Virus SARS-CoV-2 đã có nhiều biến chủng, biểu hiện nặng hơn

11/03/2020 - 15:43

PNO - Đó là thông tin được báo cáo tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, ghi nhận tại Ý đã có 4 biến chủng của virus SARS-CoV-2, khác với virus được xác định tại Vũ Hán (Trung Quốc).

Ngày 11/3, báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho biết, tính đến 20g ngày 10/3, thế giới đã ghi nhận 114.191 trường hợp mắc COVID-19 tại 104 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 7 quốc gia đã ghi nhận trên 1.000 trường hợp mắc, gồm: Trung Quốc (80.756); Ý (9.172); Hàn Quốc (7.513); Iran (7.161); Pháp (1.412); Tây Ban Nha (1.231) và Đức (1.224).

Tổng số người tử vong vì COVID-19 trên thế giới là 4.019, trong đó tại Trung Quốc đại lục là 3.136 người; Ý 463, Iran 237, Hàn Quốc 54, Pháp 30, Tây Ban Nha 30, Mỹ 27… So với ngày 9/3 số mắc tăng 3.933, tử vong tăng 191 trường hợp.

Đáng chú ý, Ban chỉ đạo cũng nhấn mạnh về việc xuất hiện nhiều biến chủng của virus SARS-CoV-2. Tại Ý đã xác định đồng thời có 4 biến chủng của virus này, khác với loại virus được xác định tại Vũ Hán (Trung Quốc). Ghi nhận từ bệnh nhân thứ 17 trở về từ Ý và bệnh nhân thứ 20 (F1 của bệnh nhân 17) có biểu hiện viêm phổi rõ nét, biểu hiện nặng hơn so với bệnh nhân đến từ Anh.

Toàn cảnh cuộc họp của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19.
Toàn cảnh cuộc họp của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 - Ảnh: VGP

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh tại châu Âu; công tác kiểm soát dịch tễ tại cửa khẩu; quản lý người xuất nhập cảnh; tổ chức cách ly người từ vùng có dịch nhập cảnh vào Việt Nam; kiểm soát biên giới; giám sát, phát hiện người bệnh tại cộng đồng; công tác chuẩn bị tại các bộ, ngành để sẵn sàng ứng phó với các tình huống mới; khôi phục lại một số đường bay quốc tế…

Qua thảo luận, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất phải kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam. Tất cả các trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam, kể cả người Việt Nam và người nước ngoài, đều phải khai báo y tế bắt buộc, nếu khai báo gian dối sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Với người nước ngoài, vừa phải tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế, vừa phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Do đó, nếu khai báo y tế bắt buộc không đúng theo quy định của Việt Nam về kiểm soát dịch bệnh thì sẽ phải chịu các hình thức xử phạt hành chính, thậm chí trường hợp gây hậu quả lây nhiễm trong cộng đồng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại cuộc họp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Để ngăn chặn dịch bệnh từ đường hàng không, các hãng hàng không của Việt Nam quy định bắt buộc hành khách phải đeo khẩu trang từ khi ngồi trên máy bay cho đến khi đã vào Việt Nam và làm thủ tục nhập cảnh. Còn đối với các hãng hàng không nước ngoài thì phải có khuyến nghị mạnh mẽ, khi hành khách đã vào cảng hàng không làm thủ tục nhập cảnh thì bắt buộc phải đeo khẩu trang. Các cảng hàng không sẽ phát khẩu trang miễn phí cho hành khách.

Với khách quá cảnh tại Việt Nam, các cảng hàng không quốc tế phải bố trí khu vực phục vụ riêng. Nếu hành khách thuộc diện nghi ngờ, tuổi cao có bệnh nền, người có triệu chứng dịch tễ… tuyệt đối không được nhập cảnh. 

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải khuyến nghị lái xe các phương tiện giao thông công cộng (đặc biệt là lái xe taxi) phải đeo khẩu trang, yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang…

Phân tích diễn biến dịch bệnh tại châu Âu, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng bàn luận vấn đề có nên báo cáo cấp thẩm quyền cho phép tổ chức cách ly tập trung đối với những người đến từ khu vực này hay không. 

Theo các chuyên gia y tế, dịch bệnh ở khu vực này rất phức tạp, số ca mắc bệnh và tử vong tăng nhanh; khí hậu ở châu Âu mùa này rất dễ cho virus SARS-CoV-2 phát triển; người dân châu Âu có thói quen tự do đi lại, không đeo khẩu trang nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao.

Đại diện Bộ GTVT nêu ý kiến tại cuộc họp. (Ảnh: VGP)
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải nêu ý kiến tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Về vấn đề này, Ban Chỉ đạo cho rằng bản chất việc tổ chức cách ly là sàng lọc, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm để thực hiện biện pháp ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Chúng ta cũng không cực đoan cho rằng tất cả mọi người đến từ các nước châu Âu đều là người có nguy cơ, chỉ cách ly những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh, đó là những người đã đi qua vùng dịch, ổ dịch, có tiếp xúc gần với người đã đi qua vùng dịch...

Vì lý do đó, Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao thống nhất các địa điểm được coi là vùng dịch, ổ dịch COVID-19 để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI