Xuân này con không về

01/02/2021 - 07:24

PNO - Đối với người xa xứ, tết không đơn thuần là sự dịch chuyển của thời tiết, là vòng quay của vũ trụ, mà còn là nỗi nhớ quê hương thiêng liêng.

Tết là ngày đoàn tụ của mọi gia đình. Dù làm việc hay đi học ở xa, mọi người cũng cố gắng dành thời gian về ăn tết với gia đình.

Tết là thời điểm của lạc quan và hy vọng. Tết còn là dịp tri ân người đã đem đến cho mình những cơ hội tốt trong năm qua. Với những người con xa xứ, tết là sự nhớ nhung, chờ đợi, ngóng trông ngày trở về để được đoàn tụ. Đối với họ, tết không đơn thuần là sự dịch chuyển của thời tiết, là vòng quay của vũ trụ, mà còn là nỗi nhớ quê hương thiêng liêng ẩn sâu trong trái tim mỗi người. 

Ngô Đức Anh chụp tại phòng của ký túc xá  công ty Toshiba ở Nhật
Ngô Đức Anh chụp tại phòng của ký túc xá công ty Toshiba ở Nhật. Ngô Đức Anh tâm sự: “Em ở đây không sao, đi làm vất vả nhưng em chịu được. Em chỉ thương
mẹ ở nhà. Mẹ em thường đau ốm…”

Ngô Đức Anh là công nhân công ty Toshiba vừa sang Nhật hồi tháng 11 vừa rồi. Đức Anh có suy nghĩ rất tích cực: “Đây là lần đầu tiên em không đón tết ở Việt Nam. Nhưng em xác định rồi, mình phải chăm chỉ làm việc và học tập, sau này sẽ được đón tết trọn vẹn ở quê nhà”.

Em nói: “Ra đi là để trở về, có gì phải buồn, tuổi trẻ thì phải xông pha chứ. Được cái người Nhật cũng thông cảm nên họ quan tâm công nhân lắm. Nghe nói tết năm nào họ cũng tổ chức cho anh em Việt Nam ăn tết, nhưng năm nay vì dịch COVID-19 nên có lẽ sẽ không tổ chức”. 

Ngô Đức Anh ngậm ngùi kể tiếp: “Em ở đây rồi cũng sẽ quen dần với cuộc sống. Đi làm có vất vả nhưng em chịu được. Chỉ thương mẹ ở nhà. Mẹ hay đau lưng, đau tay mỗi khi trở trời. Chắc chắn tết năm nay mẹ sẽ buồn vì vắng con trai”.

Giọng em chùng xuống nghẹn ngào, nhưng ẩn sâu trong đó là sự kiên cường, dũng cảm. Ở quê nhà, chắc chắn mẹ em sẽ không buồn phiền, chỉ chạnh lòng một chút khi cả nhà đón tết mà thiếu đứa con trai bà yêu thương. Em còn nhấn mạnh: “Em thấy một số bạn trẻ người Việt ở Nhật rất bi quan, cứ sướt mướt nhớ nhà. Phải nghĩ rằng đây là lựa chọn của mình thì phải vui vẻ chấp nhận sự lựa chọn đó chứ. Cứ chăm chỉ làm việc, học tập rồi mọi việc sẽ tốt lên thôi”. 

Hằng năm, mỗi dịp tết về, những người con xa xứ lại bận rộn lên kế hoạch trở về Việt Nam. Nhưng năm nay đã khác. Nỗi lòng của những người con xa xứ thêm phần nặng trĩu.

Anh Nguyễn Việt Dũng đã sống tại thành phố Tver (Nga) 20 năm, nhưng nỗi nhớ quê hương chưa bao giờ nguôi ngoai. Vào dịp tết, anh thường tụ tập một số người bạn cùng nhau chúc tụng, ăn uống, hát những bài mừng xuân quê hương.

Anh cho biết, vào thời điểm tết ở Việt Nam thì nơi đây rất lạnh, xung quanh chỉ một màu trắng xóa, nên nỗi nhớ người thân ở quê nhà lại càng thêm da diết. Anh tâm sự: “Tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, rất khó có thể về Việt Nam ăn tết nên cũng buồn và lo lắng cho người thân ở quê nhà. Mọi người nơi đây hầu như đã xác định, nên vẫn bảo nhau phải tự giữ gìn cho bản thân và gia đình của mình”. 

Gia đình anh Nguyễn Việt Dũng hiện đang sống  tại thành phố Tver, Nga
Gia đình anh Nguyễn Việt Dũng hiện sống tại thành phố Tver, Nga

Chị Diệu Hường (tên Thụy Điển là Mimmi Bergstrom) đã sống tại Thụy Điển 31 năm. Chị cho biết chị cùng cộng đồng người Việt ở Stockholm thường xuyên tổ chức đón chào năm mới ở một địa điểm. Vào dịp tết, mọi người đều mặc áo dài truyền thống, tổ chức giao lưu ca hát, trình diễn thời trang, như một sự kiện hướng tới cội nguồn. 

Ở đây, mọi người cùng nhau hướng tới quê hương, trao đổi, cập nhật tình hình người thân ở Việt Nam, và không quên tổ chức buổi quyên góp giúp đồng bào kém may mắn ở quê nhà. Nhưng năm nay, dịch COVID-19 khiến mọi công tác tổ chức đều không thể hào hứng xôm tụ như mọi năm.

Dẫu xa quê hương, nhưng hình ảnh trống đồng, mai vàng, đào thắm vẫn hiện hữu tại Thụy Điển mỗi độ xuân về
Mỗi dịp tết, phụ nữ Việt tại Thuỵ Điển thường mặc áo dài truyền thống, tổ chức ca hát, trình diễn thời trang, giao lưu trong các sự kiện hướng về quê hương.

Chị Nguyễn Kim Liên (tên ở Nhật là Mikiko Motohashi) lấy chồng người Nhật và đã ở Nhật 26 năm, tâm sự: “Xa Việt Nam lâu như vậy, nhưng cứ mỗi độ xuân về là mình vẫn bồi hồi nhớ nhà. Ngày còn bé, mỗi dịp tết đến, mình giúp bố rửa lá gói bánh, làm mứt, nấu nhiều món ngon ăn ba ngày tết. Hồi đó ai cũng nghèo nhưng vui lắm”.

Chị kể: “Ở Nhật, cộng đồng người Việt chỗ mình mọi năm cũng rủ nhau gói bánh chưng, nấu cỗ cúng giao thừa như bên Việt Nam. Chồng mình là người Nhật nên mâm cúng đơn giản hơn. Năm nay dịch COVID-19 nên sẽ càng đơn giản. Mình chỉ nấu xôi, mua hoa về trưng bày để đỡ nhớ quê nhà”. 

Tết nào chị Mikiko Motohashi cũng mặc áo dài du xuân tại Nhật
Tết nào chị Mikiko Motohashi cũng mặc áo dài du xuân tại Nhật

Ở Nhật đã nhiều năm, nhưng dịp tết nào, chị cũng diện những bộ áo dài truyền thống như một cách nhớ về nguồn cội, đồng thời quảng bá áo dài Việt Nam trên đất Nhật. Chị cũng hay đi chùa cầu nguyện. Chị khoe hình vợ chồng chị cùng sư cô Thích Tam Tri - Hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam tại Nhật Bản, chụp ở chùa Đại Ân (Nhật). 

Vợ chồng chị Mikiko Motohashi đi chùa trong dịp xuân
Chị Nguyễn Kim Liên (Mikiko Motohashi) khoe: “Đây là hình tôi và chồng chụp ở chùa Đại Ân, một ngôi chùa tại Nhật có cảnh như chùa Việt. Chúng tôi được sư cô Thích Tam Tri - Hội trưởng Hội Phật giáo Việt Nam tại Nhật Bản tặng chữ đầu xuân 2021”.

Hình ảnh cô gái người Việt mặc áo dài trên đất Nhật khiến chị thấy ấm áp, bình an và tự tin hơn bao giờ hết. Chồng chị rất yêu văn hóa Việt Nam, có lẽ cũng bởi ảnh hưởng từ người vợ Việt yêu tha thiết quê hương mình. Chị cũng được gia đình nhà chồng rất mực yêu thương và trân quý. Mỗi độ xuân về, gia đình chồng thường rủ chị đi chơi, ăn uống, chúc mừng và cũng không quên lì xì cho chị. 

Với những người con xa xứ, dù tết này không thể về thăm quê hương, nhưng họ vẫn luôn hướng về nguồn cội và mong cho đại dịch qua mau để được gặp lại người thân sau rất nhiều năm tháng xa cách. 

Khánh Phương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI