Với vợ chồng trẻ, thời gian là nguyên nhân lớn nhất khiến họ ngại tăng nhân khẩu gia đình

05/07/2017 - 09:49

PNO - Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, TP.HCM là địa phương đi đầu cả nước về cân bằng giới tính nhưng lại là TP sinh đẻ ít nhất cả nước, bình quân một phụ nữ đẻ 1,46 con.

Nguyên nhân chủ yếu do đâu? Những bà mẹ trẻ cho biết:

Sinh con đâu đơn giản như việc trồng một cái cây và bỏ công chăm tưới. Sinh con là cả một giai đoạn người phụ nữ phải đối mặt với rất nhiều sự thay đổi trong cơ thể, thậm chí với cả tính mạng.

Bản thân tôi là một người từng sinh mổ nên tôi hiểu rõ sự nguy hiểm khi "vượt cạn", và cả những di chứng của thuốc tê, thuốc mê trong lúc mổ lấy con. Sau đó là cả một chuỗi ngày dài tôi quanh quẩn với tã, sữa, con ốm, sốt, nôn mửa hay thức trắng đêm vì trời oi bức, việc cho con ăn học và dành thời gian làm bạn với con... Vì vậy, việc sinh con là một quyết định không đơn giản mà mỗi đôi vợ chồng cần suy nghĩ kỹ càng.

Cuộc sống của chúng ta đã khác với thế hệ ông bà. Nếu ngày xưa một gia đình có 6, 8 hay thậm chí mười hai người con là chuyện bình thường, nhưng ngày nay, mỗi gia đình gần như chỉ có một hoặc hai con.

Nhiều đôi vợ chồng trẻ vẫn còn níu kéo thời gian son rỗi và chẳng mặn mà với chuyện sinh con. Với họ, thời gian chính là nguyên nhân lớn nhất khiến họ e ngại với việc "gia tăng nhân khẩu" trong gia đình.

Chị Đỗ Thanh Thuỷ - 34 tuổi - Trưởng Bộ môn whushu TP.HCM, sống tại quận Gò Vấp - TP.HCM: Vợ chồng tôi lên kế hoạch sinh con sau 6 tháng cưới nhau, đó cũng là khoảng thời gian ổn định và làm quen với cuộc sống hôn nhân. Con trai đầu lòng của chúng tôi năm nay 8 tuổi, tôi cũng đang lưỡng lự trước việc sinh bé thứ hai.

Phần vì tuổi cũng không còn trẻ, phần khác quan trọng hơn là việc sinh con chiếm quá nhiều thời gian của tôi. Tôi nhớ lúc sinh bé Tít, tôi đang là huấn luyện viên của đội tuyển whushu thành phố, việc đâu có nằm yên đợi mình?!

Voi vo chong tre, thoi gian la nguyen nhan lon nhat khien ho ngai tang nhan khau gia dinh
Gia đình nhỏ 3 người của chị Đỗ Thanh Thuỷ

Tôi từng căng thẳng đến mức stress vì phải quây quần nào con nào việc cơ quan. Con trên 6 tháng tuổi thì hiếu động hơn nên việc trông con càng vất vả hơn 6 tháng đầu. Dù ông xã làm kinh doanh nên cũng tranh thủ phụ giúp tôi nhiều việc, nhưng quả thật, hai vợ chồng xoay sở cách mấy cũng không thể đủ thời gian được.

Vợ chồng tôi cũng đã nghĩ đến chuyện thuê người giúp việc, nhưng để thuê được người như ý thì không phải chuyện dễ. Người ta ăn, ở, sinh hoạt ngay trong nhà mình, lại kề cận con mình thì không thể thuê người xa lạ, còn người quen thì kiếm mỏi mắt cũng không ra. May sao có người hàng xóm đồng ý giúp tôi chăm bé Tít, nếu không tôi cũng không biết phải làm thế nào. Con không thể bỏ mặc, việc thì cũng không, đó là lý do mà tôi không dám nghĩ đến việc sinh thêm con nữa.

Anh Trương Võ Minh Khương và chị Ngô Thị Bích Kiều - 32 tuổi - Quản lý cửa hàng kinh doanh thực phẩm tại TP.HCM: Chúng tôi quê ở miền Tây, yêu nhau hơn 7 năm và cưới nhau được 2 năm. Dĩ nhiên cả hai vợ chồng tôi đều mong chờ con mình chào đời. Nhưng muốn là một việc, còn nên thực hiện lúc nào lại là việc khác.

Hiện nay, vợ tôi làm trong một cơ quan nhà nước, còn tôi làm về mảng kinh doanh. Lương ổn định nhưng còn phải trang trải tiền thuê nhà, sinh hoạt phí như điện, nước, ăn uống... Gia đình lại ở xa, ba mẹ lại lớn tuổi.

Voi vo chong tre, thoi gian la nguyen nhan lon nhat khien ho ngai tang nhan khau gia dinh
Anh Minh Khương và chị Bích Kiều hiện đang sống tại quận 11 - TP.HCM

Nếu sinh con xong thì có lẽ vợ tôi phải nghỉ ở nhà để trông con. Lúc đó, nhiều khả năng chúng tôi sẽ gặp khó khăn về mặt kinh tế. Do đó, tôi muốn cố gắng làm việc nhiều hơn để tích cóp một số vốn kha khá hơn, có thể vay thêm để mua nhà an cư trước, rồi mới dám nghĩ đến việc sinh con.

Nhiều bạn bè của tôi đã có một, hai đứa con đều than rằng nuôi con thời buổi này tốn không ít chi phí. Tôi không muốn con mình sinh ra lại không được chăm sóc tốt, nên thà chậm mà chắc.

Bản thân tôi cũng không dự tính sinh thêm bé thứ hai. Tôi là một nhân viên trong lĩnh vực truyền thông, 30 tuổi và là mẹ của một cậu con trai 3 tuổi. Gia đình thường hay nửa đùa nửa thật là "nhà có đủ nếp tẻ mới vui, sinh thêm cho thằng nhóc có em chơi cùng".

Nhưng sau khi sinh con và trải qua một đêm phẫu thuật bằng cả thuốc tê và thuốc mê, tôi quyết định sẽ không làm "tập hai" nữa. Thật ra, việc "vượt cạn" một phần cũng do cơ địa và thời điểm, đó không phải là lý do quan trọng nhất đưa đến quyết định không tăng "nhân khẩu" của tôi, mà quan trọng là việc nuôi dạy con và đam mê mà tôi đang theo đuổi.

Voi vo chong tre, thoi gian la nguyen nhan lon nhat khien ho ngai tang nhan khau gia dinh
Tôi hiện đang rất hài lòng với cuộc sống của mình, không giàu tiền nhưng giàu thời gian

Có vài người trách tôi ích kỷ khi nghĩ đến bản thân, tôi  cho rằng họ cũng đúng một phần. Nhưng với tôi, tôi muốn nuôi dạy và chăm sóc con trong niềm vui và sự thoải mái, có như vậy con tôi mới được "lan truyền" sự lạc quan, vui sống ấy mà bước vào đời.

Muốn như vậy, tôi cần giảm bớt sự vất và mà chính mình bày ra, và trong chuyện này, đó là không "nhân đôi" hình ảnh bà mẹ bỉm sữa, thay vào đó, tôi sẽ dành thời gian cho công việc viết lách và đi du lịch cùng con trai. 

Voi vo chong tre, thoi gian la nguyen nhan lon nhat khien ho ngai tang nhan khau gia dinh
Tôi muốn dành thời gian "làm bạn" và cùng con trải nghiệm cuộc sống này hờn là bày đồ chơi và tã, sửa trong bốn bức tường

Tựu trung, việc các gia đình trong xã hội ngày nay ngày càng có ít con hay không muốn sinh con đều quanh quẩn ở các lý do: thời gian và tiền bạc. Nếu cho rằng sinh con hay không phụ thuộc vào "quan điểm" cũng không sai, nhưng chẳng phải quan điểm cũng được đúc thành từ những mong muốn của bản thân trong cuộc sống này sao?!

Bảo Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI