WHO sơ lược về nguồn gốc COVID-19

29/03/2021 - 16:15

PNO - Nghiên cứu chung của WHO-Trung Quốc về nguồn gốc của COVID-19 nói rằng việc virus truyền từ dơi sang người thông qua một động vật khác là trường hợp có khả năng xảy ra nhất.

Nhìn chung, các kết luận của báo cáo không gây ngạc nhiên và vẫn để lại nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, dù đã cung cấp chi tiết chuyên sâu hơn về lý do đằng sau kết luận của nhóm. Các tác giả đề xuất nghiên cứu sâu hơn về mọi giả thuyết, ngoại trừ giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Vào ngày 9/2, WHO và Trung Quốc tổ chức cuộc họp báo nghiên cứu chung khi kết thúc sứ mệnh điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19 ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc
Vào ngày 9/2, WHO và Trung Quốc tổ chức cuộc họp báo nghiên cứu chung khi kết thúc sứ mệnh điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19 ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc

Việc phát hành báo cáo nhiều lần bị trì hoãn, làm dấy lên câu hỏi về việc liệu phía Trung Quốc có đang cố gắng làm sai lệch kết luận, để tránh làn sóng đổ lỗi và áp lực quốc tế vì đã che dấu dịch bệnh hay không. Một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vào cuối tuần trước rằng ông dự kiến ​​báo cáo sẽ phát hành "trong vài ngày tới".

Hôm 29/3, hãng tin AP nhận được thông tin có vẻ là bản nháp gần chính xác của báo cáo từ một nhà ngoại giao công tác tại Geneva. Không rõ liệu báo cáo có thêm thay đổi gì trước khi chính thức phát hành hay không.

Các nhà nghiên cứu liệt kê bốn kịch bản về khả năng xuất hiện của loại virus có tên là SARS-CoV-2. Đứng đầu danh sách là sự lây truyền qua một con vật thứ hai, mà họ cho rằng rất có thể xảy ra. Tiếp đến, khả năng lây lan trực tiếp từ dơi sang người là có thể xảy ra, và còn khả năng lây lan qua các sản phẩm thực phẩm đông lạnh là khả thi, nhưng dường như không có cơ hội xảy ra trên thực tế.

Họ hàng gần nhất của virus gây ra COVID-19 được tìm thấy ở dơi. Tuy nhiên, báo cáo nói rằng “khoảng cách tiến hóa giữa những virus dơi này và SARS-CoV-2 được ước tính là vài thập kỷ, cho thấy một mối liên hệ còn thiếu”.

Đồng thời, các loại virus rất tương đồng cũng xuất hiện ở tê tê, nhưng cần lưu ý rằng chồn và mèo nhạy cảm với virus họ corona, điều này cho thấy chúng cũng có thể là vật trung gian mang mầm bệnh.

Báo cáo cho rằng chồn và mèo nhạy cảm với virus họ corona, điều này cho thấy chúng cũng có thể là vật trung gian mang mầm bệnh
Báo cáo cho rằng chồn và mèo nhạy cảm với virus họ corona, điều này cho thấy chúng cũng có thể là vật trung gian mang mầm bệnh

Báo cáo phần lớn dựa trên chuyến thăm Vũ Hán - thành phố Trung Quốc nơi COVID-19 lần đầu tiên được phát hiện, của một nhóm chuyên gia quốc tế do WHO dẫn đầu, từ giữa tháng 1/2021 đến giữa tháng 2/2021.

Peter Ben Embarek, chuyên gia của WHO, người dẫn đầu phái bộ Vũ Hán, cho biết hôm 26/3 rằng báo cáo đã hoàn thiện và đang được kiểm tra thực tế, dịch thuật.

“Tôi hy vọng rằng trong vài ngày tới, toàn bộ quá trình đó sẽ hoàn tất và chúng tôi có thể phát hành nó công khai,” ông nói.

Báo cáo dự thảo không đưa ra kết luận về việc liệu đợt bùng phát có bắt đầu tại chợ hải sản Vũ Hán - một trong những cụm bệnh sớm nhất - vào tháng 12/2019 hay không.

Việc phát hiện ra các trường hợp khác trước ổ dịch chợ Hoa Nam cho thấy nó có thể đã bắt đầu từ nơi khác. Nhưng báo cáo lưu ý rằng có thể có những trường hợp mắc bệnh nhẹ hơn, không bị phát hiện và đó có thể là mối liên hệ giữa ngôi chợ và các trường hợp trước đó.

Báo cáo cho biết: “Chưa có kết luận chắc chắn nào về vai trò của chợ Hoa Nam đối với nguồn gốc của ổ dịch, hoặc cách thức virus lây nhiễm vào khu chợ”.

Khi đại dịch lây lan ra toàn cầu, Trung Quốc đã tìm thấy các mẫu virus SARS-CoV-2 trên bao bì thực phẩm đông lạnh được đưa vào nước này.

Báo cáo nói rằng dây chuyền lạnh, như đã biết, có thể là nguyên nhân dẫn đến sự lây lan virus đường dài nhưng khó có thể gây ra sự bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.

Linh La (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI