Vẹo cột sống ở trẻ: Đừng để phát hiện quá trễ

10/10/2022 - 06:20

PNO - Bác sĩ chuyên khoa II Trương Anh Mậu - Phó khoa Bỏng Chỉnh hình Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cảnh báo có tới 80% trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên đến khám vẹo cột sống được phát hiện bệnh đã ở giai đoạn nặng, không thể điều trị bảo tồn mà phải phẫu thuật.

Vẹo cột sống nặng gây chèn ép tim, phổi

Cách đây vài ngày, bác sĩ Trương Anh Mậu đã thực hiện phẫu thuật nắn chỉnh vẹo cột sống cho bé gái N.T.M. (13 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh). Hai năm trước, M. đã được mẹ đưa đi khám vẹo cột sống ở phòng khám gần nhà vì vai em bên cao bên thấp. Sau đó, do vướng dịch COVID-19, việc theo dõi điều trị cho M. bị ngắt quãng. Gia đình em cứ tưởng chỉ cần điều chỉnh dáng ngồi, tập luyện thể dục thể thao là có thể cải thiện được cho em. Thế nhưng, tình trạng của M. ngày một nặng lên, người bé gái ẹo hẳn qua một bên. Bệnh nhi còn khó thở lúc gắng sức, đau lưng mạn tính. 

Hình X-quang cột sống của một bệnh nhi bị cong vẹo, phải phẫu thuật - ẢNH: T.H.
Hình X-quang cột sống của một bệnh nhi bị cong vẹo, phải phẫu thuật - Ảnh: T.H.

Lúc này, M. được mẹ đưa tới Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám. Bệnh nhi được làm Adams test (phương pháp sàng lọc vẹo cột sống). Kết quả chụp X-quang cột sống và đo mức độ vẹo cột sống của bệnh nhi khá nặng. Cột sống của M. bị vẹo 58 độ, ảnh hưởng khả năng vận động và thẩm mỹ. Bác sĩ quyết định trường hợp của M. không thể điều trị bảo tồn mà phải phẫu thuật. Ca phẫu thuật nắn chỉnh cột sống cho M. diễn ra trong gần 5 tiếng đồng hồ. 

Đây là cuộc đại phẫu, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên khoa. Trước tiên là những vấn đề của khâu gây mê. Phổi của bệnh nhi đang bị chèn ép nên thông khí rất kém, bác sĩ gây mê phải tính toán chính xác để quá trình gây mê không làm ảnh hưởng tới hệ thống tuần hoàn của cơ thể bé. Tiếp đến, phía sau cột sống có những rễ thần kinh đi ra; nên phẫu thuật viên cần hết sức cẩn trọng trong lúc mổ, tránh làm tổn thương những rễ thần kinh này...

Một tuần sau mổ, bé M. đã bớt đau, có thể đi lại được. Các bác sĩ đã nắn chỉnh được cột sống của bệnh nhi từ cong vẹo 58 độ về mức 5 độ. Thông thường, cột sống cong lệch từ 10 độ thì mới xác định là vẹo cột sống. Như vậy, cột sống của bé gái đã hoàn toàn hồi phục.

Phụ huynh chú ý để phát hiện sớm

Những trường hợp đến khám vẹo cột sống ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 chủ yếu ở độ tuổi thanh thiếu niên và đa phần là nặng. Trước đó, tình trạng vẹo cột sống của các bệnh nhi này đã âm thầm khởi phát nhưng cha mẹ không để ý. Ngoài ra, nhiều phụ huynh nhầm lẫn giữa vẹo cột sống học đường với vẹo cột sống bệnh lý. Nếu là vẹo cột sống học đường xuất phát từ nguyên nhân tư thế ngồi sai, mang cặp sách nặng thì dễ điều trị. Nếu vẹo cột sống do bệnh lý thì việc điều trị khó hơn nhiều. 

Giáo viên, phụ huynh cần lưu ý nhắc trẻ ngồi học đúng tư thế để phòng vẹo cột sống (trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Phú Thọ, Q.11 trong giờ học) - ẢNH: P.T.
Giáo viên, phụ huynh cần lưu ý nhắc trẻ ngồi học đúng tư thế để phòng vẹo cột sống (trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Phú Thọ, quận 11 trong giờ học) - Ảnh: P.T.

Vẹo cột sống do bệnh lý ở trẻ gồm nhiều loại: bẩm sinh, vô căn và do bệnh lý thần kinh cơ. Trong ba loại này, tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 ghi nhận những trẻ bị vẹo cột sống vô căn chiếm gần 80% và chủ yếu phát hiện ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Vẹo cột sống vô căn nếu được phát hiện sớm từ trước tuổi dậy thì, đa số trẻ chỉ cần mặc áo nẹp, can thiệp vật lý trị liệu. Thế nhưng, nếu phụ huynh đưa trẻ đi khám trễ ở độ tuổi đã dậy thì sẽ khiến quá trình can thiệp gặp nhiều khó khăn. Ở độ tuổi dậy thì, bệnh này khởi phát rất nhanh, hầu hết phải can thiệp bằng phẫu thuật.

Hiện nay, mỗi tuần Bệnh viện Nhi Đồng 2 xếp lịch mổ cho từ 1-2 trường hợp trẻ bị vẹo cột sống vô căn có độ vẹo lớn. Ngoài ra, còn rất nhiều bé đang được theo dõi và can thiệp bằng phương pháp vật lý trị liệu. 

Bệnh vẹo cột sống ở trẻ có thể do ngồi học sai tư thế, mang vác cặp sách nặng (vẹo cột sống học đường); nhưng cũng có rất nhiều trường hợp vẹo cột sống bệnh lý như đã nêu trên. Khi phụ huynh phát hiện con bị lệch vai, dáng đứng và dáng đi bất thường, hay than đau lưng thì nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được xác định chính xác nguyên nhân, từ đó có chỉ định điều trị phù hợp. 

Phụ huynh cũng cần kiểm tra kích thước bàn ghế ngồi học đã phù hợp với trẻ hay chưa, cặp sách của con có bị nặng quá hay không. Nếu bàn ghế quá nhỏ và thấp thì khi ngồi trẻ sẽ phải khom người gây gù lưng. Còn cặp sách quá nặng làm trẻ bị căng mỏi cơ nên sẽ có phản xạ tự nhiên là ẹo người để giảm đau, lâu dài gây ảnh hưởng tới cột sống.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI