Vở kịch hôn nhân?

01/04/2016 - 07:24

PNO - Kết hôn hay chia tay là chuyện rất riêng tư của mỗi người, mỗi gia đình, không phải người trong cuộc sẽ không sao hiểu hết.

Phiên tòa đã kết thúc nhưng nhiều người dự khán vẫn chưa chịu ra về. Tụm ba tụm năm, họ xôn xao bàn tán về nội dung vụ án. Có người khẳng định: “Đó là vở kịch!”, người khác chen ngang: “Thật tội cho ông chồng!”. “Đáng đời!” - giọng một người phụ họa…

1. Những người dự khán ấy vừa được chứng kiến phiên xử ly hôn, tranh chấp tài sản giữa ông Lê Hoài Phong(*) và bà Trần Thị Ngọc Linh. Cộng với cái oi bức của tiết trời chiều tháng Ba là sự ngột ngạt bao phủ căn phòng đang dồn ứ những đối đáp hơn thua giữa hai người từng là chồng vợ. Bà Linh - người “khởi xướng” đơn ly hôn kể, khi đến với nhau, ông Phong đã qua cuộc hôn nhân đổ vỡ; lại hơn bà 18 tuổi nên chuyện của hai người không được ai ủng hộ.

Họ lén lút yêu nhau, chẳng màng một đám cưới; đến tháng 12/2014 thì đưa nhau đến ủy ban phường xin đăng ký kết hôn và mua một ngôi nhà làm tổ ấm riêng. Chung sống không lâu, họ nhận ra tuổi tác quá chênh lệch đã khiến vợ chồng phát sinh nhiều mâu thuẫn nên thống nhất ly hôn.

Vấn đề của họ là tài sản. Bà Linh trưng ra xấp giấy tờ gồm hợp đồng lao động không thời hạn ký với một công ty năm 2001 cùng một bảng thu nhập trong sáu tháng gần nhất, mỗi tháng hơn 20 triệu đồng, quả quyết: “Một nửa ngôi nhà là tiền tôi dành dụm nhiều năm qua”. Ông Phong bất ngờ đứng bật dậy, nói to: “Cô thôi diễn kịch đi! Cô thì làm gì có tiền. Căn nhà đó dù vợ chồng đứng tên nhưng mua bằng tiền của ai thì chính cô ta là người rõ nhất”.

Vo kich hon nhan?
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Ông Phong khai tiếp: “Trước khi kết hôn với cô Linh, tôi đã có một căn nhà. Cô ta nói không muốn về sống trong căn nhà tôi và vợ cũ từng sống nên khuyên tôi bán đi. Chiều ý cô ta, tôi bán căn nhà kia và mua lại căn nhà khác khi vừa đăng ký kết hôn xong, tất nhiên là bằng tiền tôi bán căn nhà cũ của mình”. Sau đó, ông Phong còn nhiều lần cố nói thêm, tất cả chỉ là màn kịch được dựng lên bởi bàn tay của bà Linh; bằng chứng là giấy tờ nhà vừa hoàn tất cũng là lúc bà Linh nằng nặc đòi ly hôn, chia tài sản. Bà Linh cũng chẳng vừa, cố chứng minh nhà được mua có một nửa công sức của mình.

Bà còn mếu máo: “Trên đời có ai dại dột đánh đổi cuộc đời mình với vật chất vô tri không?”. Tòa nghị án, giải thích tài sản tạo dựng trong hôn nhân là của chung, tuyên chấp nhận thuận tình ly hôn giữa hai người, tài sản chia đôi. Người vợ trẻ quày quả ra về. Ông chồng ngồi nán lại, bao thất vọng, bức xúc, phẫn nộ như dồn nén thành những cái run người giận dữ.

2. Cũng thất vọng, bức xúc, phẫn nộ, cũng ngồi nán lại trước phán quyết không được như mong muốn; nhưng sau phiên ly hôn cách đây gần hai năm, bà Hồ Tuyết Mai - người vợ trước của ông Phong - không run người giận dữ, mà chỉ có những dòng nước mắt tủi buồn, tuyệt vọng. Tôi từng là người dự khán cuộc chia tay đó.

18 năm chồng vợ, ông Phong và bà Mai có với nhau hai người con và tài sản là hai căn nhà cùng một dãy nhà trọ. Một ngày, ông nói hết yêu vợ, đã ngoại tình và tự viết đơn xin ly hôn. Mặc sự van nài của bà Mai, mong ông nghĩ đến hai đứa con - một đang chuẩn bị thi vào đại học, một chuyển cấp lên lớp 10; ông Phong vẫn tuyên bố: “Thi cử, công danh đều do… số phận, liên quan gì đến quyết định của tôi”. Kết quả là trong nửa năm chờ đợi phiên ly hôn của bố mẹ, hai người con ấy, một trượt đại học, một suốt ngày đóng cửa nhốt mình trong nhà…

Phiên tòa sau đó tuyên họ không còn là vợ chồng, ông Phong giành được căn nhà lớn, bà Mai sở hữu căn nhà nhỏ và khoản tiền được thối lại theo chênh lệch giữa hai căn nhà; còn dãy nhà trọ, họ đồng thuận tặng lại các con. Sau phiên tòa hôm ấy, ông Phong bước ra khỏi phòng, gọi to: “Linh”, người phụ nữ đứng chờ sẵn bên ngoài đón ông bằng nụ cười rạng rỡ; trong lúc bà Mai vẫn ngồi lặng trong phòng xử, mặt nhòe nước mắt. Ba tháng sau, ông Phong đi bước nữa…

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI