Xe từ vùng dịch vào TPHCM được giám sát ra sao?

03/08/2020 - 07:04

PNO - Dịch vụ đưa đón người từ các tỉnh có dịch COVID-19 vào TPHCM bằng ô tô cá nhân vẫn hoạt động và chưa có dấu hiệu được kiểm soát. Các chuyên gia y tế lo rằng, đây là con đường tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

 

Hành khách đi xe khách vào TPHCM phải khai báo y tế, nhưng nếu di chuyển bằng ô tô cá nhân thì không phải khai báo
Hành khách đi xe khách vào TPHCM phải khai báo y tế, nhưng nếu di chuyển bằng ô tô cá nhân thì không phải khai báo

Chỉ mới giám sát xe khách vào bến

Sáng 2/8, chúng tôi ghi nhận, lượng hành khách trên các chuyến xe khách từ miền Trung vào Bến xe Miền Đông (TPHCM) giảm đáng kể. Đa số các phương tiện đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phòng, chống dịch COVID-19 như trang bị dung dịch sát khuẩn, hành khách mang khẩu trang…

Anh Nguyễn Thạnh - tài xế xe khách tuyến Quảng Ngãi đi TPHCM - chia sẻ: “Hiện tại, TPHCM chỉ quy định dừng hoạt động xe khách tuyến Đà Nẵng nên nhà xe chúng tôi vẫn hoạt động bình thường. Dù vậy, lượng khách đi xe hôm nay giảm hơn một nửa so với ngày thường. Theo quy định, chúng tôi có trang bị dung dịch sát khuẩn. Hành khách lên xe buộc phải đeo khẩu trang”.

Được biết, từ chiều 28/7, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã yêu cầu các đơn vị vận tải, bến xe liên tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai lại các biện pháp phòng dịch như yêu cầu các xe chở khách trang bị nước rửa tay, thùng rác có nắp đậy; tất cả tài xế, tiếp viên, hành khách phải đeo khẩu trang đúng cách trong nhà ga và trên các xe; khai báo y tế trước chuyến hành trình; hạn chế nói chuyện, ăn uống trong chuyến đi, không khạc nhổ bừa bãi; khuyến khích thông gió tự nhiên, hạn chế sử dụng máy lạnh trên xe.

Từ 15g ngày 28/7, TPHCM dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh đến TP. Đà Nẵng trừ các trường hợp đặc biệt như chuyên chở bệnh nhân, chở nhu yếu phẩm.

Để giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch, hiện nay, Sở GTVT TPHCM đã thành lập hai tổ công tác giám sát ở lĩnh vực đường bộ và đường thủy, mỗi tổ gồm đại diện Thanh tra Sở GTVT (tổ trưởng), đại diện Sở Y tế (tổ phó), đại diện Công an TPHCM (tổ phó), đại diện Phòng Quản lý vận tải đường bộ hoặc Phòng Quản lý giao thông đường thủy.

Các tổ sẽ giám sát theo chỉ đạo của Bộ GTVT, UBND TPHCM tại các bến xe khách liên tỉnh, bến xe buýt, bến phà, bến thủy nội địa, các đơn vị kinh doanh hành khách vận tải bằng ô tô, phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch, tuyến cố định, xe buýt, taxi. 

Cần mở lại 24 trạm kiểm soát dịch

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi cơ quan chức năng giám sát chặt lượng xe khách liên tỉnh vào TPHCM thì “dịch vụ” đưa rước khách bằng ô tô riêng theo đường bộ từ các tỉnh miền Trung vào TPHCM vẫn hoạt động và hầu như nằm ngoài tầm giám sát.

giải pháp kiểm soát di chuyển rất hiệu quả mà TPHCM đã từng áp dụng là thiết lập 24 chốt, trạm ngăn dịch ở cửa ngõGiải pháp kiểm soát di chuyển rất hiệu quả mà TPHCM đã từng áp dụng là thiết lập 24 chốt, trạm ngăn dịch ở cửa ngõ

Trên các trang mạng xã hội ở miền Trung, nhiều người chia sẻ rằng, nếu đi bằng ô tô cá nhân vào TPHCM, sẽ không phải khai báo y tế và cách ly tại nhà theo quy định. Nhiều người công khai quảng cáo dịch vụ vận chuyển hành khách bằng ô tô cá nhân từ các địa phương có dịch vào TPHCM.

Ngày 2/8, chúng tôi gọi vào số điện thoại 0985xxxx04, được quảng cáo là có dịch vụ vận chuyển hành khách từ tỉnh Quảng Ngãi vào TPHCM. Qua điện thoại, chủ thuê bao trên cho biết, hiện đang nhận chở khách từ thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) vào TPHCM với giá 7,5 triệu đồng/xe năm chỗ ngồi. Trong khi đó, nhiều người có ô tô bảy chỗ ngồi cũng nhận “bao xe”, “ghép khách” từ tỉnh Quảng Ngãi vào TPHCM. Đáng nói, những ngày gần đây, tỉnh Quảng Ngãi đã ghi nhận một số ca dương tính với SARS-CoV-2. 

Trước tình trạng trên, nhiều chuyên gia cảnh báo, việc vận chuyển hành khách theo cách trên là một lỗ hổng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Đơn cử, một tài xế xe cấp cứu đã chở bệnh nhân 517 vào TPHCM. Sau đó, trên đường trở về, tài xế này lại “tiện đường” đón 10 người khác từ Bệnh viện quận Tân Bình về tỉnh Quảng Ngãi. Khi bệnh nhân 517 được phát hiện dương tính với vi-rút SARS-CoV-2, việc truy tìm các trường hợp tiếp xúc với tài xế rất khó khăn.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Y tế công cộng TPHCM - cho rằng, rất cần lưu ý việc di chuyển bằng ô tô cá nhân từ 4-7 chỗ từ vùng này đến vùng khác: “Nguy cơ lây nhiễm bệnh theo cách này là rất cao. Theo tôi, để hạn chế lây nhiễm, phải có quy định bắt buộc thực hiện các biện pháp tẩy trùng các phương tiện này trước khi vào TPHCM. Đó là quản lý phương tiện.

Còn với con người, bắt buộc phải khai thác bằng được thông tin những người từ vùng dịch vào TPHCM để thực hiện các biện pháp y tế cần thiết. Việc kiểm soát di chuyển là rất quan trọng nếu muốn kiểm soát tốt dịch bệnh”.

Theo bác sĩ Mai, giải pháp kiểm soát di chuyển rất hiệu quả mà TPHCM đã từng áp dụng là thiết lập 24 chốt, trạm ngăn dịch ở cửa ngõ. “Hiện nay, dịch bệnh ở TPHCM đang diễn biến phức tạp. Các ca nhiễm SARS-CoV-2 ở TPHCM đều bắt nguồn từ việc bệnh nhân từng đến vùng dịch. Do đó, cần phải tính toán phương án mở lại các chốt ngăn dịch để tạo lá chắn an toàn cho TPHCM. Phải làm từ lúc phát hiện 1-2 ca bệnh đầu tiên. Hiệu quả của các chốt ngăn dịch ra sao thì lần trước, chúng ta đã thấy rồi” - bác sĩ Mai nói thêm. 

Dùng ống thổi một lần để đo nồng độ cồn 

CSGT sẽ sử dụng ống thổi 1 lần khi đo nồng độ cồn để phòng chống dịch COVID-19
CSGT sẽ sử dụng ống thổi 1 lần khi đo nồng độ cồn để phòng chống dịch COVID-19

Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TPHCM cho biết, từ ngày 1/8 đến 31/12/2020, đơn vị sẽ phối hợp với các đội CSGT và cảnh sát trật tự công an quận, huyện thành lập các tổ tuần tra để xử lý các hành vi vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ thuộc địa bàn do PC08 đảm trách. Trong đợt cao điểm kéo dài nhiều tháng này, CSGT vẫn sẽ tập trung xử phạt người lái xe có nồng độ cồn, ma túy, tụ tập đua xe trái phép. 

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, PC08 yêu cầu cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo đảm an toàn cho người dân và lực lượng thi hành công vụ như: đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên. Về đo nồng độ cồn, PC08 sẽ không sử dụng phễu thổi để đo định tính kiểm tra nồng độ cồn mà dùng ống thổi một lần.


Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI