Tư vấn tâm lý học đường, phải bài bản, chuyên nghiệp

30/09/2022 - 07:09

PNO - Công tác tư vấn tâm lý cho học sinh được quan tâm nhiều hơn kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT (ngày 18/12/2017) hướng dẫn thực hiện công tác này. Dù vậy, hiệu quả của công tác này vẫn là dấu hỏi lớn.

Nhiều trường học bố trí phòng tư vấn tâm lý cho học sinh nhưng do thiếu nhân sự chuyên ngành nên hiệu quả chưa cao (trong ảnh: Chuyên gia tâm lý trò chuyện với học sinh tại chương trình “Nói với em về tuổi chúng mình” do Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp tổ chức tại Trường THCS Qui Đức, H.Bình Chánh, TPHCM, ngày 26/9) - Ảnh: Phùng HUY
Nhiều trường học bố trí phòng tư vấn tâm lý cho học sinh nhưng do thiếu nhân sự chuyên ngành nên hiệu quả chưa cao (trong ảnh: Chuyên gia tâm lý trò chuyện với học sinh tại chương trình “Nói với em về tuổi chúng mình” do Báo Phụ Nữ TPHCM phối hợp tổ chức tại Trường THCS Qui Đức, H.Bình Chánh, TPHCM, ngày 26/9) - Ảnh: Phùng Huy

Gỡ “nút thắt tâm lý” cho học sinh

Năm học trước, một nữ sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TPHCM) bị sốc khi cha mẹ ly hôn. Nữ sinh này ở với cha nên có những vấn đề khó tâm sự dẫn đến trầm cảm. Khi cha có bạn gái mới, mẹ có bạn trai, nữ sinh này thấy mình như bị bỏ rơi, càng trầm cảm nặng và đã tự gây thương tích cho mình. Ở trường, em không giao tiếp với bạn bè, không quan tâm hoạt động chung của lớp. Nhận thấy học sinh này có vấn đề, giáo viên chủ nhiệm đã đưa đến phòng tham vấn tâm lý.

Đầu tiên, nhân viên phòng tham vấn tâm lý của trường (là sinh viên thực tập của Khoa Tâm lý, Trường đại học Sư phạm TPHCM) trò chuyện, lấy đầy đủ thông tin về nữ sinh này. Sau đó, chính nữ Phó khoa Tâm lý của Trường đại học Sư phạm TPHCM trực tiếp điều trị tâm lý bằng cách phối hợp với cha, mẹ nữ sinh, nhà trường và tập thể lớp để giúp nữ sinh này thấy được quan tâm, yêu thương, từ đó tự tin, thoải mái, cởi mở hơn. Sau một học kỳ, nữ sinh này đã hòa nhập tốt với tập thể lớp, nghĩ thoáng hơn về thực tại của mình và thông cảm hơn với cha, mẹ mình.

Cô Thúy Anh - giáo viên Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh  (TP.Hà Nội) - tư vấn  tâm lý cho học sinh
Cô Thúy Anh - giáo viên Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (TP.Hà Nội) - tư vấn tâm lý cho học sinh

Cô Vũ Thị Thúy Anh - giáo viên phòng tham vấn tâm lý học đường Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (TP.Hà Nội) - vẫn nhớ câu chuyện một học sinh tìm đến cô bởi mẹ em bị stress sau khi ly hôn, dần dần có xu hướng bạo lực và em trở thành nạn nhân.

Em trở nên lầm lì, tiêu cực hơn. Mặc dù biết đang là năm học cuối cấp, em không muốn học lực đi xuống nhưng lại không thể tập trung học được. Cô Thúy Anh đã chăm chú lắng nghe những chia sẻ của em một cách tôn trọng, không phán xét. Bằng những kỹ năng của mình, cô giúp học sinh này thấy rằng, em là người có những điểm đặc biệt và xứng đáng được yêu thương.

Vốn là người luôn suy nghĩ cho người khác nên nữ sinh này chưa từng nói với mẹ về việc mình buồn, bị tổn thương khi gia đình tan vỡ. Cô Thúy Anh đã giúp nữ sinh này mở lòng hơn và biết cách chia sẻ tâm sự của mình. Cô cũng hướng dẫn em cách lập ra lộ trình học tập. Ba tháng sau, nữ sinh này vui mừng cho biết, mẹ em đã lắng nghe và quan tâm đến tâm sự, cảm nghĩ của em và cuối tuần, mẹ con đã cùng nhau đi chơi; cha em cũng thường xuyên gọi điện thoại hỏi han sức khỏe, việc học nên mối quan hệ cha con gắn kết hơn. Khi có thể chia sẻ được câu chuyện với bạn bè, tâm trạng của em cũng không còn u ám và tiêu cực như trước, kết quả học tập cũng tốt dần lên.

Hai nữ sinh nói trên là những trường hợp may mắn được giáo viên, nhà trường phát hiện sớm, can thiệp kịp thời khi các em gặp biến cố gia đình. Thực tế, vẫn còn nhiều học sinh bị tổn thương tâm lý nhưng không biết giãi bày cùng ai và một số đã có những hành xử tiêu cực, để lại những hậu quả đáng tiếc. 

Giáo viên không thể làm thay nhà tâm lý 

Ông Hà Hữu Thạch - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - nhận định: “Với trường hợp nữ sinh kể trên, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời hệ lụy có thể là đáng tiếc”. Ông cho biết thêm, công tác tư vấn học đường cũng như phòng tư vấn học đường đã được nhà trường triển khai bốn năm nay: “Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ về nhân sự, chuyên môn của Khoa Tâm lý, Trường đại học Sư phạm TPHCM. Sự phối hợp này rất hiệu quả, giúp giải tỏa được sớm nhất những khúc mắc tâm lý của học sinh”.

Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) ra mắt phòng tham vấn học đường
Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) ra mắt phòng tham vấn học đường

Từ khi Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ra đời, các trường đã thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh và bố trí phòng tư vấn tâm lý. Tuy vậy, theo ông Hà Hữu Thạch, cái thiếu hiện nay là thiếu đội ngũ tư vấn viên, chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp để giải quyết vấn đề theo khoa học chứ không phải theo kinh nghiệm cá nhân hay theo cảm tính. 

Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các trường phổ thông về công tác tư vấn học đường, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục thuộc Ðại học Quốc gia Hà Nội - cho biết hiện nay, đa số phòng tham vấn tâm lý học đường chưa đảm bảo được chức năng tư vấn tâm lý bởi chúng không có tính chất riêng tư, không được trang bị tiêu chuẩn tạo ra môi trường thoải mái và chữa lành tâm lý học trò. Ở nhiều trường, học sinh nhìn phòng này như một nơi mà chỉ khi học sinh bị tâm thần hay bị phạt mới ghé vào. 

Ngoài ra, theo ông, ở các phòng tư vấn tâm lý, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý nên chính họ cũng bị quá tải công việc, không thể bình tâm để lan tỏa năng lượng tích cực đến các học sinh đang gặp vấn đề về tâm lý. Hơn nữa, muốn tư vấn tâm lý hiệu quả, giáo viên cũng phải cập nhật chuyên môn. Vừa làm giáo viên chủ nhiệm, vừa làm nhà tâm lý sẽ dẫn đến mâu thuẫn vai trò. Chẳng hạn, giáo viên chủ nhiệm có xu hướng tìm ra điểm chưa đúng, chưa hay của học sinh để giáo dục, thay đổi hành vi, còn nhà tâm lý chấp nhận học sinh, tìm cách tạo sự tin tưởng để học sinh nói ra ẩn ức đang giấu kín. 

Cũng theo phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam, phòng tư vấn tâm lý chỉ có vai trò cung cấp cách thức giải quyết vấn đề hoặc cung cấp một số thông tin về tình bạn, tình yêu để định hướng cho học sinh tự giải quyết. Nhưng khi học sinh bị các vấn đề tâm lý học như trầm cảm, lo âu thì giáo viên sẽ không đủ năng lực để điều trị.

Ông nói: “Nếu thực sự coi trọng sức khỏe tinh thần của học sinh thì phải bố trí người làm công tác tư vấn tâm lý chuyên nghiệp. Người đó phải có vị trí xứng đáng và phải có con đường phát triển, bởi mình yêu cầu họ phải học tập liên tục, tư vấn đáp ứng nhu cầu. Vì thế, giải pháp là phải có người chuyên trách công tác tư vấn tâm lý học đường chứ không kiêm nhiệm, phải ban hành bộ quy chuẩn về phòng tư vấn tâm lý học đường để đảm bảo đó là không gian chữa lành cho học sinh, có tiêu chuẩn về năng lực của những người tư vấn tâm lý”.

Đề xuất giáo viên tâm lý phụ trách cụm trường

Ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - đề xuất: “Cần có mạng lưới tư vấn tâm lý rộng khắp, chuyên sâu và có người đủ chuyên môn theo dõi. Chúng ta cần có cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động tư vấn tâm lý trong trường học”.  

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam hiến kế: “Trong bối cảnh cần tinh giản biên chế, có thể áp dụng mô hình linh hoạt, chẳng hạn như một giáo viên tâm lý phụ trách liên trường miễn đủ tiết, tức là hoạt động theo cụm trường. Điều quan trọng là các sở giáo dục và đào tạo phải chấp nhận mô hình này và điều phối nhân sự”. 

Xây dựng quy trình xử lý tình huống khẩn cấp

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam, một số nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra rằng, trong đại dịch COVID-19, tỷ lệ người mắc chứng lo âu, trầm cảm tăng gấp 5-7 lần so với bình thường. Sau thời gian dài học online, khi quay lại trường, học sinh có thể mang những tổn thương tâm lý đến trường. Nếu không nhận diện sớm và có biện pháp hỗ trợ phù hợp, học sinh có thể dễ bộc phát hành vi bạo lực hoặc dễ có ý tưởng tự sát. Do đó, mỗi trường nên có quy trình xử lý tình huống khẩn cấp để ngăn chặn hiệu quả các hành vi tiêu cực có thể xảy ra.

Đại Minh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI