Bài 3: Rạp Nguyễn Văn Hảo - những dấu son trong ký ức người Sài Gòn

05/12/2018 - 08:30

PNO - Thời đó, các đoàn hát muốn diễn ở Nguyễn Văn Hảo phải có tuồng tích hay, cảnh trí đẹp. Bầu gánh được về Nguyễn Văn Hảo cũng tìm mọi cách để làm sân khấu, tuồng tích của gánh hát mình sang trọng, hoành tráng hơn.

100 năm cải lương -  Ký ức một thuở vàng son

100 năm hình thành và phát triển, cải lương đã trải qua những thăng trầm - từng bước lên ngôi cao vinh quang, đánh bại cuộc xâm lấn của điện ảnh từ Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ; từng chịu cảnh eo sèo. Đứng ở cột mốc 100 năm, nhìn lại, có những tên gọi mà khi nhắc đến là như đi vào khu vườn ký ức với nhiều cảm xúc đan xen, lẫn lộn.

Bài 1: Rạp Hưng Đạo: đại bản doanh của Thanh Minh - Thanh Nga

Bài 2: Olympic quanh năm sáng đèn

Nhắc rạp hát cải lương của Sài Gòn xưa, nhiều nghệ sĩ sẽ nói ngay đến Nguyễn Văn Hảo - một thánh đường, nơi những người làm cải lương có thể thỏa sức sáng tạo, để cải lương đủ sức cạnh tranh với phim ảnh đại vĩ tuyến của các nước, thập niên 1950 - 1960.

Bai 3: Rap Nguyen Van Hao - nhung dau son trong ky uc nguoi Sai Gon
Rạp Nguyễn Văn Hảo năm 1966. Ảnh tư liệu

Nhiều tài liệu cũ ghi nhận rạp Nguyễn Văn Hảo được khởi công xây dựng từ thập niên 1940, có 1.200 chỗ ngồi, với một trệt và hai lầu. Sân khấu sâu 10m, ngang 16m, được ví như “hàng không mẫu hạm” của cải lương Sài Gòn.

Thời đó, các đoàn hát muốn diễn ở Nguyễn Văn Hảo phải có tuồng tích hay, cảnh trí đẹp. Bầu gánh được về Nguyễn Văn Hảo cũng tìm mọi cách để làm sân khấu, tuồng tích của gánh hát mình sang trọng, hoành tráng hơn.

Khi nhiều gánh hát xây dựng sân khấu đại vĩ tuyến bằng cách mở rộng sân khấu theo chiều ngang hoặc chiều sâu, soạn giả Năm Châu chọn mở rộng chiều sâu và chiều cao trong tuồng Tây Thi - Gái nước Việt.

Bai 3: Rap Nguyen Van Hao - nhung dau son trong ky uc nguoi Sai Gon
Một hình ảnh rạp Nguyễn Văn Hảo ngày xưa. Ảnh tư liệu

Một sân khấu nhỏ, cao 1,2m, được dựng thêm trên nền sân khấu chính, trang trí thành tầng lầu cao nhất của Cô Tô đài, với đủ mái che, cột rồng ở bốn góc. Ông cũng sử dụng kỹ thuật ánh sáng, máy chiếu để tạo cho khán giả cảm giác như đang theo dõi câu chuyện ở tầng cao nhất của Cô Tô đài, nơi có trời xanh, khói trắng và cả những đám mây trôi bồng bềnh.

NSƯT Nam Hùng kể, thời còn nhỏ, ông mê mẩn những vở tuồng của đoàn Hoa Sen, do bầu Bảy Cao làm chủ. Chuyên làm tuồng về đề tài chiến tranh, chỉ có Nguyễn Văn Hảo mới có sân khấu đủ rộng để bầu Bảy Cao mang cả cánh máy bay lên sân khấu, phối hợp với máy chiếu phim cảnh máy bay ném bom, xe tăng, xe lửa, bắn súng, tập trận… lên phông hậu, tạo thành một sân khấu hoành tráng, khiến khán giả phải trầm trồ.

Bai 3: Rap Nguyen Van Hao - nhung dau son trong ky uc nguoi Sai Gon
Một thời nơi đây là điểm thu hút đông đảo khán giả cải lương. Ảnh tư liệu

Cùng với những thành công trong sáng tạo, để lại nhiều ấn tượng cho khán giả, rạp Nguyễn Văn Hảo cũng từng xảy ra sự cố từ chính khát vọng làm mới sân khấu của bầu gánh.

Sự cố lớn nhất xảy ra với ông bầu Bảy Cao. Thập niên 1950, làm một sân khấu quay là điều không tưởng, nhưng ông Bảy Cao đã thành công khi “chế” một sân khấu quay trên sân khấu có sẵn ở Nguyễn Văn Hảo trong tuồng Mộng hòa bình. Sân khấu quay hoạt động thủ công, dựa trên sức kéo của sáu công nhân hậu đài. Khán giả chen lấn mua vé.

Ký giả kịch trường không tiếc lời khen ngợi sân khấu quay đầu tiên của Việt Nam. Nhưng ở tuần thứ hai, sân khấu quay được nửa chừng thì... đứng yên. Có lẽ do sáu nhân viên hậu đài gắng sức đẩy quá mạnh nên bánh răng bị trật, cảnh trí đổ ập xuống, khiến một nữ nghệ sĩ bị thương.

Trước đó, gánh Hương Mùa Thu cũng từng gặp tai nạn khi hát tuồng Lá của rừng xanh. Ông bầu - soạn giả Thu An đã cho đẩy lùi phần cánh gà hai bên chỉ còn 3m để mở thêm không gian.

Bai 3: Rap Nguyen Van Hao - nhung dau son trong ky uc nguoi Sai Gon
 

Phía trước, một sàn sân khấu rộng 2m được đóng thêm, che khoảng nửa hố nhạc của nhạc công. Ký giả thời đó gọi sân khấu của đoàn Hương Mùa Thu là sân khấu panorama. Do sức chịu đựng của phần sàn làm thêm yếu, trên sân khấu lại có quá nhiều diễn viên.Ở một cảnh múa, khi các diễn viên tràn ra phần sân khấu làm thêm, cộng với những động tác mạnh, phần sàn này bị sập. May là không ai bị thương nặng.

NSƯT Thanh Điền nói, khi làm bầu, ông học rất nhiều ở soạn giả Thu An trong cách quảng bá, thu hút khán giả tới rạp. Những tấm pa-nô, băng-rôn quảng cáo tuồng tích của bầu Thu An ở Nguyễn Văn Hảo luôn tạo ấn tượng đặc biệt, kích thích sự tò mò của người xem.

Lần Hương Mùa Thu hát tuồng Ngôi nhà ma, một tấm băng-rôn vẽ ngôi nhà đầy ma mị, thả từ tầng trên xuống phủ hết mặt tiền. Bầu Bảy Cao quảng bá tuồng Mộng hòa bình bằng hình ảnh sân khấu từ từ đổi màn trên sân khấu quay.

100 năm cải lương không chỉ có những ký ức đầy sắc màu của cải lương thời vàng son mà còn là chuyện các soạn giả, nghệ sĩ, bầu gánh… dùng cải lương như vũ khí chiến đấu. Một trong những cuộc đấu tranh đó đã diễn ra ở rạp Nguyễn Văn Hảo cách đây hơn 60 năm.

Đêm 19/12/1955, một vụ ném lựu đạn vào nghệ sĩ đã xảy ra tại rạp Nguyễn Văn Hảo, khi đoàn Kim Thoa khai trương bằng tuồng Lấp sông Gianh của soạn giả Kinh Luân. Không phải ngẫu nhiên đoàn Kim Thoa chọn ngày 19/12 - Ngày toàn quốc kháng chiến - để khai trương bảng hiệu với câu chuyện dã sử thời Trịnh - Nguyễn và sự kiện lấy sông Gianh phân chia đất nước. Lấp sông Gianh là khát vọng thống nhất đất nước của tác giả và những người làm nghề.

Gần cuối tuồng, khi đến lớp diễn hai nửa bản đồ Việt Nam từ từ ráp lại để Việt Nam liền một dải, hai nhân vật chính Từ Vũ - Thơ Đào vui vẻ cùng mọi người lấp sông Gianh, một trái lựu đạn từ lầu một ném thẳng vào sân khấu. Vụ nổ làm nghệ sĩ Ba Cương, nhà báo Nguyễn Mai thiệt mạng tại chỗ và một công nhân hậu đài mất vài ngày sau đó. Nghệ sĩ Duy Lân bị mất một chân đến đầu gối. Nghệ sĩ Thiên Kim, danh ca Sáu Thoàn bị dính miểng lựu đạn và khoảng 50 người khác bị thương.

Vụ ném lựu đạn gây phẫn nộ trong dư luận bấy giờ. Xuất hát dừng nửa chừng, gánh Kim Thoa cũng đóng cửa không lâu sau đó. Nhưng tất cả không làm giảm tinh thần đấu tranh của văn nghệ sĩ Sài Gòn. Sau Lấp sông Gianh, nhiều tuồng cải lương yêu nước tiếp tục ra đời: Người mặt cháy, Nhụy hoa lan, Người nghèo trong khói lửa, Cây tương tư, Con cò trắng, Sau trận bom… dù có vở bị cấm hát, có vở bị rút giấy phép sau vài xuất hát.

Bai 3: Rap Nguyen Van Hao - nhung dau son trong ky uc nguoi Sai Gon
Rạp Nguyễn Văn Hảo chính là rạp Công Nhân ngày nay.

Sau năm 1975, rạp Nguyễn Văn Hảo đổi tên thành Công Nhân. Thập niên 1990, rạp Công Nhân được cải tạo, trở thành trụ sở của Nhà hát kịch TP.HCM và hiện đang xuống cấp trầm trọng.

Nhìn lại một rạp hát đã gần 70 năm tuổi, chợt ước mơ một ngày nơi đây lại nhộn nhịp với những xuất hát chật kín khán giả, mơ một ngày sân khấu lại như thánh đường để nghệ sĩ bay bổng sáng tạo, chinh phục công chúng. Ước mơ có quá viển vông? 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI