Trung Quốc chật vật và lúng túng khi nối lại sản xuất

17/02/2020 - 10:02

PNO - Từ ngày 18/2, ngoại trừ tỉnh Hồ Bắc còn tiếp tục bị phong tỏa, khoảng 160 triệu người Trung Quốc ở nhiều tỉnh thành dự kiến sẽ đi làm trở lại.

Từ ngày 18/2, ngoại trừ tỉnh Hồ Bắc còn tiếp tục bị phong tỏa, khoảng 160 triệu người Trung Quốc ở nhiều tỉnh thành dự kiến sẽ đi làm trở lại. Tuy vậy, nhiều địa phương đang rơi vào tình trạng khó xử trước yêu cầu khẩn cấp nối lại sản xuất giữa lúc sự lây lan của Covid-19 (bệnh viêm phổi do chủng vi-rút Corona mới) thậm chí còn tăng nhanh hơn…

Đi làm lại, không đơn giản

Một quan chức ở Bộ Giao thông Trung Quốc cho biết, từ hôm 10/2, đã có 38 trong số 428 thành phố mở cửa lại hệ thống giao thông sau nhiều tuần đình trệ. Bộ Giao thông sẽ cho khử trùng và vệ sinh các ga tàu, kiểm tra thân nhiệt hành khách, đồng thời giới thiệu quy trình truy xuất nguồn gốc và đăng ký của hành khách.

Khử trùng máy móc ở một nhà máy thuộc tỉnh Giang Tô trước khi công nhân trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết kéo dài do dịch viêm phổi Covid-19 - ẢNH: GETTY IMAGES
Khử trùng máy móc ở một nhà máy thuộc tỉnh Giang Tô trước khi công nhân trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết kéo dài do dịch viêm phổi Covid-19 - ẢNH: GETTY IMAGES

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, khoảng 80% doanh nghiệp sản xuất ở Bắc Kinh đã hoạt động trở lại. Tuy vậy, khung cảnh Bắc Kinh - với dân số 22 triệu người và đã có 352 ca bị nhiễm Covid-19 - lại cho thấy một thực tế khác hẳn. Hôm 14/2, tức ngày thứ ba khi người lao động bắt đầu đi làm lại, đường phố Bắc Kinh vẫn vắng tanh; ở nhiều nơi, chỉ thấy nhân viên vệ sinh với máy rửa đường. Ở trung tâm TP.Bắc Kinh, những nơi trước kia luôn nêm cứng người qua lại, như quảng trường Thiên An Môn và Tử Cấm Thành, nay vẫn không bóng người, ngoài những nhân viên bảo vệ. Hầu hết ngân hàng chưa hoạt động trở lại, các tòa nhà văn phòng thưa thớt người, các cửa hàng vắng vẻ hoặc đóng cửa. 

Việc cân bằng giữa ưu tiên sức khỏe cộng đồng với mục tiêu giải quyết khó khăn kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh luôn là "bài toán phức tạp", theo ông Duncan Wrigley - chiến lược gia trưởng của Công ty Tư vấn Everbright Sun Hung Kai (Hồng Kông)."Nếu dịch bệnh bùng phát khi công nhân trở lại làm việc, chúng ta sẽ lại gặp rắc rối và phải lùi bước" - nhà dịch tễ học Ian Lipkin (Đại học Columbia, Hoa Kỳ) cảnh báo.

Minh chứng là trường hợp một nhà máy sản xuất vỏ xe tại tỉnh Hắc Long Giang đã mở cửa lại sau tết, nhưng ngay sau đó phải đóng cửa tiếp do có hai công nhân bị nhiễm Covid-19.

290 triệu người lao động nhập cư của Trung Quốc là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi nền kinh tế sa sút. Nhiều người trong số họ đi từ các vùng nông thôn tới các thành phố để làm việc trong các ngành xây dựng và sản xuất, hoặc nhận những việc được trả lương thấp như phục vụ bàn trong quán ăn, giao hàng hay làm bảo vệ... Khi nhiều nhà máy và doanh nghiệp vẫn tạm ngừng hoạt động vì dịch viêm phổi Vũ Hán, hàng trăm triệu người này sẽ khó tìm được việc làm sau kỳ nghỉ tết. Chỉ tính riêng ở tỉnh Hồ Bắc, vùng tâm dịch ở Vũ Hán có trên 10 triệu người lao động nhập cư có thể phải đối mặt với sự phân biệt đối xử do sợ rằng họ có thể lây truyền “vi-rút Vũ Hán”.

Buộc phải linh hoạt

Chính quyền Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến đã bật đèn xanh cho các doanh nghiệp hoạt động lại từ ngày 10/2, nhưng khuyên họ nên linh hoạt, theo hướng lập kế hoạch giải quyết mọi khó khăn để tiếp tục sản xuất bình thường ngay khi có thể, đồng thời đảm bảo kiểm soát dịch bệnh.

Đó chính là tình thế “tiến, lui đều khó” khi Trung Quốc vừa muốn khởi động lại nền kinh tế, vừa phải cố ngăn bằng được sự lây lan của Covid-19. Mọi người được phép làm việc ở nhà bất cứ khi nào có thể, trong khi những người đã nghỉ tết ở các khu vực bị nhiễm vi-rút nên hoãn việc quay lại nơi làm việc.

16 trạm kiểm soát đã được lập ra ở trung tâm giao thông Hồng Kiều tại TP.Thượng Hải, kết nối sân bay với mạng lưới đường sắt cao tốc liên tỉnh và mạng lưới tàu điện ngầm địa phương. Vào ngày bắt đầu làm việc lại sau kỳ nghỉ tết kéo dài, sẽ có khoảng 1,2 - 1,5 triệu người đi qua trung tâm giao thông này. Các nhà chức trách Thượng Hải báo động, trong vài ngày qua, đã có trên 100 người bị sốt đi qua trung tâm Hồng Kiều.

Chính quyền TP.Thượng Hải yêu cầu các công ty áp dụng giờ làm việc linh hoạt cho nhân viên và nếu có thể, cho phép họ làm việc ở nhà. Các công ty đã cho sản xuất trở lại phải đảm bảo nơi làm việc được thông gió đúng cách, tránh sử dụng hệ thống điều hòa không khí tập trung vì chúng có thể giúp lan truyền Covid-19.

Tại Thâm Quyến - trung tâm sản xuất công nghệ cao ở miền nam Trung Quốc, nơi có hơn 65% dân số (khoảng 8,2 triệu người) là công nhân nhập cư - chính quyền cho biết, các công ty cũng nên áp dụng cách tiếp cận linh hoạt. Một quận ở Thâm Quyến còn yêu cầu các doanh nghiệp có nhiều người lao động nhập cư phải lập khu vực cách ly cho các nhân viên trở về từ "vùng bị nhiễm bệnh". Điều đó đã tạo ra một cách tiếp cận chắp vá khi nối lại sản xuất trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng hiện nay.

Huawei - nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu của Trung Quốc - đã mở lại trụ sở tại Thâm Quyến hôm 10/2, nơi họ có khoảng 40.000 nhân viên. Nhưng các nhân viên Huawei đã trở lại làm việc trong một môi trường khác biệt đáng kể, dù đó vẫn là nơi mà họ đã rời đi hồi tháng Một. Giờ đây, khi tới văn phòng vào buổi sáng, họ phải cung cấp thông tin chi tiết về thân nhiệt và nơi ở của họ trong hai tuần qua. Cũng sẽ có kiểm tra thân nhiệt ở các tòa nhà và bãi đậu xe, trong khi khẩu trang và nước khử trùng tay được phân phối khắp nơi trong khuôn viên.

Alibaba - gã khổng lồ về thương mại điện tử của Trung Quốc - cũng yêu cầu nhân viên làm việc ở nhà thêm một tuần nữa. Trong khi đó, nhà sản xuất máy bay không người lái DJI yêu cầu nhân viên làm việc ở nhà cho tới khi có thông báo mới. 

Foxconn - một nhà sản xuất gia công lắp ráp iPhone cho hãng Apple - cũng đề nghị nhân viên chưa quay trở lại công ty và thậm chí, đã chỉnh một số dây chuyền sản xuất để làm khẩu trang cho công nhân. 

Nhựt Minh (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI