Vì sao các nước châu Âu tranh giành vắc-xin COVID-19 của Nga và Trung Quốc?

20/02/2021 - 13:15

PNO - Nếu như Anh đã tiêm chủng cho ít nhất 15 triệu người, thì nhiều quốc gia châu Âu khác vẫn đang chờ đợi để nhận được những lô hàng vắc-xin đầu tiên.

Cụ thể, Kosovo, Montenegro, Bosnia và Herzegovina vẫn đang chờ đợi để nhận được lô hàng vắc-xin đầu tiên, trong khi việc triển khai tiêm chủng ở Albania và Bắc Macedonia cho đến nay chỉ giới hạn ở vài trăm người.

Vắc xin Sputnik V của Nga vẫn chưa được chấp thuận sử dụng ở Liên minh châu Âu.
Vắc xin Sputnik V của Nga vẫn chưa được chấp thuận sử dụng ở Liên minh châu Âu

Các nước khu vực Tây Balkan là đồng minh quan trọng và có thể là thành viên tương lai của Liên minh châu Âu (EU), nhưng họ đã bị loại khỏi kế hoạch phân phối vắc-xin trước mắt của khối. 

EU đã bảo đảm hơn 2,3 tỷ liều vắc-xin COVID-19 từ nhiều công ty sản xuất khác nhau và cho biết họ sẽ chia sẻ một số liều này với những nước khác. EU cũng dành 70 triệu euro (tương đương 85 triệu USD) cho khu vực Tây Balkan để mua vắc-xin nhưng việc triển khai đã bị chậm và trì hoãn. Bởi các quốc gia giàu cũng đang ưu tiên hàng đầu cho chương trình tiêm chủng rộng rãi trong nước, trước khi giúp các nước nghèo hơn tiếp cận nguồn cung vắc-xin.

Bản thân các nước Tây Balkan cũng đã tham gia kế hoạch COVAX của WHO nhằm phân phối vắc-xin công bằng toàn cầu. Tuy nhiên, với nguồn cung hạn chế của chương trình, có nghĩa là trọng tâm chính của COVAX là 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không đủ khả năng mua vắc-xin nếu không có kinh phí và các nước Tây Balkan không nằm trong số đó nên chỉ có thể nhận khoảng 850.000 liều vắc-xin.

Đối mặt với những chờ đợi dai dẳng, Serbia, quốc gia lớn nhất trong số 6 nước thuộc Tây Balkan, đã tự giải quyết vấn đề và tìm kiếm vắc-xin ở nơi khác. Và Trung Quốc và Nga đã sẵn sàng bước vào cuộc.

Chính phủ Serbia cho biết Trung Quốc cho đến nay đã cung cấp cho nước này 1,5 triệu liều vắc-xin Sinopharm, đưa quốc gia có quy mô 7 triệu dân vươn lên vị trí dẫn đầu cuộc đua tiêm chủng toàn cầu. Khoảng 850.000 người đã được chủng ngừa COVID-19 ở Serbia tính đến hết ngày 16/2. Phần lớn trong số họ nhận được vắc-xin của Trung Quốc, mặc dù chính phủ Serbia chia sẻ họ cũng đã nhận  90.000 liều vắc-xin Sputnik V của Nga và 40.950 liều vắc-xin Pfizer / BioNtech. 

Theo CNN, với những thành công bước đầu từ Serbia, trong thời gian tới các quốc gia khác thuộc Tây Balkan nhiều khả năng sẽ thúc đẩy hợp tác và tranh giành các nguồn cung vắc-xin từ Nga và Trung Quốc.

Minh Hương (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI