WHO: Omicron khiến chính sách "zero-COVID" của Trung Quốc không bền vững

18/05/2022 - 10:19

PNO - Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cách tiếp cận cực đoan của Trung Quốc đối với việc ngăn chặn dịch COVID-19 là không bền vững vì tính chất lây nhiễm cao của biến thể Omicron.

 

Một bé trai ở Bắc Kinh mới vừa xét nghiệm COVID-19
Một bé trai ở Bắc Kinh mới vừa xét nghiệm COVID-19

Tại một cuộc họp báo ngày 17/5 (giờ địa phương), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã mô tả chiến lược “zero-COVID” của Trung Quốc là không bền vững sau khi những nhận xét tương tự vào tuần trước đã bị Trung Quốc chỉ trích gay gắt.

"Chúng tôi biết rõ hơn về virus và chúng tôi có các công cụ tốt hơn, bao gồm cả vắc xin, vì vậy đó là lý do tại sao việc xử lý virus phải thực sự khác với những gì chúng ta đã làm lúc đầu đại dịch", Tổng giám đốc WHO nói.

Ông Tedros nói thêm rằng, virus đã thay đổi đáng kể từ lần đầu tiên được xác định ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, khi Trung Quốc phần lớn ngăn chặn sự lây lan của nó bằng cách phong tỏa toàn diện, kỷ luật nghiêm ngặt.

Tổng giám đốc WHO cũng tiết lộ, WHO đã nhiều lần tư vấn cho quan chức Trung Quốc về các chiến lược ngăn chặn COVID-19 bằng những khuyến nghị, nhưng bao giờ cũng nói thêm rằng "sự lựa chọn cách nào tùy thuộc vào mỗi quốc gia vì nó liên quan đến lựa chọn chính sách của họ".

Việc triển khai "zero-COVID" một cách cực đoan, thậm chí có người gọi là tàn nhẫn ở Trung Quốc đã gây ra sự phẫn nộ, hỗn loạn và tình trạng thiếu lương thực đáng kể ở Thượng Hải, nơi một số cư dân đã bị phong tỏa trong suốt sáu tuần.

Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO, tiến sĩ Michael Ryan, cho biết cơ quan này nhận thấy rằng Trung Quốc đã phải đối mặt với một tình huống khó khăn với COVID-19 gần đây và khen ngợi các nhà chức trách vì đã giữ số người tử vong ở mức rất thấp. "Chúng tôi hiểu tại sao phản ứng ban đầu của Trung Quốc là cố gắng ngăn chặn sự lây nhiễm ở mức tối đa nhưng chiến lược đó hiện không bền vững", ông nói. 

Theo ông Ryan, các nỗ lực tiêm chủng cần được tiếp tục và nếu xử lý dịch bằng một chiến lược cứng nhắc thì khó có thể thoát khỏi đại dịch cho bất kỳ quốc gia nào.

Chính sách zero COVID-19 của Trung Quốc
Chính sách zero COVID-19 của Trung Quốc đã khiến Thượng Hải phải phong tỏa suốt 6 tuần liền 

Người đứng đầu WHO cũng cho biết WHO đang cố gắng thuyết phục Triều Tiên và Eritrea bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19: "WHO lo ngại sâu sắc về nguy cơ lây lan thêm ở Triều Tiên và lưu ý rằng dân số chưa được tiêm chủng cùng với những người mắc các bệnh lý tiềm ẩn sẽ là nguy cơ khiến nhiều người mắc bệnh nặng, kéo theo tử vong".

Tổng giám đốc Tedros cũng tiết lộ WHO đã yêu cầu Triều Tiên chia sẻ thêm dữ liệu về đợt bùng phát ở đó nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi. 

WHO cũng đã đề nghị gửi cho cả Triều Tiên và Eritrea vắc xin, thuốc, xét nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật, nhưng cả hai nước này chưa phản hồi.

Triều Tiên mới chỉ ghi nhận đợt bùng phát dịch bệnh lần đầu tiên vào tuần trước, và hiện tại cho biết hơn 1,7 triệu người đã bị sốt. Quốc gia này không có đủ nguồn cung cấp xét nghiệm để xác nhận số lượng lớn các trường hợp COVID-19, nhưng các chuyên gia bên ngoài tin rằng hầu hết các trường hợp sốt là do SARS-CoV-2 gây ra.

Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO, tiến sĩ Michael Ryan, cho biết bất kỳ sự lây truyền không được kiểm soát nào ở các quốc gia như Triều Tiên và Eritrea có thể thúc đẩy sự xuất hiện của các biến thể mới, nhưng WHO sẽ bất lực trong việc hành động ngăn chặn trừ khi các quốc gia chấp nhận sự giúp đỡ của họ.

Thảo Nguyễn (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI