WHO cảnh báo không quốc gia nào an toàn trước COVID-19

28/02/2020 - 14:02

PNO - Hôm 27/2, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo không quốc gia nào nên phạm "sai lầm chết người" khi cho rằng mình sẽ tránh được dịch bệnh coronavirus.

"Sai lầm chết người"

Với số ca nhiễm mới được báo cáo trên khắp thế giới hiện đang vượt qua số ca tại Trung Quốc đại lục, Tổng Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus – nhận định, ngay cả các quốc gia giàu có cũng nên chuẩn bị cho những bất ngờ từ COVID-19.

Ông Tedros nói: "Không một quốc gia nào có thể cho rằng họ sẽ không gặp phải các trường hợp tương tự, đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng, theo nghĩa đen". Ông dẫn chứng trường hợp của Ý, nơi các nhà chức trách cho biết thêm 3 người đã chết, khiến cho đất nước trở thành ổ dịch tồi tệ nhất châu Âu với 17 ca tử vong và 650 ca dương tính COVID-19.

Tại thủ đô Milan, dường như người dân bản địa vẫn khá thờ ơ với việc đề phòng dịch bệnh.
Tại thủ đô Milan, dường như người dân bản địa vẫn khá thờ ơ với việc đề phòng dịch bệnh.

Ngoài việc dự trữ vật tư y tế, chính phủ Ý đã yêu cầu các trường học đóng cửa và hủy bỏ các cuộc tụ họp lớn, bao gồm các sự kiện thể thao, để cố gắng ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh.

Mặc dù các ổ dịch đáp ứng định nghĩa về đại dịch toàn cầu - lây lan rộng khắp một khu vực rộng lớn - cho đến nay, WHO vẫn cố gắng không sử dụng thuật ngữ này. Ông Tedros chỉ nói với các phóng viên ở Geneva, "virus này có khả năng gây đại dịch". Iran, Ý và Hàn Quốc đang ở "thời điểm quyết định". Dịch bệnh vẫn thiếu sự lây lan nhanh trong cộng đồng để được coi là đại dịch.

Các chính trị gia gấp rút ứng phó

Tại Úc, Thủ tướng Scott Morrison đã ra lệnh cho các bệnh viện đảm bảo đủ nhân viên y tế, thiết bị bảo hộ. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét sử dụng quyền lực đặc biệt để nhanh chóng yêu cầu các nhà máy mở rộng sản xuất mặt nạ và quần áo bảo hộ cho liên bang.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cố gắng cảnh báo người dân khi số trường hợp được báo cáo tại Pháp tăng gấp đôi: "Chúng ta đang có một cuộc khủng hoảng trước mắt. Một đại dịch đang trên đường đến".

Đức cũng đã cảnh báo về một dịch bệnh sắp xảy ra. Và Hy Lạp - cửa ngõ cho những người tị nạn từ Trung Đông và xa hơn nữa - đã tuyên bố kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn.

Nỗi lo dịch bệnh đã lan đến Pakistan, khi người dân bắt đầu tự giác đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân.
Nỗi lo dịch bệnh đã lan đến Pakistan, khi người dân bắt đầu tự giác đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân.

Tác động kinh tế tiêu cực

Bị ảnh hưởng bởi tác động đến Trung Quốc, trung tâm của chuỗi cung ứng doanh nghiệp cho nhiều quốc gia khác, chứng khoán thế giới chìm sâu vào sắc đỏ hôm 27/2 và giá dầu tiếp tục giảm.

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm trong sáu ngày liên tiếp, “xóa sạch” hơn 3,6 nghìn tỷ USD giá trị vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) - Gloria Guevara - cho biết hôm 27/2, dịch coronavirus sẽ khiến du lịch thế giới thiệt hại ít nhất 22 tỷ USD do khách du lịch Trung Quốc giảm chi tiêu.

Ngành du lịch thế giới ước tính sẽ thiệt hại ít nhất 22 tỷ USD do dịch bệnh COVID-19.
Ngành du lịch thế giới ước tính sẽ thiệt hại ít nhất 22 tỷ USD do dịch bệnh COVID-19.

Bà Gloria Guevara nói thêm: "Tính toán này dựa trên kinh nghiệm của các cuộc khủng hoảng trước đây, chẳng hạn như SARS hoặc H1N1, và dựa trên những tổn thất xuất phát từ thực tiễn khách du lịch Trung Quốc đã không đi du lịch trong những tuần gần đây".

Con số thua lỗ là kịch bản lạc quan nhất được dự kiến ​​bởi nghiên cứu được công bố vào ngày 11/2 bởi Oxford Economics.

Nhưng thiệt hại có thể tăng gấp đôi, lên tới 49 tỷ USD nếu cuộc khủng hoảng kéo dài bằng với đại dịch SARS - bùng phát vào tháng 11/2002 và được kiểm soát vào tháng 7/2003. Con số thậm chí còn tăng lên 73 tỷ USD nếu nó tồn tại lâu hơn.

Các nền kinh tế có khả năng bị ảnh hưởng nhất sẽ là những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào du lịch Trung Quốc, như Hồng Kông và Ma Cao, Thái Lan, Campuchia và Philippines.

Tấn Vĩ (Theo CNA, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI