Không nên tự phun xịt hóa chất khử khuẩn nhà cửa

23/04/2020 - 20:15

PNO - Trong mùa dịch COVID-19, nắm bắt tâm lý lo lắng của người dân, các dịch vụ phun xịt khử trùng nhà cửa lại rộ lên.

 

Chỉ có nhân viên y tế sẽ tiến hành khử khuẩn và phong tỏa, cách ly theo đúng quy trình.
Chỉ có nhân viên y tế mới được tiến hành khử khuẩn và phong tỏa, cách ly theo đúng quy trình.

Chị N.T.K.V., ngụ tại Q.8, TP.HCM cho biết, vừa gọi dịch vụ trên mạng về phun xịt khử khuẩn nhà cửa, giá 1-1,5 triệu đồng cho một căn nhà diện tích 5x15m2. “Họ bảo rằng hóa chất là Cloramin B loại ngoại nhập và ngay cả ngành y tế cũng dùng để khử khuẩn nên an toàn cho sức khỏe”, chị V. kể. 

Không chỉ có dịch vụ tới tận nhà xịt hóa chất khử khuẩn mà người dân còn dễ dàng mua các loại hóa chất này về tự pha và xịt. Thậm chí, các shop bán hàng online còn hướng dẫn cách pha với tỷ lệ một lít hóa chất với 110 lít nước (thoải mái xịt). Thông tin về hóa chất không nói rõ, chỉ thấy giới thiệu rằng hóa chất nhập từ Thái Lan, thời gian diệt vi khuẩn chỉ mất một giây và lưu lại trong không khí từ 7-10 ngày sau khi xịt nên chẳng sợ gì Corona nữa.

Tiến sĩ - bác sĩ Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng: đúng là trong y tế đang dùng Cloramin B và đó là chất khử khuẩn được cho phép, nhưng ai kiểm soát được liều lượng và cách thức sử dụng nếu tự ý phun xịt? Không dùng đúng cách thì chất nào cũng có thể gây nguy hiểm.

Hệ lụy từ phun xịt hóa chất tự phát sẽ chia thành hai dạng là tổn thương trên bề mặt da và bề mặt niêm mạc. Trên bề mặt da sẽ gây viêm da kích ứng, nổi mề đay. Còn đối với niêm mạc, hóa chất có thể làm người tiếp xúc bị viêm kết mạc mắt, biến chứng nặng sẽ ảnh hưởng thị lực. Bác sĩ Vân Thanh mới ghi nhận trường hợp liên quan tới hậu quả của sử dụng hóa chất tẩy rửa, khử khuẩn. Bà P.T.D. (40 tuổi, ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM) tìm tới bác sĩ trong tình trạng nổi mề đay toàn thân. Bà D. chia sẻ, trước đó một ngày có thuê dịch vụ tới nhà xịt khử khuẩn. Ngay sau đó, bà thấy thở khó, người nổi mẩn nên tự ra tiệm mua thuốc dị ứng uống. Sau khi uống, tình trạng thở khó đỡ nhưng vẫn ngứa ngáy, khó chịu, mề đay mọc lên cả mặt sưng húp. Bệnh nhân này có tiền căn hen suyễn. 

Liên quan đến hậu quả của phun xịt hóa chất tự phát, bác sĩ Nguyễn Quang Dũng, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nguyễn Tri Phương, chỉ ra rằng, hóa chất khi phun xịt sẽ ở dạng những giọt khí dung, có thể đi sâu vào trong đường hô hấp tới tận phế quản. Chưa bàn tới hóa chất này có nguồn gốc ra sao và là hóa chất gì, nhưng nhìn chung với những người có tiền căn hen suyễn rất dễ bị khởi phát lên các cơn co thắt gây khó thở. Nếu hóa chất phun xịt dù là loại an toàn nhưng khi pha chế không đúng tỷ lệ, nồng độ hoặc lúc xịt mà các thành viên trong gia đình vẫn ở yên trong môi trường đó thì cũng có thể gây ra các triệu chứng đường hô hấp từ nhẹ tới nặng như ho, sặc, thậm chí là suy hô hấp và tử vong.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh BV Nhi Đồng 1, nhận định việc người dân tự gọi dịch vụ hoặc tự mua hóa chất về phun xịt khử khuẩn nhà cửa là không nên, gây lãng phí mà thiếu hiệu quả. Nếu trong diện nghi nhiễm hay tiếp xúc gần với người bị COVID-19 thì việc cần làm là liên hệ với cơ quan y tế địa phương qua số điện thoại đường dây nóng để được hướng dẫn. Lúc ấy, nhân viên y tế sẽ tiến hành khử khuẩn và phong tỏa, cách ly theo đúng quy trình. 

Thanh Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI