Xin cho con được phẫu thuật chuyển giới!

31/05/2019 - 06:00

PNO - Tôi gần như khóc khi nghe giọng vợ run run trong điện thoại: “Anh ơi, Minh Hà đòi chuyển giới”.

Xin cho con duoc phau thuat chuyen gioi!
Con tôi cắt tóc ngắn, đòi mặc quần áo Tomboy. Ảnh minh họa

Minh Hà là con gái lớn của tôi. Đã 10 năm nay bố con tôi không thực sự trò chuyện cùng nhau. Những hình ảnh cũ chạy ngang qua đầu tôi như một thước phim. Con bé 13 tuổi với mái tóc bờm xờm vì tự dùng kéo cắt. “Tại sao con cắt tóc. Ai cho phép con?”, tôi giận điếng người khi thấy con mất mái tóc dài.

Đó là lần đầu tiên tôi đánh con. Cái tát đó đã chia cắt mối quan hệ của chúng tôi. Từ đó cháu tránh né nói chuyện và tôi ghim nỗi giận trong lòng, đồng thời với suy nghĩ con không có quyền giận bố. 

 Con tôi từ bé đã tự chọn quần áo để mặc, tính cách như con trai, rất hiếu động, bướng bỉnh. Tới tuổi 14, 15, cháu chống đối chúng tôi mạnh mẽ. Sợ mẹ cháu chiều con khiến con hư, tôi đóng vai ông bố nghiêm khắc, kỷ luật. Nhiều khi tôi muốn tháo bỏ cái mặt nạ đó mà tham gia vào những trò ngô nghê của bọn trẻ. Mỗi khi thấy ba mẹ con vui vẻ trò chuyện, tôi cảm giác mình như người thừa. 

Cha mẹ tôi mất sớm, tôi nếm trải đủ những thiệt thòi của đứa trẻ mồ côi và đã nỗ lực để vươn lên. Do đó, tôi luôn tâm niệm phải lo cho con thật đủ đầy chuyện học hành, ăn mặc. Vợ tôi hay nói tôi là quá khắt khe, thậm chí độc tài, chẳng chịu lắng nghe con, tôi cũng bỏ ngoài tai.  Đơn giản vì tôi thấy mình là trụ cột gia đình, đương nhiên phải kiên quyết. Dù vậy, gắng gồng mình làm người cha nghiêm khắc khiến tôi mệt nhoài và cô độc. 

Sau lần cắt tóc ngắn và bị đòn, Minh Hà không còn nói chuyện với tôi. Con dần ăn mặc quần áo Tomboy như con trai, rồi nhất định đòi chuyển trường vì trường cấp III bắt nữ sinh mặc váy. Cháu thu mình, ít bạn bè, ít nói, dù kết quả học hành vẫn tốt. Tôi không can thiệp nhiều, vì sợ những sang chấn sẽ làm cháu phản ứng mà bỏ học.

Xin cho con duoc phau thuat chuyen gioi!
Ảnh minh họa

Tốt nghiệp cấp III, cháu theo đuổi việc học nhạc chứ không học tiếp. Nhưng việc học cũng chưa có thành quả vì cháu cứ học ít lâu lại nảy sinh các mâu thuẫn về giao tiếp. 

Theo lời kể của vợ, một buổi tối, cháu vào phòng và nói ngắn gọn là cháu có nhu cầu chuyển giới. Cháu đã suy nghĩ nhiều năm nay, đã tìm đủ các tài liệu. Cháu nói chỉ có như vậy cuộc đời cháu có ý nghĩa.

Vợ tôi khóc lên khóc xuống, khi biết tin, tôi cũng rơi nước mắt. Tôi xót xa cho con và tự trách giận mình. Con gái tôi đã phải vật lộn, giằng xé cam go để đưa ra quyết định quan trọng đến vậy mà không có cha mẹ bên cạnh. Sắp tới, sẽ còn bao nhiêu khó khăn, đớn đau nữa khi cháu quyết định trở thành đàn ông? 

Quả thật, chúng tôi đã nuôi con mà không hỏi là cháu muốn gì, cháu có giải pháp gì cho các khó khăn của cháu. Tôi thường xuyên lấy việc bọn trẻ nhà tôi đã sung sướng thế nào khi có bố mẹ yêu thương và che chở, chẳng bù với thân phận mồ côi từ bé của tôi. 

Giờ khi tôi hiểu ra trẻ con cần phải cảm nhận được sự yêu thương và cảm giác an toàn để có thể chia sẻ, để phát triển chứ không phải chỉ qua những lời nói. Tiếc là khi tôi nhận ra thì con gái mình đã 23 tuổi. Cháu đã ra khỏi vòng tay của vợ chồng tôi.

Giá như 10 năm qua tôi có thể kề cận bên con, định hướng và trở thành chỗ dựa cho cháu, rất có thể con tôi đã có thể là một người sống thoải mái, tự tin, phát huy tốt năng khiếu âm nhạc của cháu và có kỹ năng giao tiếp tốt hơn.Tôi dành nhiều ngày để đọc và tìm hiểu về cộng đồng LGBT, về chuyển giới, về các nguy cơ, về các bất lợi.

Vợ chồng tôi đưa cháu đi gặp chuyên gia để tư vấn. Càng biết nhiều, càng hiểu nhiều thì càng thương con gái mình hơn. Trong suốt những tháng ngày qua cháu đã phải quẫy đạp để được là chính mình, âm thầm vượt lên các rào cản xã hội và sự kỳ thị mà không có sự chia sẻ của cha mẹ.

Việc con tôi quyết định chuyển giới là một điều không dễ chấp nhận đối với vợ chồng tôi. Nhưng đó là lựa chọn của cháu, chúng tôi có thể làm gì hơn là ủng hộ con  thay vì tiếp tục đặt thêm gánh nặng kỳ thị lên vai con?

Xin cho con duoc phau thuat chuyen gioi!
Cha mẹ độc đoán thường có con cái thiếu tự tin, hay lo lắng, sợ hãi. Hình minh họa

Cha mẹ "nhào nặn" ra nhân cách con cái

Diana Baumrin, giáo sư tâm lý học lâm sàng và tâm lý học phát triển người Mỹ cho rằng có bốn  kiểu cha mẹ điển hình và có tác động lên sự hình thành nhân cách của trẻ, bao gồm:

- Độc đoán (Authoritarian parenting): Được hiểu đơn giản là “nghe theo hoặc ra đường”. Cha mẹ thường không xem xét cảm xúc của con, không cho trẻ thương lượng, tham gia vào việc đưa ra quyết định mà chỉ muốn con tuân thủ các nguyên tắc do mình đặt ra. Kiểu cha mẹ độc tài chủ yếu sử dụng hình phạt (thay vì thưởng và khuyến khích) để nuôi dạy trẻ. Thông thường, hình phạt được đưa ra khi giận giữ. 

Con cái của những cha mẹ độc đoán sẽ hay sợ hãi, bất an, thiếu thân thiện, hay tức giận và lớn lên thường thất bại. Do sợ cha mẹ, chúng thường nói dối để tránh bị phạt. Khi lấp gia đình, chính những đứa trẻ này lại trở thành kiểu cha mẹ độc đoán.

- Uy quyền nhưng thấu hiếu (Authoritative parenting): Phong cách cha mẹ lành mạnh không khắc nghiệt hay hung hăng trừng phạt. Họ có xu hướng đàm phán với con, dành nhiều thời gian dạy con cái xây dựng mối quan hệ và kỹ năng thích ứng. Họ yêu thương con cái. Sẵn sàng giải thích cho con các lý do. Luôn ưu tiên sử dụng các chiến lược kỷ luật tích cực để tạo lập thói quen, xử sự tốt thông qua khen ngợi, phát thưởng. 

Con cái của cha mẹ kiểu này lớn lên có khả năng điều chỉnh hành vi tốt, độc lập, có trách nhiệm và có khả năng thấu cảm, có nền tảng cho sức khỏe tinh thần. Nhờ vậy, chúng thường có được cuộc sống hạnh phúc và thành công, có khả năng ra quyết định, thoải mái bày tỏ ý kiến.

- Nuông chiều (Permissive parenting): Cha mẹ thường không thiết lập ranh giới cho trẻ, thường cho mọi thứ chúng muốn. Hay nuông chiều và dễ tha thứ cho trẻ. Cha mẹ có xu hướng cần con cái phải công nhận họ là cha mẹ, và do đó vô tình trao cho trẻ quyền lực đối với cha mẹ.

Con cái được nuông chiều thường gặp nhiều khó khăn trong học tập, ít tuân thủ quy tắc, thường có vấn đề về lòng tự trọng. Nhóm được nuông chiều thường trở nên hư hỏng, sống theo cách chúng muốn và khi không đạt được điều đó, chúng nổi giận như khi còn là trẻ nhỏ. 

- Không để tâm (Neglectful, Uninvolved parenting): Cha mẹ nhóm này thường ít hỏi con cái về các hoạt động trong ngày như việc ở trường, làm bài tập ở nhà, ít dành thời gian cho con, ít biết con đang ở đâu, với ai? Cha mẹ không để tâm thường là những người quá tập trung vào công việc, không có thời gian để “làm cha mẹ”, thiếu kiến thức, bị cuốn vào thế giới của riêng họ. Trẻ lớn lên thường không có ý niệm về việc mình là ai hay làm thế nào để ứng đối với sự phức tạp của cuộc sống. Con cái thường thiếu lòng tự trọng và sự tự tin, hay sống bất cần.

Yên Lam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI