100 năm cải lương - Chuyện những người thừa kế - Bài 3: Lệ Thủy - Người làm nền rực rỡ

14/09/2018 - 07:38

PNO - Có một cái gì đó hơi… sai sai khi đặt để NSND Lệ Thủy là “người làm nền”, bởi bà là điển hình của ngôi vị đào chánh, là giọng "chuông ngân", là một trong những cái tên được yêu mến bền bỉ nhất qua năm tháng.

Một khán giả đã nói với tôi: vai diễn lớn nhất của Lệ Thủy chính là… Lệ Thủy.

Khuôn mặt đẹp, chân chất, hồn hậu; giọng ca mùi, ngọt, vang; nét diễn giản dị, mộc mạc, dễ gây thương nhớ… bấy nhiêu đấy được Lệ Thủy mang vào các vai diễn, đa phần sầu bi, bất hạnh, thương cảm.

100 nam cai luong - Chuyen nhung nguoi thua ke - Bai 3: Le Thuy - Nguoi lam nen ruc ro
NSND Lệ Thủy và NSƯT Trọng Hữu diễn trích đoạn Hàn Mặc Tử trong buổi họp mặt đoàn cải lương Kim Chung năm 2013

Một mặc định từ soạn giả, thầy tuồng hay là đặc quyền của khán giả mộ điệu mà Lệ Thủy, vốn là người tử tế, dễ chịu, xuề xòa nên bao nhiêu năm vẫn thủy chung một hình mẫu vai diễn. Lỡ như bà có vào một nhân vật dữ dằn hơn, một câu thoại đanh đá hơn thì hình như người xem vẫn tin đó chỉ là… vai diễn.

Một ngày, tròn 15 năm trước, khi phác thảo kịch bản chương trình Giai điệu đồng bằng lần thứ 26, chủ đề Miền nhớ, trong kịch mục Kiều Nguyệt Nga (tác giả Ngọc Cung - Hoàng Việt, đạo diễn: Lưu Chi Lăng), tôi bất ngờ khi người đảm nhận vai Kim Liên lại là nghệ sĩ Lệ Thủy.

Cảnh Võ Minh Luân gặp lại mẹ và em gái, vở Đời cô Lựu

Đành rằng, lớp Kiều Nguyệt Nga trên thuyền đi cống Hồ là lớp mà câu vọng cổ duy nhất được viết cho Kim Liên, vị thế của nhân vật này cũng được thiết kế cân bằng, tương xứng với nhân vật chính Kiều Nguyệt Nga, chuẩn bị cho cuộc hoán đổi thân phận. Nhưng nhìn một ngôi sao lấp ló ở cánh gà, hồi hộp, tươm tất cho lần xuất hiện… phụ diễn, ta sẽ thấy lấp lánh thứ ánh sáng đẹp đẽ, ấm áp nhất.

Ánh sáng ấy, khi bước ra sàn diễn, đàn rao, dẫn vào câu nói lối rồi ngọt ngào mà về tới một chữ hò, cả hội trường Đại học Cần Thơ rợp kín sinh viên chợt vỡ òa. Nguyệt Nga - Bạch Tuyết kín đáo lùi lại nửa bước chân, cúi đầu thâm tạ trước Kim Liên - Lệ Thủy đã “đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê” hay chính là sự tôn vinh của một nghệ sĩ dành cho tư cách một nghệ sĩ.

100 nam cai luong - Chuyen nhung nguoi thua ke - Bai 3: Le Thuy - Nguoi lam nen ruc ro
Tình yêu khán giả dành cho cặp đôi nghệ sĩ này - Minh Vương và Lệ Thủy bền bỉ qua năm tháng

Từ đây, lần lại vai diễn Kim Anh của Lệ Thủy trong Đời cô Lựu (tác giả: Trần Hữu Trang, đạo diễn: NSND Huỳnh Nga) sẽ thấy một bản lĩnh sân khấu mà không phải ai cũng đạt được.

Thông thường, để dọn đường vào vọng cổ, các nghệ sĩ hay chuyển từ một bài lý, câu hò hay điệu ngâm. Nhưng trong lớp cô Lựu nhận thư chồng, trong vai Kim Anh, Lệ Thủy lại trực chỉ vào luôn vọng cổ: “Má, má ơi má vừa nhắc qua chuyện cũ mà trước mắt con mây đen như vần vũ tứ… bề”.

Trích đoạn Hàn Mặc Tử - NSƯT Trọng Hữu - NSND Lệ Thủy

Đó là tiếng kêu thảng thốt của đứa con khi nhận ra quá khứ đau buồn của mẹ và sự đồng cảm trước nghịch cảnh trái ngang hiện tại. Nhưng không phải là bài Xế xảng. Nghệ sĩ phải xử lý cao độ đủ để không bị “sét”, rồi đổ hơi để vào vọng cổ mà ra hò vẫn phải mủi lòng, nức nở tâm can. Lớp ca này là một dấu ấn mà cho đến nay, sau gần 40 năm bản dựng ra đời (trên sân khấu 2-84, dựng năm 1983) không một ai đủ sức thay thế.

Xem Đời cô Lựu, cái hay của một dàn nghệ sĩ tài danh đã đành, cái đẹp trong kỷ luật sân khấu mới là điều đáng kính trọng mà nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên sau này cần và nên học hỏi, giữ gìn.

100 nam cai luong - Chuyen nhung nguoi thua ke - Bai 3: Le Thuy - Nguoi lam nen ruc ro
Trên sàn diễn Đời cô Lựu của gần 40 năm trước

Khi cô Lựu - Bạch Tuyết cùng Võ Minh Luân - Minh Vương mừng tủi trong ngày hội ngộ thì Kim Anh - Lệ Thủy tập trung… mếu máo theo mẹ và anh, những câu đệm được thoại đúng lúc đúng nơi. Hoặc khi cô Lựu gặp Võ Minh Thành trong bệnh viện, hai nhân vật ca hết bốn câu vọng cổ, thêm bài Lý giao duyên mà Võ Minh Luân - Minh Vương diễn… ngồi, diễn trong im lặng, “làm nền” cho cuộc đoàn viên đẫm nước mắt. Cái hào quang tỏa từ trong bóng tối, trong lặng thầm cho nhau như thế lại bền bỉ nhất, vinh quang nhất.

100 nam cai luong - Chuyen nhung nguoi thua ke - Bai 3: Le Thuy - Nguoi lam nen ruc ro
NSND Lệ Thủy trong Nửa đời hương phấn

Và một lần nữa, trong vai Diệu (Nửa đời hương phấn, kịch bản: Hà Triều - Hoa Phượng), Lệ Thủy lại khiến khán giả cười đó rồi lại khóc đó. Nước mắt cho Hương là lỡ làng, đau xót, tức tưởi. Còn cho Diệu, lại bẽ bàng, ngậm ngùi, thương cảm. Trong bản Phụng hoàng kinh điển, cái tài tình của Lệ Thủy là níu giữ vẻ hồn nhiên, vô tư, chất phác của Diệu giữa tình cảnh ngang trái của chị Hai và dượng Ba.

Sự đan xen giữa hai yếu tố tưởng là “nguyên nhân” nhưng kỳ thực là “nạn nhân” trong cuộc tình, cuộc hôn nhân giữa Hương - Tùng - Diệu là phép cài đặt kịch thông minh, hấp dẫn; trong đó, Diệu là nhân vật đáng yêu mà cũng đáng thương nhất. Lệ Thủy đã trọn vẹn với mẫu nhân vật này, dù một lần nữa, bà hồn nhiên nhận lãnh vị thế một vai thứ.

***

100 nam cai luong - Chuyen nhung nguoi thua ke - Bai 3: Le Thuy - Nguoi lam nen ruc ro
Là người mẹ tạo nền vững chắc cho con trai mình - ca sĩ Dương Đình Trí

Trong ba người con của NSND Lệ Thủy, duy nhất Dương Đình Trí nối nghiệp mẹ. Nhưng sở trường của Trí lại thiên về tổ chức nghệ thuật hơn là biểu diễn. Và không biết bao lâu rồi, Lệ Thủy là người tạo nền vững chắc cho con trai, để có một cuộc kế tục, giữ gìn “bước chân hai thế hệ”. Trong rất nhiều cuộc vui với đồng nghiệp, như gần đây nhất là danh ca Minh Cảnh từ Mỹ trở về, Lệ Thủy cũng là người kết nối và “làm nền” cho những buổi đoàn viên, người xưa kẻ nay ân tình ngồi lại.

Bà là vậy! Những buồn đau, ngang trái, thảm sầu… bà trao hết cho sàn diễn, để giữa đời thường chỉ còn lại sự nhẹ nhàng, an vui và chút đa đoan thế sự.

Lê Huyền Ái Mỹ

Bài 4: Hồng Nga - Gió bụi mềm theo khúc tương sầu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI