Ngày Gia đình Việt Nam 28/6

Vẫn cứ hạnh phúc cùng nhau…

29/06/2022 - 10:04

PNO - 28/6 không chỉ là ngày tôn vinh giá trị của gia đình mà còn là dịp để chúng ta tự hào với hạnh phúc ta có được từ gia đình mình.

 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Nghị định 122/2018/NĐ-CP đưa ra ba nhóm với 24 tiêu chí để quyết định xét duyệt danh hiệu gia đình văn hóa. Nhưng, tiêu chí để xét duyệt danh hiệu gia đình hạnh phúc thì không có, bởi hạnh phúc không phải là thứ dễ dàng kiểm đếm, cũng không có mẫu số chung cho mọi gia đình.

Từ năm 2001, Việt Nam chính thức lấy 28/6 làm ngày Gia đình Việt Nam - ngày để tôn vinh giá trị gia đình, tế bào của xã hội. Tuy nhiên, đây lại là ngày buồn tủi của những người mẹ đơn thân, những người cha bước ra từ các gia đình đổ vỡ.

Tôi từng chứng kiến những giọt nước mắt trong ngày 28/6 của nhiều người, đặc biệt là nhiều người mẹ đang một mình nuôi con, cố cười nói rổn rảng mà lòng cứ vụn vỡ khi nghĩ đến con - những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình khuyết, chịu nhiều tổn thương sau cuộc đổ vỡ của cha mẹ.

Tôi nghĩ mãi về danh hiệu “Gia đình hạnh phúc”. Dường như chẳng ai trao chúng cho những gia đình khuyết bởi chuẩn hạnh phúc của xã hội vẫn cứ là gia đình phải đủ đầy cả cha lẫn mẹ. Định kiến xã hội luôn dán nhãn cho những gia đình khuyết một hạnh phúc không lành lặn. 

Sai rồi! Chúng ta có thể đo đếm việc một gia đình có xứng đáng nhận bằng khen Gia đình văn hóa hay không nhưng chúng ta không thể định lượng được một gia đình hạnh phúc. Một gia đình có bằng Gia đình văn hóa nhưng những thành viên của nó không cảm thấy hạnh phúc thì đó vẫn không thể gọi là gia đình hạnh phúc.

Tôi đã gặp những gia đình mà người ta gọi là gia đình khuyết. Một thời, gia đình đó đủ cha, đủ mẹ nhưng rỗng ruột bởi người cha đi biền biệt, hễ về là bạo hành vợ, đánh mắng con. Người phụ nữ trong gia đình đó đã quyết định buông tay với cuộc hôn nhân.

Những ngày tháng sau, cô cảm thấy hạnh phúc hơn khi cắt bỏ những muộn phiền từ người chồng độc hại. Con của cô cũng hạnh phúc hơn khi chứng kiến nụ cười trở lại trên môi mẹ.

Không còn bận bịu, đau lòng với người chồng không xứng đáng, người phụ nữ đó đã có thể toàn tâm cho con. Hai mẹ con cũng có thể thành một gia đình bởi hạnh phúc của họ lúc này trọn vẹn. Gia đình khuyết nhưng hạnh phúc lại đầy.

Tôi cũng đã gặp những gia đình 20 năm sống không có con cái. Họ chỉ có hai vợ chồng nhưng vẫn lấp lánh hạnh phúc trong mắt. Dù người ta vẫn nói gia đình phải mang trách nhiệm duy trì nòi giống cho đất nước, cho loài người thì cũng không thể nói họ không là một gia đình khi họ vẫn yêu thương, trân trọng nhau; họ vẫn phụng dưỡng cha mẹ hai bên; họ vẫn đóng góp cho xã hội. Và, quan trọng, họ vẫn hạnh phúc bên nhau. Sao cứ bắt họ phải có con thì mới được công nhận là một gia đình hạnh phúc?

Tôi vẫn nghĩ rằng, mỗi chúng ta mới chính là người quyết định việc mình sẽ hạnh phúc thế nào trong ngày Gia đình Việt Nam. Dù bạn đang sở hữu một gia đình hạt nhân hiện đại, nơi chỉ có hai thế hệ chung sống hay khi bạn đang sống trong một gia đình truyền thống tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường, miễn là bạn hạnh phúc. Dù bạn đang một mình nuôi con hay bạn không có con cái, miễn là bạn hạnh phúc. Dù đó là một gia đình ghép nơi có cha dượng/mẹ kế - con riêng, miễn là bạn hạnh phúc. Hay kể cả khi đó là một gia đình cơm rau qua ngày nhưng nhìn nhau bằng ánh mắt lấp lánh. 

Giàu nghèo không quyết định mức độ hạnh phúc.

28/6 không chỉ là ngày tôn vinh giá trị của gia đình mà còn là dịp để chúng ta tự hào với hạnh phúc ta có được từ gia đình mình. Bao gồm cả những gia đình khuyết và những gia đình dư - nơi hai người đàn ông hoặc hai phụ nữ sống cùng nhau, coi nhau như vợ chồng, chúng ta vẫn là một gia đình và nhiệm vụ của chúng ta vẫn cứ là hạnh phúc cùng nhau. 

Hoàng Anh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI