Trẻ mê game sau kỳ nghỉ dài

02/03/2021 - 17:57

PNO - Sau những phút giây tận hưởng kỳ nghỉ kéo dài là nỗi niềm hoang mang, lo lắng, thậm chí bất lực của không ít bậc cha mẹ khi những đứa trẻ trở nên mê game, không chịu học.

“Ngày nghỉ mà, cho tụi nhỏ thoải mái đi!”

Đây là câu nói tôi nghe nhiều nhất từ các bậc cha mẹ khi tư vấn về vấn đề mê game, mạng xã hội… sau các kỳ nghỉ kéo dài của con cái. 

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Tâm lý chung của cha mẹ là muốn “bù đắp” cho con sau những ngày học hành căng thẳng. Vì vậy, họ cho phép con sử dụng thiết bị điện tử thoải mái, không hề có bất kỳ sự kiểm soát nào. Khác với thường ngày, đứa trẻ chỉ được phép sử dụng một, hai tiếng đồng hồ cho cả việc học và chơi.

Họ không nghĩ rằng, sự “ưu ái” đột ngột này là sai lầm, trong khi việc sử dụng internet trong nhiều giờ và nhiều ngày liên tiếp dễ dẫn đến tình trạng trẻ căng thẳng, mệt mỏi, khó tập trung và lười vận động… Từ đó làm thay đổi lối sống của trẻ, khiến trẻ khó quay trở lại nhịp sống cũ. 

Tiêu biểu là câu chuyện của anh Nguyễn Minh Hoàng (Q. Phú Nhuận, TP.HCM) và cậu con trai M.B. đang học lớp Sáu. Anh chia sẻ, trước đây M.B. chỉ được chơi game hoặc xem YouTube mỗi ngày một tiếng. Cuối tuần, con được sử dụng máy tính hai tiếng.

Tuy nhiên, trong kỳ nghỉ tết vừa qua, vợ chồng anh bận rộn với quán ăn gia đình, thấy con lủi thủi một mình nên anh cho phép con sử dụng máy tính để giải trí. Kết thúc kỳ nghỉ tết, M.B. không chịu học trở lại. Bực tức, anh thuê người cài phần mềm chặn hết các website có nội dung liên quan đến game. M.B. la hét, gào khóc, lao đầu vào tường, khiến vợ chồng anh khiếp sợ.

 “Nếu ngay từ đầu, tôi nghiêm khắc với nguyên tắc đã đặt ra, không có “du di” ngoại lệ cho con, thì có lẽ tôi đã không cảm thấy bế tắc như lúc này” - anh Hoàng chia sẻ.

Con mê game, vợ chồng xào xáo

Bên trong phòng tham vấn, người mẹ nước mắt ngắn dài chia sẻ nỗi lo lắng, bất lực của chị về cậu con trai lớp Tám.

Chị kể, sau kỳ nghỉ COVID-19 của năm học trước, H.H. nằng nặc đòi bỏ học, chị cố nài nỉ và chấp nhận điều kiện cho con sở hữu máy tính riêng để con đi học. Thế nhưng khi đến trường, con chỉ… ngủ. Thầy cô than phiền con không tập trung học, thường xuyên ngủ gật, lại dễ bị kích động. Một mâu thuẫn nhỏ với bạn cũng khiến con nổi cơn tức giận ném đồ đạc hoặc đánh bạn. 

Chị than thở, từ trước tết đến nay, nhà chị không lúc nào bình yên, vợ chồng gặp nhau là cãi vã. Anh đổ lỗi chị làm hư con. 

Ngồi cạnh mẹ, thằng bé im lặng, mặt không biểu lộ một chút cảm xúc.

“Tôi đã khóc với con rất nhiều, năn nỉ hết lời. Tôi bảo nếu con không chịu học hành thì ba và mẹ cãi vã tới mức ly hôn… nhưng con vẫn vậy” - người mẹ nức nở.

Bé M.T. được đưa đến tham vấn tâm lý vì gần đây em thường xuyên mất ngủ, đau đầu và ói. Gia đình đã đưa đi bệnh viện khám nhưng không tìm ra nguyên nhân. Nghi ngờ con bị stress, mẹ T. đưa con đến tư vấn tâm lý. Khi người mẹ vừa bước ra khỏi phòng tham vấn để mình M.T. ở lại với tôi, em bỗng bật khóc nức nở, em bảo em sợ ba mẹ sẽ ly hôn… 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

M.T. kể, ba em đi làm xa một tháng mới về nhà một lần, một mình mẹ chăm lo hai anh chị em. Những ngày nghỉ tết ba em về nhà, thấy anh trai chơi game mê mải, mẹ bênh anh thì ba tức giận mắng cả mẹ. Ba đổ lỗi tại mẹ không biết dạy con. Không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng.

Lắng nghe và tôn trọng con

Khi trò chuyện với các em bị cho là “nghiện” game không chịu học, tôi nhận thấy hầu hết việc mê game đều xuất phát từ việc mất kết nối với gia đình và không tìm thấy niềm vui từ cuộc sống.

Những ngày nghỉ kéo dài, không gặp bạn bè, trong khi đó thời gian rảnh rỗi quá nhiều, nhu cầu được quan tâm, chia sẻ của các em không được đáp ứng, vì vậy khi đắm chìm vào “thế giới ảo”, được gặp gỡ bạn cùng trang lứa, cùng cảnh ngộ, các em nhanh chóng thu hút nhau. 

Được bạn chơi game ngợi khen và công nhận qua những trò chơi, khiến các em tự hào về bản thân. Tuy mạng “ảo”, nhưng đó thật sự là thế giới mà các em khao khát - một thế giới có sự quan tâm và công nhận.

H.H. chia sẻ, nhờ chơi game, em tình cờ quen một người bạn. Dù chưa biết gì về nhau, nhưng khi em bị các “game thủ” khác tấn công, người ấy đã bảo vệ em. Em rất xúc động, vì chưa có ai từng bảo vệ em như vậy. Ngay cả khi em bị bắt nạt, em kể với cha mẹ, thì cha em bảo con trai phải mạnh mẽ lên không được than thở, sau đó mặc kệ em với nỗi bất an.

Năm 2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bổ sung “rối loạn chơi game” hay còn gọi “nghiện game” vào danh sách phân loại thống kê quốc tế về các loại bệnh (ICD 11).

“Nghiện game” đặc trưng bởi ba triệu chứng: không kiểm soát được bản thân khi chơi game (ví dụ về tần suất, thời gian chơi); ưu tiên việc chơi game, hơn các trách nhiệm, quyền lợi khác; hành vi ngày càng tăng, bất chấp hậu quả tiêu cực đến cuộc sống gia đình, nghề nghiệp và xã hội. Các triệu chứng này phải kéo dài ít nhất 12 tháng.

Vì vậy, với các trường hợp trên, chưa đủ cơ sở để kết luận các em “nghiện” game, có chăng là sự “mất kết nối” với thế giới bên ngoài dẫn đến các em tìm kiếm một thế giới mà các em thấy hạnh phúc hơn.

Tuy nhiên, khi sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều, sự tác động của sóng điện tử lên não gây ra rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, đau đầu, thiếu tập trung… ảnh hưởng đến khả năng học tập và vận động, từ đó trẻ lười ra khỏi phòng và mất động lực học tập.

 sau một thời gian đắm chìm vào thế giới ảo, trẻ không muốn đến trường. Ảnh minh họa
Sau một thời gian đắm chìm vào thế giới ảo, trẻ không muốn đến trường. Ảnh minh họa

Cho nên, một mặt trẻ tìm thấy niềm vui trong thế giới ảo, mặt khác trẻ bị ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần và thể chất. Đó là lý do sau một thời gian đắm chìm vào thế giới ảo, trẻ không muốn đến trường.

Để kéo con trở về với thế giới thực, cha mẹ cần quan tâm đến vấn đề tâm sinh lý của con. Các em đòi hỏi được tôn trọng, bình đẳng, có nhu cầu khẳng định mình, không thích sự quan tâm can thiệp cũng như sự kiểm soát quá chặt của người lớn. Nếu cha mẹ tức giận, chửi mắng, giám sát, sẽ càng khiến các em chống đối, tìm đến thế giới ảo nhiều hơn.

Vì vậy, cha mẹ nên bình tĩnh và khuyến khích con nói lên suy nghĩ, luôn thể hiện sự tôn trọng, bình đẳng. Song song đó, cha mẹ cũng có thể chia sẻ cùng con những mong đợi và lo lắng về tương lai của con… Khi đứa trẻ cảm nhận được sự yêu thương và tôn trọng, trẻ sẽ chấp nhận thỏa thuận với ba mẹ.

Vợ chồng anh Hoàng đã triệu tập cuộc họp gia đình, mỗi người đều được khuyến khích nói lên những suy nghĩ về các thành viên còn lại. Tất cả cùng lắng nghe và góp ý với nhau. 

Bé M.B. đã tự đưa ra kế hoạch học tập và giới hạn sử dụng internet. Vợ chồng anh chấp nhận điều kiện của con. Ngược lại, con chấp nhận những điều kiện của ba như: chỉ lên mạng khi đã học bài xong và không sử dụng máy tính sau 23 giờ.

Tâm lý của lứa tuổi này là muốn thoát khỏi sự giám sát, nhưng thực tế các em còn phụ thuộc vào cha mẹ, đặc biệt những vấn đề liên quan đến tương lai. Do đó các em vẫn còn nhu cầu được gần gũi, chia sẻ và được cha mẹ định hướng. Đây là cơ hội kéo trẻ ra khỏi thế giới ảo và điều đó phải được thực hiện trên nguyên tắc của yêu thương, tôn trọng và lắng nghe. 

Chuyên viên tâm lý Linh Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI