ ướt, hoảng sợ của cả lớp. Nửa tiếng đồng hồ sau, cô trở về lớp, gương mặt đã tươi dần, cô đã lấy lại thăng bằng. 

Cô cười, nhẹ nhàng nói: “Cô đã nhẹ lòng hơn khi nhìn nhận đây là cách mà các em làm cho cô vui. Nhưng sau này các em có thể tìm cách nào khác vui hơn, tích cực hơn. Lần này… không vui. Sáng nay cô đi trễ vì bé nhà cô bệnh, cô thức suốt đêm ở bệnh viện và sáng ra phải đợi người vào thay thế… nếu các em biết chuyện này, các em sẽ cân nhắc, thận trọng hơn khi đùa, để nó không gây tổn thương”.

Các em òa khóc. Có đứa còn thú nhận: “Chính em viết dòng chữ gắn trên cặp của cô đó cô. Tại trên đường đến trường, em thấy nhiều người để bảng bánh Trung thu đại hạ giá cũng vui vui ngộ ngộ… Em sai rồi! Em xin lỗi cô!”. 

Giờ đây khi đã làm mẹ, chị Thu Khánh luôn dõi theo thái độ giao tiếp của các con, dặn dò các con tương tác tinh tế, thấu cảm với cô, với bạn… Ngược lại, khi bạn đùa nghịch khiến con không thích, con sẽ xử trí sao cho khéo léo, nhẹ nhàng, giúp bạn hiểu đó không hề là một trò vui. Ngay cả với cùng một người thì tác động của trò đùa cũng mỗi lúc mỗi khác tùy bối cảnh tâm trạng. 

Tô Diệu Hiền

(*): tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI