Trung Quốc gia tăng liên tục vũ khí, tàu "khủng" để thách thức Mỹ?

21/07/2020 - 09:01

PNO - Trung Quốc liên tiếp tung ra các tàu tấn công đổ bộ thế hệ mới, tăng cường thủy quân lục chiến trong vài năm qua.

Trung Quốc phô diễn sức mạnh quân sự

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang chuẩn bị mở rộng thách thức quyền lực với Mỹ trên toàn cầu.

Các xưởng đóng tàu Trung Quốc gần đây đã cho ra mắt 2 tàu tấn công đổ bộ Type 075 phục vụ cho PLA. Theo các chuyên gia quân sự phương Tây, Type 075 là một trong những tàu đổ bộ lớn nhất thế giới, nặng 40.000 tấn, dài khoảng 250m, có thể chở tới 900 binh sĩ và 30 trực thăng các loại.

Giống như Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, 2 tàu đổ bộ mới này giúp PLA có thể chiến đấu từ xa và thể hiện sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Trung Quốc hạ thủy tàu tấn công đổ bộ Type 075 thứ 2, ngyaf 22/4.
Trung Quốc hạ thủy tàu tấn công đổ bộ Type 075 thứ hai vào ngày 22/4

Trong khi đó, cạnh tranh quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gay gắt. Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo tuyên bố hầu hết các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh ở Biển Đông là bất hợp pháp, trái với quy định quốc tế. Đáp trả, Trung Quốc cho biết lập trường của Mỹ càng làm gia tăng căng thẳng, bất ổn trong khu vực.

Dù vẫn còn thua xa Mỹ nhưng tốc độ gia tăng quân sự của Trung Quốc đang làm thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á. Trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã tăng cường triển khai kho tên lửa, hạm đội tàu ngầm và mặt đất. Quá trình hiện đại hóa của PLA diễn ra nhanh chóng hơn khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang mở rộng lực lượng thủy quân lục chiến dưới sự chỉ huy của Hải quân PLA. Ước tính của quân đội Nhật Bản và Mỹ, Trung Quốc đang có khoảng 25.000-35.000 lính thủy đánh bộ, so với con số 10.000 trong năm 2017.

Khi các tàu Type 075 đi vào hoạt động sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường tầm ảnh hưởng chính trị ngay từ xa bờ, ngăn chặn kẻ thù, bảo vệ các khoản đầu tư và công dân của quốc gia này ở nước ngoài. Đồng thời, chúng cũng được sử dụng cho công tác cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo nhằm tạo dựng uy tín và quyền lực mềm cho Trung Quốc.

Quan trọng hơn, giới quan sát cảnh báo tàu Type 75 còn hỗ trợ đắc lực cho Trung Quốc tăng năng lực thực hiện hoạt động đổ bộ tấn công nhắm vào Đài Loan hoặc các đảo đá tại Biển Đông trong trường hợp xảy ra chiến sự.

Tham vọng toàn cầu

Trung Quốc hiện đang có nhiều khoản đầu tư lớn ở nước ngoài, những lợi ích thương mại này sẽ tăng lên gấp bội khi Bắc Kinh thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường - tham vọng đưa Trung Quốc trở thành trung tâm của các tuyến giao thương toàn cầu.

Trung Quốc mong muốn xây dựng các căn cứ quân sự chiến lược trên khắp thế giới. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Bắc Kinh đã triển khai thủy quân lục chiến và xe bọc thép tới căn cứ đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti trên vùng Sừng châu Phi (nơi giao nhau của các tuyến hàng hải quan trọng, gồm tuyến hàng hải qua Bab El Mandeb và vịnh Aden).

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết, lực lượng hàng hải của Trung Quốc hiện được chia thành 7 lữ đoàn, mỗi đoàn đều có bộ binh, pháo binh, tên lửa và áo giáp. Thủy quân lục chiến được Bắc Kinh xây dựng còn có thể đồng thời chiếm giữ nhiều hòn đảo đang tranh chấp ở Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông).

“Trong 10 năm nữa kể từ bây giờ, Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ có các đơn vị hàng hải được triển khai tại nhiều địa điểm trên toàn thế giới. Tham vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc là toàn cầu. Trung Quốc có kế hoạch gửi đơn vị quân đội đến bất cứ nơi nào có lợi ích chiến lược toàn cầu”, Ian Easton - quan chức cấp cao của Viện nghiên cứu dự án 2049 (Mỹ) cảnh báo.

Cho đến nay, chỉ có Hoa Kỳ độc quyền, thường xuyên gửi các lực lượng viễn chinh biển của Thủy quân lục chiến tới các nước đồng minh để triển khai tập trận, huấn luyện chung và cứu trợ thảm họa.

Chung Thu Hương (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI