Xoa bóp có phải là vật lý trị liệu?

16/05/2023 - 11:12

PNO - Vật lý trị liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hồi phục của bệnh nhân đột quỵ, giúp họ mau chóng trở lại cuộc sống bình thường. Thế nhưng, hiện vẫn còn nhiều người nhầm lẫn xoa bóp là tập vật lý trị liệu dẫn tới chậm trễ thời gian vàng can thiệp cho bệnh nhân.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Sang - Phó trưởng khoa Vật lý trị liệu Bệnh viện Lê Văn Thịnh - để cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc về vấn đề này.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang đang tư vấn về vật lý trị liệu cho một bệnh nhân - ẢNH: S.N.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang đang tư vấn về vật lý trị liệu cho một bệnh nhân - Ảnh: S.N.

Mỗi bệnh nhân sẽ có bài tập riêng

Phóng viên: Thưa bác sĩ, vì sao bệnh nhân tai biến rất cần được can thiệp vật lý trị liệu? Thời gian vàng để can thiệp vật lý trị liệu cho họ là lúc nào?

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Sang: Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) là tình trạng quá trình cấp máu bị gián đoạn, suy giảm khiến não bộ bị thiếu ô xy gây ảnh hưởng tới tế bào não. Nếu không được cấp cứu kịp thời, thời gian não thiếu ô xy càng kéo dài khiến các tế bào não chết càng nhiều, ảnh hưởng lớn tới các chức năng vận động, thậm chí tử vong. 80% bệnh nhân tai biến mạch máu não phải gánh chịu di chứng nặng nề như liệt nửa người, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn chức năng nuốt, đi lại khó khăn khiến người bệnh mất sức lao động nên thường rơi vào trạng thái trầm cảm. Vì thế, bệnh nhân tai biến rất cần được can thiệp vật lý trị liệu để sớm phục hồi các chức năng bị suy yếu, từ đó giúp họ có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Can thiệp vật lý trị liệu cho bệnh nhân đột quỵ tại các bệnh viện nói chung sẽ chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 trong vòng 24 giờ đầu (giai đoạn cấp), bệnh nhân được nhân viên y tế hướng dẫn các động tác đơn giản như nằm, ngồi trên giường. Ở giai đoạn 2 (48-72 giờ sau khi được xử trí đột quỵ), bác sĩ chuyên khoa vật lý trị liệu sẽ thiết kế những bài tập riêng theo tình trạng từng bệnh nhân. 

* Có thể tập vật lý trị liệu tại nhà cho bệnh nhân tai biến được không? 

- Theo tôi, người thân rất khó có thể tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân tại nhà. Tới 80% bệnh nhân tai biến xin về nhà tự tập vật lý trị liệu đều bỏ dở giữa chừng, tập sai cách (dù trước đó đã được nhân viên y tế hướng dẫn); một số khác thì bỏ luôn không tập và cứ để bệnh nhân nằm yên dẫn tới tình trạng cứng khớp, xuất hiện các vết lở loét do tì đè. Không ít trường hợp về nhà tập sai cách, gây phản tác dụng.

Cụ thể, bệnh nhân dễ bị rối loạn trương lực cơ, rối loạn khớp. Vì thế, theo tôi, bệnh nhân tai biến nên được đưa tới cơ sở y tế để tập vật lý trị liệu mỗi ngày. Tùy từng trường hợp mà bệnh nhân phải tập ít nhất 30 phút/ngày. Tất nhiên việc đi lại sẽ vô cùng vất vả, gia đình phải sắp xếp người để đưa đón bệnh nhân đi tập.

Tại khoa chúng tôi, những bệnh nhân trẻ tuổi chỉ bị hạn chế chức năng vận động nhẹ thường tự thuê xe ôm đi tập. Sau khoảng 3 tháng tập vật lý trị liệu, họ đã hồi phục và quay trở lại đi làm, đi học. Với những bệnh nhân lớn tuổi, người thân phải chở đi, đón về. Nếu gia đình có điều kiện thì nên thuê người tới nhà tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng có dịch vụ này, chi phí khoảng 200.000-300.000 đồng/lần (tùy khoảng cách). Hiện nay, tất cả các bệnh viện tuyến quận đều có chuyên khoa vật lý trị liệu. Thậm trí ngay cả trạm y tế phường cũng được đào tạo để thực hiện kỹ thuật trên.

* Nhiều người nghĩ rằng hằng ngày tự xoa bóp cho bệnh nhân cũng là cách tập vật lý trị liệu. Điều này có đúng không, thưa bác sĩ?

- Nhiều người vẫn nhầm lẫn xoa bóp với tập vật lý trị liệu. Đây là 2 hình thức hoàn toàn khác nhau, thuộc 2 chuyên ngành khác nhau. Xoa bóp là một hình thức của y học cổ truyền. Mục đích của xoa bóp là tác động lên bề mặt cơ, làm giãn cơ, giảm đau. Còn vật lý trị liệu lại dựa trên giải phẫu học: cơ nào bị yếu, cần tập thế nào để phục hồi cơ đó… Không chỉ thế, bệnh nhân có thể được tập phối hợp thêm các loại máy vật lý (sóng ngắn, xung kích) để tăng hiệu quả điều trị. 

80% sẽ hồi phục hoàn toàn nếu tuân thủ điều trị

* Bác sĩ có thể cho biết các bài tập cho bệnh nhân tai biến gồm những bước nào?

- Các bài tập được đưa ra tùy thuộc chức năng vận động của bệnh nhân. Chẳng hạn, bệnh nhân bị yếu chân sẽ được tập đứng, tập giữ thăng bằng. Khi đứng, người bệnh cần chuyển trọng lực cơ thể lên chân bị yếu. Ngoài ra, bệnh nhân cần tập gấp duỗi khớp gối, khớp háng. Nếu yếu tay, bệnh nhân cần tập duỗi mở bàn tay, cánh tay để khớp mềm hơn. 

Còn với người bị rối loạn nuốt, tình trạng bệnh được chia thành 3 mức độ. Thứ nhất là tồn đọng thức ăn trong miệng (biểu hiện chảy nước miếng). Tiếp đến là rối loạn chức năng ở vùng hầu họng (hay trào ngược thức ăn, ho…). Cuối cùng là rối loạn sâu tới vùng thực quản. Lúc này, người bệnh không khạc được, dễ bị sặc, viêm phổi. Nhìn chung, bệnh nhân rối loạn nuốt cần thay đổi tư thế khi nuốt thức ăn, tập vận động lưỡi, tập phát âm các nguyên âm, tập đẩy hàm…

Phục hồi chức năng cho người bị rối loạn ngôn ngữ là kỹ thuật vật lý trị liệu cao cấp, bệnh nhân sẽ được tập nói rõ ràng hơn. Ngôn ngữ trị liệu đòi hỏi sự kiên trì cao.

* Thưa bác sĩ, khả năng hồi phục của các bệnh nhân tai biến được can thiệp vật lý trị liệu đúng cách có cao không? 

- Mỗi ngày, Khoa Vật lý trị liệu Bệnh viện Lê Văn Thịnh điều trị cho khoảng 250 bệnh nhân cả nội và ngoại trú. Trong đó, bệnh nhân tai biến chiếm 20%. Tại đây, các bệnh nhân tai biến liệt nửa người nếu được can thiệp kịp thời, tuân thủ điều trị thì 80% sẽ hồi phục hoàn toàn. Rất nhiều bệnh nhân trẻ đã quay lại đi làm, đi học. Còn đối với các bệnh nhân lớn tuổi, mắc nhiều bệnh lý nền, việc đi lại, tự vệ sinh cá nhân, tham gia các chuyến du lịch cùng con cháu được coi là thành công.

Mới đây là trường hợp của nam bệnh nhân N.V.D. (36 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM). Anh D. là trưởng phòng tại một doanh nghiệp về chế biến thực phẩm. Sáng ngủ dậy, anh thấy nhức đầu dữ dội, miệng méo, nói đớ. Anh được gia đình đưa tới bệnh viện cấp cứu.

Bác sĩ chẩn đoán anh bị tai biến. Sau cơn đột quỵ, bệnh nhân yếu nửa người, chức năng cầm nắm ở 1 bên tay mất hẳn. 1 chân của anh cũng bị hạn chế vận động, dù có người dìu đỡ cũng chỉ có thể kéo lết khi di chuyển. Anh D. phải nghỉ làm. Vợ anh đi làm nuôi 2 con nhỏ, hằng ngày bệnh nhân tự đi xe ôm tới bệnh viện tập vật lý trị liệu.

Sau 3 tháng nỗ lực, kiên trì, từ việc phải dùng xe tập đi, nay anh D. có thể tự đi lại mà không cần ai dìu đỡ. Tuy chưa dám điều khiển phương tiện giao thông nhưng anh đã đi làm trở lại trong sự vui mừng của gia đình và đồng nghiệp. Bản thân bệnh nhân cũng không ngờ rằng mình có thể hồi phục được như thế nhờ vật lý trị liệu. Nhớ lại lúc bị hạn chế chức năng vận động, anh D. từng rất suy sụp. Anh rơi vào trạng thái trầm cảm bởi coi mình là gánh nặng cho vợ con.

Tuy nhiên, đột quỵ rất có nguy cơ tái phát nên dù qua khỏi cơn bạo bệnh, anh D. vẫn được bác sĩ khuyên phải tái khám định kỳ, tuân thủ lối sống lành mạnh (tránh thức khuya, dùng bia rượu, căng thẳng quá mức) và uống thuốc, tập luyện đầy đủ theo chỉ định. Nếu xảy ra lần đột quỵ thứ hai, nguy cơ biến chứng sẽ nặng hơn.

* Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ. 

Thanh Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI