WHO cảnh báo việc ngưng tiêm vắc-xin khi COVID-19 có nhiều biến chủng nguy hiểm

18/03/2021 - 10:39

PNO - Theo các nghiên cứu, những biến chủng COVID-19 mới có độc tính và khả năng lây lan cao hơn. Trong khi đó, nhiều nước tạm dừng chương trình tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca vì lo ngại biến chứng đông máu.

Cần tiếp tục tiêm chủng

Hôm 17/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhắc lại sự ủng hộ của họ đối với vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca, nói rằng lợi ích tiêm chủng nhiều hơn rủi ro. Ủy ban Cố vấn Toàn cầu của WHO về An toàn Vắc-xin sẽ tiếp tục đánh giá dữ liệu.

Trước đó hôm 15/3, các quan chức của WHO nói rằng mối đe dọa lớn nhất mà các quốc gia phải đối mặt là thiếu khả năng tiếp cận với vắc-xin chứ không phải lo ngại về cục máu đông.

Người phát ngôn của WHO, Christian Lindmeier nói: “Đến hôm nay, không có bằng chứng nào cho thấy sự cố là do vắc-xin gây ra. Điều quan trọng là các chiến dịch tiêm chủng vẫn tiếp tục để chúng ta có thể cứu sống và ngăn chặn những ca bệnh nặng do vi-rút”.

15 quốc gia châu Âu và một số quốc gia khác trên thế giới đang tạm dừng tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca vì lo ngại biến chứng đông máu
15 quốc gia châu Âu và một số quốc gia khác trên thế giới đang tạm dừng tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca vì lo ngại biến chứng đông máu

Cơ quan Dược phẩm châu Âu cũng nói rằng dữ liệu không cho thấy vắc-xin gây ra cục máu đông và mọi người nên tiếp tục được chủng ngừa.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu cho biết: “Hàng ngàn người phát triển cục máu đông hàng năm ở khu vực Liên minh châu Âu (EU) vì những lý do khác nhau. Tỷ lệ mắc bệnh ở những người được tiêm chủng dường như không cao hơn so với tỷ lệ mắc bệnh trong dân số nói chung".

Hôm 17/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết, chính phủ sẽ sớm bắt đầu lại việc sử dụng vắc-xin AstraZeneca theo khuyến nghị của Cơ quan Dược phẩm châu Âu cho phép. Hiện 15 quốc gia ở châu Âu đã ngừng tiêm thuốc dựa trên các báo cáo về cục máu đông.

Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, số trường hợp nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới là hơn 120 triệu vào chiều 17/3, với hơn 2,6 triệu trường hợp tử vong.

Các biến chủng nguy hiểm và lan nhanh hơn

Một nghiên cứu mới được báo cáo hôm 12/3 trên tạp chí Cell gợi ý rằng các kháng thể được tạo ra bởi vắc-xin Moderna Inc và Pfizer Inc / BioNTech SE kém hiệu quả hơn đáng kể trong việc vô hiệu hóa một số biến thể COVID-19 đáng lo ngại nhất.

Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu từ 99 cá nhân được tiêm một hoặc hai liều vắc-xin và kiểm tra các kháng thể do vắc-xin tạo ra chống lại các bản sao vi-rút được thiết kế để bắt chước 10 biến thể lưu hành trên toàn cầu.

5 trong số 10 biến thể "có khả năng chống trung hòa cao", ngay cả khi những người tình nguyện đã tiêm cả hai liều vắc-xin.

Tất cả 5 biến thể có khả năng kháng thuốc cao đều có các đột biến trên bề mặt virus - được gọi là K417N / T, E484K và N501Y - đặc trưng cho một biến thể lan tràn ở Nam Phi và hai biến thể lây lan nhanh chóng ở Brazil.

Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy, lượng kháng thể trung hòa giảm từ 5 đến 6 lần khi đối phó các biến thể được phát hiện ở Brazil. Đối với biến thể được phát hiện ở Nam Phi, độ trung hòa đã giảm từ 20 đến 44 lần.

Kháng thể trung hòa (NAb) là kháng thể có nhiệm vụ bảo vệ tế bào khỏi mầm bệnh. Chúng được cơ thể sản xuất tự nhiên như một phần của phản ứng miễn dịch, và quá trình sản xuất chúng được kích hoạt bởi cả nhiễm trùng và tiêm chủng vắc-xin.

Các biến chủng mới của SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan, độc lực và khả năng chống hàng rào miễn dịch mạnh hơn chủng vi-rút ban đầu
Các biến chủng mới của SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan, độc lực và khả năng chống hàng rào miễn dịch mạnh hơn chủng vi-rút ban đầu

Trong khi đó, biến thể được xác định ở Anh dường như có độc tính cao hơn. Biến thể SARS-CoV-2 lần đầu tiên được xác định ở Anh, được gọi là B.1.1.7, chết chóc hơn các biến thể khác lưu hành ở đó.

Theo một bài báo được đăng trên trang web medRxiv – chưa được đánh giá ngang hàng, nguy cơ tử vong của ca nhiễm B.1.1.7 cao hơn 67% so với các biến thể khác ở Anh. B.1.1.7 hiện đang phổ biến trên khắp châu Âu và dự đoán sẽ trở nên phổ biến ở Mỹ.

Dù vậy, các nhà nghiên cứu khẳng định: "Điều quan trọng là dữ liệu mới cho thấy rằng các loại vắc xin hiện được phê duyệt cho SARS-CoV-2 vẫn có hiệu quả chống lại B.1.1.7".

Trong khi đó, biến thể được xác định ở Brazil có khả năng lây nhiễm gấp đôi

Từ tháng 11/2020 đến tháng 1/2021 ở Manaus, Brazil, tần suất các trường hợp COVID-19 liên quan đến biến thể coronavirus P.1 đã tăng từ 0 lên 73%, và số ca nhiễm tăng gấp 4 lần so với những gì thành phố đã trải qua trong đợt đầu tiên của đại dịch.

Dựa trên dữ liệu giám sát sức khỏe quốc gia, các chuyên gia ước tính rằng biến thể P.1 có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 2,5 lần so với các biến thể trước đó lưu hành ở Manaus.

Đồng thời, họ lưu ý rằng sự lây lan của P.1 xảy ra bất chấp thực tế là 68% dân số của thành phố đã bị lây nhiễm bởi chủng SARS-CoV-2 ban đầu. Trong phân tích, nguy cơ tái nhiễm P.1 là thấp. Riêng khả năng gây bệnh nặng hoặc độc lực của biến thể vẫn chưa rõ ràng.

Ngọc Hạ  (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI