Vắc-xin Pfizer hiệu quả 94% trong thực tế, Mỹ chuẩn bị tung vắc-xin Johnson & Johnson vào tuần tới

25/02/2021 - 06:30

PNO - Một cuộc thử nghiệm thực tế được đánh giá độc lập về vắc-xin COVID-19 của Pfizer ở hơn nửa triệu người, cho thấy vắc-xin có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các bệnh nghiêm trọng hoặc tử vong do dịch bệnh gây ra, ngay cả sau khi tiêm một liều.

Vắc-xin Pfizer hiệu quả 94% trong thực tế

Kết quả từ một chiến dịch tiêm chủng hàng loạt ở Israel được công bố vào ngày 24/2, đưa ra lời cam đoan mạnh mẽ về những lợi ích của vắc-xin Pfizer trong thử nghiệm được sử dụng rộng rãi ở nhiều độ tuổi và tình trạng sức khỏe.

Cụ thể, vắc-xin ước tính là có hiệu quả 57% trong việc ngăn ngừa bất kỳ triệu chứng nào của COVID-19 từ hai đến ba tuần sau liều đầu tiên và 94% sau một tuần hoặc hơn cho liều tiêm thứ hai.

Các nghiên cứu và thử nghiệm rộng rãi tiếp tục chứng minh độ hiệu quả cao của vắc-xin Pfizer.
Các nghiên cứu và thử nghiệm rộng rãi tiếp tục chứng minh độ hiệu quả cao của vắc-xin Pfizer

Ngoài ra, vắc-xin Pfizer còn có hiệu quả lên đến 92% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng sau hai mũi tiêm và 62% sau một mũi. Uớc tính công dụng của vắc-xin trong việc ngăn ngừa tử vong là 72% từ hai đến ba tuần sau mũi tiêm đầu tiên, tỷ lệ hiệu quả có thể cải thiện khi khả năng miễn dịch tăng lên theo thời gian. Đồng thời, vắc-xin có công hiệu ngang nhau ở những người trên 70 tuổi và người trẻ tuổi.

Tiến sĩ Buddy Creech của Đại học Vanderbilt đồng ý: “Ngay cả sau một liều tiêm, chúng tôi có thể thấy hiệu quả rất cao trong việc ngăn ngừa tử vong”.

Với kết quả mới này, tiến sĩ cho rằng có thể thúc đẩy việc cân nhắc trì hoãn mũi tiêm vắc-xin thứ hai. Hiện Vương quốc Anh đang cố gắng tiêm một liều thay vì hai liều cho những người đã mắc COVID-19 như Pháp đang làm, để mở rộng chủng ngừa cho người dân.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh gần 600.000 người từ 16 tuổi trở lên trong tổ chức chăm sóc sức khỏe lớn nhất của Israel, những người đã được tiêm vắc-xin vào tháng 12 hoặc tháng 1 với số lượng tương đương những người có cùng độ tuổi, giới tính và sức khỏe không tiêm vắc-xin. Không ai trong số những người được chủng ngừa trước đó có kết quả xét nghiệm dương tính với virus.

Mỹ chuẩn bị tung vắc-xin Johnson & Johnson vào tuần tới

Điều phối viên phản ứng COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient cho biết Hoa Kỳ dự kiến sẽ tung ra 3-4 triệu liều vắc-xin COVID-19 của Johnson & Johnson vào tuần tới, trong khi chờ sự cấp phép của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA).

Với vắc-xin Johnson & Johnson bổ sung này sẽ giúp chính quyền của Tổng thống Joe Biden tăng tốc trong mục tiêu tiêm chủng rộng rãi trên toàn quốc, khi tìm cách kiểm soát đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 500.000 người ở Hoa Kỳ và gây ảnh hưởng xấu lên nền kinh tế nước này.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) dự kiến cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin Johnson & Johnson trong tuần này.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) dự kiến cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin Johnson & Johnson trong tuần này

Trong ngày 24/2, FDA cũng báo cáo vắc-xin một liều Johnson & Johnson có vẻ an toàn và hiệu quả trong các thử nghiệm, mở đường cho việc phê duyệt sử dụng khẩn cấp ngay trong tuần này.

Được biết, công ty sản xuất Johnson & Johnson có hợp đồng cung cấp 100 triệu liều vắc-xin cho Hoa Kỳ vào cuối tháng 6. Chính quyền Biden đã nói với các thống đốc rằng họ sẽ phân bổ khoảng 2 triệu liều đầu tiên cho các bang. Phần còn lại sẽ được chuyển đến các chương trình phân phối của liên bang, chẳng hạn như các trung tâm y tế cộng đồng và hiệu thuốc liên bang.

Jeff Zient cho biết thêm chính phủ đã giải quyết được tình trạng tồn đọng trong việc phân phối vắc-xin sau ảnh hưởng của những cơn bão mùa đông đổ bộ vào Texas tuần trước.

Trong khi đó, các quan chức chính quyền cũng chia sẻ số liệu thống kê cho thấy các trường hợp mắc mới COVID-19, nhập viện và tử vong ở Hoa Kỳ đang có xu hướng giảm. Theo Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, số ca nhiễm mới virus hàng ngày ở Mỹ trong tuần qua trung bình giảm xuống còn khoảng 64.000 người.

Chung Thu Hương (theo AP và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI